Du lịch Vĩnh Long sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng

28/04/2022 1717 0

Từ lâu nay, Vĩnh Long nổi tiếng là miệt vườn sông nước, cây lành trái ngọt là điểm đến hấp dẫn miền Tây sông nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 trong 02 năm qua, du lịch Vĩnh Long vắng bóng du khách. Để tạo điểm đến hấp dẫn và đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Khai thác chưa tương xứng tiềm năng…

Vĩnh Long điểm đến hai dòng sông (sông Tiền, sông Hậu) của dòng sông Mê Kông huyền thoại, mang phù sa bồi đắp nên những dãy cù lao thơ mộng và mang dòng nước tưới mát những vườn cây ăn trái bốn mùa trĩu quả gợi lòng khách du.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có trên 54 di tích cấp tỉnh và 11 di tích cấp quốc gia đã được công nhận, trong đó có một số di tích quốc gia đã được công nhận và là điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), như: Văn Thánh Miếu, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm GS. Viện sỹ Trần Đại Nghĩa là điểm nhấn cho việc kết nối tuyến du lịch văn hóa. Những lễ hội lớn đặc trưng có thể gắn kết du lịch như: Lễ hội Lăng ông tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (ngày mùng 3 và mùng 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm - đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu năm 2020); Lễ Xuân tế cầu an tại Công Thần miếu (dịp rằm tháng 2 âm lịch), vía ông ở Thất Phủ miếu (13/5 âm lịch); Lễ Tế Xuân đinh và Thu đinh tại Văn Thánh Miếu (ngày đinh đầu tháng 2 và ngày đinh cuối tháng 8)…

Trên địa bàn tỉnh có 23 làng nghề và nghề truyền thống đã được công nhận như: đan lõi lát, đan thảm lục bình, tàu hủ ky, làng nghề làm bánh tráng giấy, làng nghề gạch, gốm... Các sản phẩm làng nghề chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp thủ công, rất phù hợp cho việc gắn kết với hoạt động du lịch. Hiện nay, du khách rất quan tâm đến việc trải nghiệm tham quan tại làng nghề gạch, gốm Mang Thít – nơi từng mệnh danh là thủ phủ lò gạch, thủ phủ gạch, gốm, “Vương quốc Đỏ”.

Ẩm thực và đặc sản địa phương khá phong phú, nổi tiếng như: Cam sành Tam Bình; bưởi 5 Roi, Thanh trà, khoai lang Bình Tân; xoài cát núm, măng cụt, bòn bon Vũng Liêm; chôm chôm Trà Ôn; nhãn, sầu riêng, chôm chôm... Long Hồ; các món ăn đồng quê như cá lóc nướng trui, khoai lang ăn với mắm sống, cá chạch kho nghệ, cháo gà, cá cóc kho nước dừa…

Với vị trí thuận lợi, tài nguyên tự nhiên trù phú, cảnh quan sông nước, ruộng đồng phì nhiêu, vườn cây trĩu quả, cùng truyền thống văn hóa giàu bản sắc Nam bộ và lịch sử lâu đời của vùng đất Long Hồ dinh đã tạo nên nét đặc trưng vốn có của tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa hấp dẫn du khách. Hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL dần được cải tạo nâng cấp giúp rút ngắn thời gian di chuyển đến Vĩnh Long (theo đường bộ từ đô thị du lịch lớn như Thành phố Hồ Chí Minh về Vĩnh Long bằng tổng thời gian bay từ Hà Nội về Cần Thơ và di chuyển bằng đường bộ Cần Thơ – Vĩnh Long khoảng 2 giờ 30 phút) là cơ hội thu hút khách nội địa tham quan dịp cuối tuần.

