ĐÌNH BÌNH PHỤNG – NƠI LƯU DẤU KỶ NIỆM TUỔI THƠ CỦA ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT

20/09/2022 1926 0

Đình Bình Phụng tọa lạc tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, là một trong những di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nổi tiếng gắn với phong trào cách mạng ở huyện Vũng Liêm, đặc biệt đây còn nơi gắn liền thời niên thiếu của thủ tướng Võ Văn Kiệt từ việc vui chơi, học hành, đến khi giác ngộ và tham gia cách mạng ở địa phương.

Đình Bình Phụng

Giá trị văn hóa, lịch sử của đình Bình Phụng

So với bảy ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa hóa cấp tỉnh trên địa bàn huyện Vũng Liêm, đình Bình Phụng được xây dựng muộn hơn. Năm 1920, đình được người dân tạo lập bằng tre lá đơn sơ, thờ Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc tiền nhân có công với làng, xã. Đến năm 1925, đình được trùng kiến khang trang hơn theo kiến trúc hình chữ tam, đặc trưng của ngôi đình truyền thống ở Nam Bộ, gồm vỏ ca, vỏ quy và chánh điện. Hằng năm, đình có hai lễ cúng chính: Lễ thượng điền và lễ Hạ điền. Trong quá trình hình thành và phát triển, đình Bình Phụng không chỉ là nơi thực hành tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của cư dân nơi đây, mà còn là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động cách mạng, đặc biệt là khi phong trào kháng Pháp ở địa phương đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Trong giai đoạn đó, đình Bình Phụng được chính quyền cách mạng chọn làm nơi tổ chức hội họp và tập hợp lực lượng cách mạng. Năm 1940, đình là một trong những nơi lực lượng nghĩa quân tập hợp đứng lên khởi nghĩa, tiến đánh những nơi xung yếu do địch chiếm đóng. Trong cuộc khởi nghĩa này, có sự tham gia lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt – Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp. Tuy sau đó cuộc khởi nghĩa thất bại, bị thực dân Pháp đàn áp dã man nhưng đã trở thành bước ngoặt quan trọng để đồng chí càng vững niềm tin khi quyết tâm dấn thân trên con đường cách mạng, trở thành vị thủ tướng được nhân dân suy tôn là “Thủ tướng của nhân dân”.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng sử dụng đình Bình Phụng làm trụ sở Ủy ban hành chính xã Trung Hiệp, là nơi hội họp các tổ chức đoàn thể của xã như Thanh niên, Phụ nữ,…

Năm 1946, thực dân Pháp phá hủy toàn bộ ngôi đình. Qua nhiều lần tái dựng, dời đổi vị trí, đến năm 2003, đình được trùng kiến khang trang cho đến ngày nay.  

Trường học đầu tiên, nơi lưu dấu kỷ niệm tuổi thơ của đồng chí Võ Văn Kiệt

Đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 11/6/2008), tên thật là Phan Văn Hòa, là con út của một gia đình nông dân nghèo, có đông con (6 trai, 2 gái) tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tuổi thơ của đồng chí là những tháng ngày vất vả, không được đến trường, ăn không đủ no, phải lao động cực nhọc để kiếm sống. Do là con út, ông được quan tâm chăm sóc hơn các anh chị trong nhà. Cả nhà đều muốn ông phải có cái chữ để không bị người ta ăn hiếp. Nhưng mãi đến năm 10 tuổi (1932), ông mới được đi học lớp vỡ lòng tại đình làng Bình Phụng.

Lớp học đặc biệt này do thầy Nguyễn Văn Mẹo (Hai Mẹo) dạy. Lớp thường được mở sau mùa lúa mới có người theo học. Lớp học này chỉ có 14 học trò cùng học nhưng được phân ra làm nhiều nhóm: Nhóm biết đọc, biết viết; nhóm biết mặt chữ, nhóm biết làm toán. Thầy Hai Mẹo là người thầy dạy rất tận tình, ân cần chăm sóc từng học sinh. Trong lớp, thấy học sinh nào vắng mặt không lý do, thầy đều sắp xếp đến nhà hỏi thăm, đông viên chép bài; thầy còn bổ túc cho học trò khi gặp phải những bài học khó và cả những trò vì hoàn cảnh không thường xuyên đến lớp được.

