Bánh phồng – Ký ức đẹp Tết ngày xưa

21/01/2022 2530 0

Trong suy nghĩ của mỗi người dân Việt Nam, Tết vẫn là một điều gì đó rất có ý nghĩa và mọi người ai cũng mong đợi ngày tết đến. Tết là những kỷ niệm nối tiếp nhau trong ký ức và song hành với cuộc sống của mỗi chúng ta không bao giời quên, như câu ca trong bài hát “đón xuân này tôi nhớ xuân xưa” của nhạc sĩ Châu Kỳ. Tết là sự nhớ nhung pha lẫn chút tiếc nuối kỷ niệm niệm xưa. Vào độ ngày 15 tháng Chạp là không khí Tết bắt đầu trong mỗi gia đình, có sự chuẩn bị mọi việc để đón Tết trong đó có hoạt động làm bánh phồng.

Bánh phồng được phơi khô(sưu tầm)

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, thời đểm từ lối 15 tháp Chạp là cả xóm tôi rộn ràng chuẩn bị Tết; trước đây thì món bánh phồng, bánh tráng là được mỗi gia đình chuẩn bị sớm, và việc làm bánh cần nhiều người nên có việc là làm dần công giúp nhau, nghĩa là xây vòng từ nhà này đến nhà kia cho đến lối 23 tháng Chạp là xong. Ban ngày bà con lo ruộng vườn, việc quết bánh phồng được thực hiện từ lúc 1hay 2 giờ cho đến sáng là phải xong vài mẻ bánh phồng, vì làm như thế để kịp phơi nắng trong ngày thì bánh mới ngon, khi bánh khô đem nướng sẽ phồng, giòn không bị chay.

Nếp chọn làm bánh là loại nếp dẻo và thơm không lẫn với gạo và kỹ thuật nấu nếp là rất công phu do những người phụ nữ khéo tay thực hiện.  Khi nếp được nấu chín sau đó được bỏ vào cái cối to để giả hay còn gọi là quết bánh phòng bằng một cái chày, hay hai cái chày tùy vào việc sắp xếp nếu 2 người quết sẽ mau hơn, công việc này do người đàn ông mạnh khỏe thực hiện, một người ngồi vô nước cho bánh (nước đường, nước cốt dừa) làm sao cho ăn ý với người quết để bột  không bị  “óc trâu”  và chày không bị dính. Công việc được thực hiện nhịp nhàng cho đến khi bột đủ độ dai dẻo. Để tiếp tục công việc là cán bánh đem phơi khô. Trong ký ức của trẻ con ở quê thì cũng vài lần bị Bà Nội, bà Ngoại bắt phải lựa nếp để quết bánh.

Công đoạn quết bánh phồng (sưu tầm)

Ngày xưa, phụ nữ thường hay học hỏi các bà, các cô, dì để khi đi lấy chồng khéo tay làm bánh. Các cô ngồi trên bộ ván, hay trãi chiếu dưới nền nhà, bắt từng cục bột và cẩn thận sao cho đều tay khi cán ra bánh tròn không bị cái lớn cái nhỏ. Công việc thạo cho đến khi trời bùng sáng là đã xong việc sau cùng là phơi nắng.

Nướng bánh phồng bằng củi gỗ chắc, như; củi nhãn, củi xoài… sau khi đốt cháy hết lửa ngọn là bắt đầu nướng để bánh không bị hôi khói, và hai cái kẹp nướng bánh được làm bằng tre tươi chẻ ra một cặp y như đôi bàn tay 5 ngón xòe để nâng chiếc bánh. Chiếc bánh được trở qua trở lại liên tục, khi thì hạ thấp khi thì nâng cao lên độ khoảng 30 giây cái bánh phồng to ra lạ thường, chỗ thấp, chỗ cao nổi nhô lên y như cái trứng vịt trông rất hấp dẫn.

Cái chày, cái cối cùng đôi bàn tay khéo léo của bà của mẹ đã tạo nên chiếc bánh phồng giúp cho ngày tết thêm ý nghĩa thêm thắt chặt tình làng nghĩa xóm! Ngày nay đã qua rồi không còn cảnh quết bánh phồng nữa, cái thời khó khăn chỉ dịp Tết mới được ăn bánh phồng.

Nay, bánh phồng  ngày nào cũng có và kỹ thuật làm được cải tiến không còn làm thủ công như ngày xưa, cái âm thanh quết bánh, ánh lửa bập bùng, sự hối thúc của Bà của mẹ kêu nhanh tay cho việc làm bánh… không còn nữa, không gian làm bánh chỉ còn trong ký ức, dư vị của ngày xưa thôi!

Đã lâu rồi chúng ta không được sống lại giây phút cạnh bà, cạnh mẹ… và cũng không được nghe tiếp câu chuyện quết bánh phồng ăn Tết. Nay, khi Tết đến Xuân về ngồi bên nhau nhắc chuyện quết bánh phồng ăn Tết đó là những ký ức đẹp trong không gian kỷ niệm xưa./.

Bài Thùy Trang

Related Post

Sample Plan