Du lịch nông nghiệp Vĩnh Long - Những tồn tại và định hướng phát triển

15/12/2020 2963 0

Ngày Du lịch Thế giới năm 2020 với chủ đề “Du lịch và Phát triển nông thôn” là cơ hội để ngành du lịch nhìn nhận và củng cố những đóng góp của mình đối với sự phát triển của các cộng đồng nông thôn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thông qua các giá trị xã hội, văn hóa và kinh tế. Đồng thời cũng khẳng định du lịch nông nghiệp, một loại hình du lịch có nhiều tiềm năng trong thời gian tới, khi du khách có xu hướng du lịch nội địa, nghỉ dưỡng, hít thở không khí trong lành vùng nông thôn.

Loại hình du lịch này không phải mới hình thành trong thời gian gần đây, mà nó đã hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nó phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước và có nhiều cách gọi, như ở Anh gọi là "Du lịch nông thôn", ở Mỹ là "Du lịch trang trại", Nhật Bản gọi "Du lịch xanh", ở Pháp gọi "Du lịch cỏ cây". Tại Việt Nam, trong các định hướng chiến lược phát triển du lịch, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn đã được xác định là một trong năm dòng sản phẩm chủ đạo những năm gần đây, là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách cả nước.

Homestay Phương Thảo đạt chuẩn ASEAN

Ở vùng ĐBSCL nói chung cũng như tại Vĩnh Long nói riêng, du lịch nông nghiệp cũng được hình thành rất sớm. Riêng Vĩnh Long với lợi thế về vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm giữa hai dòng sông chính là Tiền Giang và Hậu Giang, thời gian qua các vùng cù lao của tỉnh được phù sa bồi đấp hàng năm nên cây trái phát triển tươi tốt, khí hậu lại trong lành rất thích hợp với loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn trải nghiệm đời sống, hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Thương hiệu du lịch Homestay, gắn với các trải nghiệm sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Long ra đời từ những thập niên 80 và được xem là cái nôi du lịch nghĩ dưỡng nhà dân của khu vực, loại hình du lịch này gắn với các hoạt động thu hút khách du lịch như: đi trong màu xanh đồng bằng, một ngày làm nông dân, tát mương bắt cá, tái hiện chợ quê, dịch vụ giải trí sông nước, hái và thưởng thức các loại trái cây tại vườn,….đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan Vĩnh Long thời gian qua, được nhiều công ty du lịch quan tâm hưởng ứng. Đến nay, số lượng các homestay và các vườn trái cây trong tỉnh cho khách đến tham quan trải nghiệm không ngừng tăng lên, từ chỉ vài homestay và vườn trái cây ban đầu, đến nay thống kê vào tháng 11/2020 có tổng số trên 40 vườn trái cây và 27 mô hình homestay nghỉ dưỡng trong tỉnh. Tiêu biểu có 02 homestay Vĩnh Long đã được tặng giải thưởng Homestay ASEAN giai đoạn 2017-2019 và giai đoạn 2019-2021; 02 loại đặc sản đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận và đưa vào Top 50 đặc sản tiêu biểu của cả nước (Xà lách xoong và khoai lang Bình Tân). Ngoài ra, nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cũng khá tiêu biểu, có tiếng trong khu vực được nhiều du khách biết đến và sử dụng như: Bình Tân ngoài khoai lang còn có sản phẩm trái cây sấy rất hấp dẫn; Bình Minh ngoài xà lách xoong còn có bưởi năm roi, trái thanh trà; Tam Bình và Trà Ôn có cam sành, xoài cát Hòa Lộc; Long Hồ có Sầu riêng Ri6, chôm chôm, nhãn; Vũng Liêm có xoài cát núm, măng cụt,… Thời gian gần đây, trong tỉnh có thêm một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao (vườn dưa lưới, rau quả thủy canh,…) cho khách vào tham quan cũng được du khách rất yêu thích, hiệu ứng rất tích cực. Với những lợi thế đó, giúp Du lịch Vĩnh Long nâng cao năng lực cạnh tranh loại hình du lịch này với các tỉnh khác trong khu vực.