Những tháng đầu, ông theo học khá đều đặn. Tuy còn khá nhỏ, nhưng vì đam mê việc học nên ông biết sắp xếp thời gian, làm hết các công việc, tranh thủ sớm trưa cắt cỏ cho trâu ăn để được hai buổi đến trường. Nhưng khi mùa vụ tới, ông buộc nghỉ đến lớp vì phải lo làm đồng, mưu sinh. Chính vì vậy việc học hành ở đình với thầy Hai Mẹo mấy mùa cứ lỡ dở nên ông chỉ biết đọc, biết viết. Nhưng sau đó ông được tiếp tục việc học với thầy đồ Võ Văn Nhâm, lớp mở tại nhà thầy trong xóm. Tuy việc học không mấy suôn sẻ, do vừa học vừa làm thuê kiếm sống nhưng ông thấy may mắn vì trong cuộc đời mình, ông được học với những người thầy có tâm huyết, yêu nước tận tình dạy dỗ, trao truyền những nền tảng kiến thức mà ông luôn nhớ và mang theo suốt cuộc đời.

Ngoài là trường học đầu tiên, đình làng Bình Phụng còn là nơi lưu dấu kỷ niệm tuổi thơ, một phần ký ức đẹp nhất của ông. Đối với ông, ngôi đình có một vị trí tinh thần đặc biệt mà trong sâu thẵm cõi lòng không lúc nào ông quên. Trong suốt cuộc đời, ông đã đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, đã từng tham dự những đêm diễn lớn nhưng dường như trong lòng ông vẫn còn rộn lên mỗi khi nhớ lại tiếng trống dập ngoài đình. Ông kể: “Lâu lâu có gánh hát về xã, họ bắt đèn ngoài đình và buổi chiều khi nổi trống lên là bọn trẻ tụi tôi không còn thể nào nhấc nổi chén cơm lên nữa”. Từ nhỏ, ông rất thích xem hát bội. Mỗi khi gánh hát về hát ở chợ Vĩnh Trị (Vũng Liêm) hay ở đình Trung Trạch, đình Bình Phụng ông đều đến xem, có khi hát khuya quá, buồn ngủ đường xa, trời mưa gió, ông ngủ trên sạp thịt ở chợ đến sáng mới về.

Khi thôi giữ trọng trách đứng đầu Chính phủ, trong những năm cuối đời ông muốn góp sức mình vào việc thay đổi diện mạo quê hương, trong đó có đình Bình Phụng. Trong một chuyến về thăm Vĩnh Long, ông nói: “Khi tại chức tôi chưa làm được gì cho quê hương, chỉ sau khi về nghỉ mới xóa đói, giảm nghèo được cho ông thành hoàng”. Năm 2001, ông về quê xin phép chính quyền, cùng các vị bô lão trùng tu đình làng Bình Phụng.

Ngày 21/4/2002, đình Bình Phụng được khởi công xây dựng lại tại nền đình cũ trên diện tích 3.050m2 và hoàn thành vào năm 2003. Đình có khoảng sân rộng, trồng nhiều hoa kiểng, cây xanh. Trong sân đình có bia đá ghi lại sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940 do cựu nghĩa quân Pham Văn Hòa (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) phụng lập. Năm 2003, đình Bình Phụng được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Khi xã hội ngày càng phát triển thì những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử càng phải giữ gìn, trân quý và tích cực phát huy. Với những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu gắn liền với phong trào cách mạng tại địa phương, nơi gắn bó với thời niên thiếu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Vĩnh Long; hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Thủ tướng (23/11/1922 – 23/11/2022), ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét xếp hạng di tích quốc gia cho đình Bình Phụng, nâng tầm di tích tương xứng với giá trị lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, và trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch đến tham quan, chiêm bái./.

Tài liệu tham khảo

  1. Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Vĩnh Long, Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2012.
  2. Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của đảng và cách mạng Việt Nam, Võ Văn Kiệt tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2015.
  3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, Ấn tượng Võ Văn Kiệt, Nxb Trẻ.
  4. Di tích lịch sử văn hóa tỉnh Vĩnh Long, Nxb Đại học Cần Thơ, năm 2017.

                                                                                      Bài, ảnh: Kim Hường

Related Post

Sample Plan