Trong những năm qua, du lịch Vĩnh Long đã tập trung khai thác các sản phẩm: Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn trải nghiệm Homestay; du lịch gắn với nông nghiệp vườn sinh thái, tham quan vườn trái cây, trải nghiệm trồng lúa, hoa màu…; Du lịch trải nghiệm các làng nghề truyền thống trong tỉnh; Du lịch trải nghiệm văn hóa – tâm linh. Trong đó, du lịch Homestay là du lịch chủ lực của tỉnh, các cơ sở Homestay trong thời gian qua không tăng nhiều về số lượng nhưng tăng về chất lượng phục vụ khách du lịch, trong đó homestay Vĩnh Long đã 02 lần được tặng giải thưởng Homestay ASEAN giai đoạn 2017-2019 và giai đoạn 2019-2021, qua đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh loại hình du lịch này của tỉnh với các tỉnh khác trong khu vực. Riêng đối với loại hình du lịch văn hóa thì ngoài các di tích danh nhân thì Vĩnh Long có di tích Văn Thánh Miếu – được mệnh danh Quốc Tử Giám miền Tây, trong Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam và khu vực ĐBSCL đến 2020 định hướng 2030 được quy hoạch là một trong 07 điểm du lịch quốc gia vùng ĐBSCL. Ngoài ra, còn một số di tích tiêu biểu thu hút du khách thời gian qua như: chùa Tiên Châu (câu chuyện bãi tiên), Công Thần Miếu (tiêu biểu lưu trữ 85 đạo sắc thần), chùa Phước Hậu (chùa bia kinh), Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu (lưu dấu danh thần Thoại Ngọc Hầu có một khoảng thời gian sống tại Vĩnh Long)... và gần đây, chùa Phật Ngọc Xá Lợi cũng đang được du khách quan tâm đến tham quan cúng viếng…

Du khách nước ngoài thích tham quan sông nước miệt vườn Vĩnh Long.
Tuy những năm qua, ngành Du lịch Vĩnh Long nhiều nỗ lực tích cực xúc tiến quảng bá mời gọi du khách, khai thác lợi thế tiềm năng du lịch miệt vườn sông nước nhưng chưa tương xứng với tài nguyên du lịch. Ông Trần Minh Triết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Mặc dù Vĩnh Long có vị trí trung tâm ĐBSCL, tuy nhiên việc xây dựng xong các cầu nối các tỉnh, các trục tuyến cao tốc hoàn thành trong thời gian tới sẽ là một thách thức lớn, làm mất lợi thế trung tâm của tỉnh; Du lịch của tỉnh có nhiều điểm tương đồng với các tỉnh trong khu vực - thiếu sản phẩm đặc thù; Tour, tuyến du lịch thiếu liên kết. Cơ sở vật chất dịch vụ du lịch phần lớn tập trung tại thành phố Vĩnh Long, các khu, điểm vui chơi giải trí còn hạn chế - trong 122 cơ sở lưu trú chỉ có 01 khách sạn 3 sao, gần 10 khách sạn 2 sao… Có nhiều điểm tham quan, di tích lịch sử, làng nghề trong tỉnh phân bố không gần nhau và xa trung tâm tỉnh, giao thông một số nơi không thuận lợi; lễ hội cũng nhiều nhưng thiếu các lễ hội mang tính quy mô gắn kết việc quảng bá và thu hút khách du lịch. Đội ngũ lao động đang thiếu sau hậu Covid-19. Lượng khách hàng năm có tăng nhưng chậm – thời gian lưu lại không nhiều; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Đây là những khó khăn chung cho sự phát triển của du lịch Vĩnh Long…”.Tổng lượng khách đến với du lịch Vĩnh Long tăng dần qua các năm: Giai đoạn 2015 đến năm 2019 đạt 6.123.000 lượt khách, trong đó: khách quốc tế: 1.048.000 lượt, khách nội địa 5.075.000 lượt, doanh thu 1.697 tỷ đồng (lượt khách tăng bình quân qua các năm là 11,6%/năm và doanh thu tăng bình quân 25,7%/năm. (Năm 2019, du lịch đóng góp 1,5 GRDP; Riêng 02 năm 2020, 2021 qua tác động dịch Covid-19, tỉ trọng đóng góp của ngành cho GRDP đều dưới 1%).

Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Với lợi thế tiềm năng du lịch Homestay, du lịch sinh thái sông nước, du lịch làng nghề, di tích lịch sử, văn hóa, Vĩnh Long đang dần khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Xuất phát từ tiềm năng, thế mạnh, bề dày của sự phát triển đó, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đạt được một số thành quả nhất định trong thời gian qua. Tuy nhiên, Vĩnh Long chưa khai thác tốt tiềm năng, tài nguyên du lịch; đồng thời du lịch Vĩnh Long vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cũng như những khó khăn nhất định làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới…”

Du lịch Vĩnh Long sẽ phục hồi hiệu quả trong thời gian tới

Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” các diễn giả cho rằng du lịch Vĩnh Long có nhiều tài nguyên du lịch quý giá mà ít nơi nào có được.

PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch-Nhà hàng-Khách sạn Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, trong tham luận “Định hướng các chỉ tiêu và để xuất một số giải pháp nhằm đưa ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng thời gian đến năm 2025”, cho rằng: “Đầu tư, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng phong phú và đặc thù riêng. Cần tăng cường nghiên cứu và đầu tư vào các sản phẩm Vĩnh Long có thế mạnh. Đặc biệt cần tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm dựa trên lợi thế về tài nguyên của Vĩnh Long, như: Đề án di sản đương đại Mang Thít, hoặc các vùng có tiềm năng phát triển mạnh. Phát triển thêm các sản phẩm mới nhằm làm phong phú sản phẩm của địa phương cũng như các sản phẩm bổ trợ nhằm tạo sự “cộng hưởng” với sản phẩm đã có.

Phát triển các tuyến điểm du lịch trên cơ sở khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù. Đầu tư tôn tạo các công trình văn hóa trọng điểm. Xây dựng chiến lược phát triển du lịch, toàn diện, lâu dài, chú trọng các sản phẩm mới lạ, độc đáo trog các giai đoạn kế tiếp, lần lượt đưa ra các sản phẩm mới để tạo điểm nhấn cho Vĩnh Long trên thị trường du lịch. Tổ chức các cuộc thi, các hội nghi vinh danh đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo trên địa bàn tỉnh với các giải thưởng hấp dẫn, khuyến khích các đơn vị nâng cao chất lượng cũng như phát triển đa dạng các sản phẩm. Hy vọng thời gian tới du lịch Vĩnh Long sẽ phát triển nhanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…”.

Đoàn Famtrip tham quan cù lao Dài.

Hướng đến mục tiêu “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực tập trưng: Xây dựng 04 sản phẩm du lịch đặc thù theo Đề án của UBND tỉnh phê duyệt (Du lịch Homestay, Du lịch Nông nghiệp, Du lịch Làng nghề, Du lịch Văn hóa). Trong đó, có 02 sản phẩm trọng điểm tập trung xây dựng là sản phẩm du lịch: “Vương quốc lò gạch” ở huyện Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL; đồng thời phát huy di tích Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Nghiên cứu xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng cù lao trên địa bàn tỉnh (cù lao An Bình, cù lao Mây, cù lao Dài); bổ sung các sản phẩm gắn liền với các dịch vụ giúp tăng nguồn thu từ du lịch như mua sắm, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật như sản phẩm “Về Vĩnh Long xem Hát Bội”, nghệ thuật đờn ca tài tử...

Quy hoạch lại cụm tuyến du lịch trong Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch, như: Tuyến nội tỉnh, nổi bật tuyến du lịch sông Tiền “Vĩnh Long – Long Hồ - Mang Thít - Vũng Liêm” với các điểm đến như cù lao An Bình, Di sản đương đại Mang Thít, cù lao Dài, Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL, hồ Vũng Linh, chùa Hạnh Phúc Tăng. Đồng thời, kết nối với nguồn khách xuất phát từ hướng thành phố Cần Thơ đối với tuyến du lịch sông Hậu theo hướng kết hợp du lịch sinh thái với tham quan các di tích, di sản văn hóa phi vật thể với các điểm đến như Mỹ Hòa/cù lao Mây, Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, chùa Phước Hậu, Tàu hũ ky Mỹ Hòa/Bánh tráng cù lao Mây/Bánh tráng giấy Tường Lộc. Du lịch đường bộ của tuyền này với điểm đón trục chính Thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến liên tỉnh liên kết từ gần đến xa, độ dài hành trình từ 3 - 5 ngày qua các tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2025”, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long, phát biểu cho rằng: “Để thực hiện được niềm tin du lịch Vĩnh Long sẽ phục hồi hiệu quả trong thời gian tới, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong thực hiện các nhiệm vụ có liên quan, sự đồng hành của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từng bước thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành động tích cực, xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế du lịch an toàn, vì mục tiêu chung phục hồi và phát triển du lịch góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trái cây miệt vườn sông nước Vĩnh Long.

Với mong muốn du lịch Vĩnh Long phát triển bền vững trên nền tảng sẵn có hài hòa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch, khai thác hợp lý tiềm năng gắn với sự phát triển bền vững để du lịch Vĩnh Long thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà…”

Sưu Tầm - Tác Giả:Huỳnh Biển

Related Post

Sample Plan