Du khách tham gia hoạt động trải nghiệm sản xuất nông nghiệp

Nhằm góp phần phát triển du lịch của tỉnh, những năm qua các địa phương đã gắn kết chương trình xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch. Các địa phương tập trung làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự,  an toàn cho du khách. Đặc biệt, nhiều nơi vận động nhân dân xây hàng rào, trồng hoa dọc theo các tuyến đường, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh,…tăng cảnh quan sinh thái tự nhiên, tăng tính thu hút du khách khi tham quan trải nghiệm đồng quê. Các địa phương trong tỉnh cũng xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng có sẵn với các vùng chuyên canh cây ăn trái như: mận, cam, mít, nhãn, dưa hấu, khoai lang, bưởi,... qua đó, đã phần nào đáp ứng nhu cầu phục vụ khách tham quan nhà vườn và trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp, gắn kết nông nghiệp với du lịch, góp phần xuất khẩu tại chỗ. Lượng khách đến các điểm vườn trái cây thời gian qua ngày càng tăng. Qua đó, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch trong thời gian qua. Tổng thu ngành du lịch giai đoạn 2015-2019 tăng bình quân hàng năm đạt trên 25%, lượng khách tăng bình quân gần 10% (riêng năm 2020, do tác động kép của Covid-19, doanh thu giảm 63,8%, lượng khách giảm 55,7%).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì du lịch nông nghiệp Vĩnh Long cũng còn nhiều mặt tồn tại cần sớm khắc phục trong thời gian tới để góp phần đưa du lịch địa phương trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025, cụ thể:

Sản phẩm du lịch nông nghiệp Vĩnh Long vẫn còn biểu hiện mang tính nhỏ lẻ, trùng lắp, thiếu liên kết, chưa chú trọng về thương hiệu sản phẩm. Tại một số vườn sinh thái, trái cây chưa đa dạng – thời gian chín và phục vụ khách tham quan không lâu, công tác phục vụ khách cũng hạn chế (mang tính hộ gia đình, nhân công gia đình); các điểm vườn chưa chú trọng công tác quảng bá, còn phụ thuộc vào các đơn vị kinh doanh lớn đưa khách tới nên dẫn đến việc phải chia lại tỉ lệ lợi nhuận, ảnh hưởng đến thu nhập chung của cơ sở. Vườn trái cây ở các xã cù lao của tỉnh chưa được định hướng cho từng loại khu vực trồng loại cây gì để từ đó các xã cù lao lúc nào cũng có trái cây, đảm bảo sạch, an toàn để phục vụ du khách. Các điểm vườn trái cây có kết cấu hạ tầng bên trong còn hạn chế như: khu vực nhà vệ sinh chưa đảm bảo, thiếu sự đa dạng các món ăn phục vụ cho khách, hoạt động bên trong các vườn na ná nhau như: Món ăn, hoạt động tát ao bắt cá, hái trái cây, thưởng thức đờn ca tài tử,… Giữa các vườn trái cây và các điểm du lịch cũng thiếu thông tin với nhau, khi du khách đến một điểm du lịch nào đó, phát sinh muốn tìm một vườn trái cây tham quan thì phải đợi chủ cơ sở trao đổi tìm điểm vườn,… Từ tồn tại đó khó giữ chân du khách, không kích thích sự chi tiêu nhiều hơn từ du khách và việc quay trở lại của khách cũng hạn chế. 

