Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

05/11/2024

(Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

Làng nghề gạch gốm Mang Thít.

Trăm năm “vương quốc gạch, gốm”

Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) là huyện vùng xa được bao bọc bởi 2 con sông lớn: Cổ Chiên và Mang Thít. Hàng năm, theo dòng Cửu Long đổ về hạ lưu, những hạt phù sa mịn đã vượt hàng nghìn cây số tập kết về đây hình thành những mỏ đất sét quý. Bao năm qua, người dân nơi đây đã tận dụng đất sét để tạo nên làng nghề gạch ngói lớn nhất vùng châu thổ Cửu Long.

Làng nghề gạch ngói Vĩnh Long hình thành hơn 150 năm qua. Theo những tài liệu còn lưu lại, năm 1887, Vĩnh Long chỉ có một hai lò gạch ở thôn Tân Hoa, tổng Bình An (nay là xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long) và thôn Thanh Mỹ Đông (nay là phường 5, thành phố Vĩnh Long) hoạt động thủ công, nhỏ lẻ. Từ đó đến nay, người Vĩnh Long đã tận dụng đất sét để tạo ra một làng nghề lớn nhất vùng châu thổ Cửu Long với hơn 1.800 lò gạch, tập trung nhiều nhất ở huyện Mang Thít; còn lại là huyện Long Hồ và Vũng Liêm. Giai đoạn hưng thịnh nhất của nghề gạch ngói Vĩnh Long là những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Hồi ấy, chỉ tính riêng huyện Mang Thít, sản lượng gạch đã vượt mức 300 triệu viên/năm, đáp ứng nhu cầu xây dựng cho cả vùng ĐBSCL, hàng năm tạo ra nguồn thu chiếm gần 50% ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho 15% dân số của huyện.

Đặc biệt, khi chính quyền huyện Mang Thít ban hành các quy định cụ thể, các lò gạch nung được sắp xếp dọc theo các tuyến sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai, Hòa Tịnh và cối ép gạch chỉ được khai thác ở những vùng đất gò không trồng lúa được hoặc trồng lúa hiệu quả thấp. Ngành sản xuất gạch ngói khi ấy được điều hành xoay quanh trục: Phát triển công nghiệp trên cơ sở cải tạo mặt bằng nông nghiệp. Chính sự tham gia định hướng ấy đã tác động mạnh mẽ đến việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bền vững hơn...

Làng nghề hiện nay đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Tuy nhiên, từ những năm 2010 trở đi, làng nghề gạch gốm bắt đầu có xu hướng chậm lại do chi phí sản xuất quá cao, giá thành sản phẩm đầu ra thấp, các cơ sở lò gạch bắt đầu có dấu hiệu thua lỗ nên không còn hoạt động công suất lớn như trước đây nữa. Và cũng từ đó, nhân công từng làm cho các cơ sở gạch gốm này giảm nguồn thu nhập, không đủ trang trải cuộc sống, họ bắt đầu chuyển sang làm công nhân cho các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc đi làm kinh tế khác.

Ngoài ra, do ảnh hưởng khói lò gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống và vườn cây ăn trái của người dân xung quanh, đồng thời thực hiện theo Quyết định số 1830/QĐ-UBND, ngày 08/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình thay thế lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Nếu như thời hoàng kim, vào những năm giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, làng nghề có trên 2.000 miệng lò sản xuất gạch, gốm đỏ truyền thống, hoạt động ngày đêm, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của huyện Mang Thít; thì nay chỉ còn vài chục miệng lò hoạt động.

Làng nghề gạch gốm nhìn từ trên cao.

Ngoài ra, Trung ương và địa phương đã có chính sách hỗ trợ phá dỡ các lò gạch này để chuyển đổi sang hình thức kinh tế khác cho người dân. Vì thế nên làng nghề thủ công gạch gốm truyền thống đặc trưng của Mang Thít hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đa số các lò gạch gốm ngưng hoạt động, phá dỡ, số còn lại bị hư hỏng theo thời gian và có nguy cơ phá dỡ toàn bộ trong thời gian tới. Vương quốc lò gạch một thời sôi động giờ dần trở nên mai một, im lìm, vắng lặng.

Đưa làng nghề thành “di sản đương đại”

Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch ÐBSCL, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”. Trong đó, gốm đỏ là sản phẩm du lịch đặc thù không nơi nào có được. Hiện nay, làng gốm kênh Thầy Cai có rất đông du khách khắp nơi đến tham quan di sản lò gạch và trải nghiệm nghề làm gốm có một không hai ở ÐBSCL.

Từ ngày 16-23/11 tới, tại đường Võ Văn Kiệt, phường 9, thành phố Vĩnh Long và làng nghề sản xuất gạch, gốm tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít; sẽ diễn ra “Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần thứ nhất - năm 2024”.

Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá làng nghề rất đặc trưng sản xuất gạch, gốm Mang Thít, không chỉ mang nét độc đáo riêng có của Vĩnh Long mà còn đại diện cho cả vùng ĐBSCL, của cả nước.

Hoạt động bên trong làng nghề gạch gốm Mang Thít.

“Festival chắc chắn sẽ mang đến cho du khách, những người tham gia trải nghiệm về vùng đất Vĩnh Long, điểm hẹn phương Nam nhiều giá trị văn hóa độc đáo của vương quốc gốm đỏ Mang Thít” - Ông Giàu nói và nhấn mạnh: Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá rất cao làng nghề gạch gốm đỏ tồn tại hơn trăm năm của tỉnh, việc tổ chức sự kiện festival góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chuyển đổi sinh kế của người dân.

Sự kiện lần này cũng nhằm tôn vinh những người làm gốm và nghề gốm đỏ ở Vĩnh Long, một nghề truyền thống có lịch sử hơn 100 năm. Ngoài ra, Festival lần này cũng nhằm chào mừng Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (14/11); kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11); kỷ niệm 102 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2024).

Trong thời gian diễn ra Festival từ ngày 16-22/11, có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, bên cạnh các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo, còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc.

Trong đó, nhiều hoạt động lần đầu được tỉnh tổ chức như: Hội thi ẩm thực và xác lập kỷ lục Việt Nam 102 món ăn từ tàu hủ ky và dùng kèm tàu hủ ky đầu tiên tại Việt Nam (với nguyên liệu chính từ tàu hủ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh); không gian văn hóa đặc trưng làng nghề sản xuất gạch, gốm tại kênh Thầy Cai (huyện Mang Thít); trình diễn múa rối nước...

Đặc biệt, tại lễ khai mạc (dự kiến 20 giờ ngày 16/11) du khách và người dân sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc kết hợp màn trình diễn dronefly lần đầu tiên tại Vĩnh Long…

Giang Sơn - Phạm Hổ

Sưu tầm: https://baoxaydung.com.vn/vinh-long-di-san-lang-nghe-tram-tuoi-ben-dong-co-chien-387515.html

Food

Attractions