Du khách tham quan và trải nghiệm tại vườn chôm chôm

Sản phẩm nông nghiệp phục vụ khách ngoài ngon, đẹp, vừa túi tiền thì còn phải đảm bảo sạch, an toàn khi sử dụng nhưng hiện nay, toàn tỉnh đang rất thiếu những chỉ dẫn địa lý, những nơi bán cam kết an toàn về sản phẩm sạch để qua đó giới thiệu các đoàn khách, các công ty lữ hành biết khi dẫn khách tới Vĩnh Long sẽ mua trái cây, hàng nông nghiệp đặc sản ở đâu để làm quà tặng cho bạn bè, gia đình. Phần lớn, du khách phải ra khu vực chợ mua, nhưng hiện nay du khách rất ngán ngại vì vấn đề hóa chất nông nghiệp. Hiện tại, toàn tỉnh có 19 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm khởi nghiệp có thể gắn kết với du lịch tỉnh để quảng bá đặc sản, sản phẩm tiêu biểu làm quà tặng du lịch nhưng công tác quảng bá, giới thiệu còn hạn chế. Rất hiếm tìm thấy các sản phẩm này tại các quầy bán hàng lưu niệm, quà tặng tại các cơ sở du lịch. Rất nhiều sản phẩm này khi trưng bày tại các hội nghị, hội thảo của tỉnh, nhiều ban ngành mới biết đó là sản phẩm của tỉnh mình. Mặt khác, sản phẩm nông nghiệp hiện nay gắn kết với du lịch là sản phẩm thô, chủ yếu vài sản phẩm là bao bì, dán nhãn, thương hiệu như: bánh phòng khoai lang Nhật Ngọc, trái cây sấy Bình Tân, mứt vỏ bưởi Nguyễn Gia,…Còn lại đa số chưa quan tâm bao bì, nhãn dán bắt mắt, thu hút; các sản phẩm chưa áp dụng nhiều khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị.

Các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc gắn kết chương trình xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch của tỉnh, song vẫn còn vấn đề tồn tại như: hệ thống giao thông thủy bộ ở các xã cù lao của tỉnh chưa hoàn chỉnh, đặc biệt một số vùng, điểm du lịch xe 30 chỗ chưa đến được, giao thông đến các điểm vườn, homestay chủ yếu bằng đường sông còn lại thì đường bộ chỉ đáp ứng với loại xe nhỏ.

Từ những hạn chế trên, vừa qua, ngày 03/11/2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2998/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, tỉnh xác định du lịch nông nghiệp vẫn là 01 trong 04 sản phẩm tiêu biểu, đặc thù của tỉnh và đã đề ra nhiều giải pháp để tập trung phát triển trong thời gian tới. Đề án nhấn mạnh vai trò các ngành chuyên môn của địa phương cần tham mưu, định hướng những cây giống mới, giống tốt, cho trái chất lượng cao, hướng dẫn cho từng khu vực, từng hộ làm vườn nên trồng cây ăn trái loại nào để các xã cù lao lúc nào cũng có vườn cây có trái chất lượng phục vụ du khách. Đặc biệt, hướng dẫn cho các nhà vườn cách chăm sóc cho trái sạch, đạt chuẩn an toàn, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường. Xây dựng những điểm trái cây an toàn, chỉ dẫn địa lý cụ thể, tăng cường quảng bá để cho các đoàn khách biết đến và mua sản phẩm về làm quà tặng bạn bè. Ngoài ra, các ngành chuyên môn cần phát động việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từ các sản phẩm nông nghiệp có thể chế biến tạo thành những sản phẩm giá trị cao phục vụ du khách, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Cần xây dựng các hoạt động tái hiện mô hình sản xuất nông nghiệp xưa thu hút du khách tại các điểm đến, tránh trùng lắp với các tỉnh bạn. Tăng cường liên kết giữa các công ty du lịch lữ hành, các cơ sở du lịch của tỉnh và các nhà vườn hình thành tour, tuyến du lịch đặc trưng của tỉnh. Quan tâm hơn nữa việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới (đặc biệt lĩnh vực giao thông thủy bộ, thông luồng các dòng sông, dự án chống hạn mặn và giữ nét sinh thái du lịch đặc thù của tỉnh);  đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; quan tâm gắn kết mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với phát triển du lịch. Triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình du lịch nông nghiệp tại địa phương. Ban hành chính sách khuyến khích nông dân tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch tỉnh,...  Hy vọng, với những giải pháp đề ra và sự tập trung phát triển du lịch của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới, du lịch Vĩnh Long nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng sẽ có sự phát triển đột phá, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

                     Thanh Vy

Related Post

Sample Plan