GỎI GÀ BÔNG BẦN MÓN “GIẢI NGẤY” MIỀN QUÊ SÔNG NƯỚC

20/09/2022 3290 0

Nếu ai đã từng xuôi dòng sông nước miền Tây thì hầu như thường bắt gặp những rặng bần mọc hai bên bờ sông. Cây bần, còn có tên gọi là “Thủy liễu”, thường mọc hoang hoặc được người dân trồng không chỉ để giữ phù sa, chống sạt lở đất hai bên bờ sông mà tất cả các bộ phận của cây còn có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau: Bông bần, trái bần là những nguyên liệu làm nên những món ngon dân dã trong thực đơn món ăn của gia đình mỗi khi có khách đến thăm. Nào là món lẫu chua nấu từ trái bần với cá hay lươn, bần ăn kèm với mắm sống, thịt bò xào bần, gỏi bông bần trộn với tôm hay thịt gà..

Trên các bàn ăn, chúng ta thường thấy với nguyên liệu là gà, tôm, lổ tai heo được trộn chung với bắp chuối, bắp cải để làm gỏi. Đối với người dân miền Tây, qua đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo đã biết tận dụng bông bần là đặc sản quý giá mà thiên nhiên dành tặng cho vùng đất này để bổ sung vào kho tàng ẩm thực làm nên các món ăn vừa lạ miệng, vừa ngon mang hương vị riêng của những cư dân miền Tây sông nước.

Bông bần thường nở rộ vào mùa mưa, tầm tháng sáu đến tháng chín âm lịch hàng năm. Lúc còn búp, bông bần có hình búp tròn, nhụy tim tím, đến khi bung nở nhụy chuyển sang màu trắng tinh khôi pha cùng sắc tím dịu. Cũng từ những bông bần này, sau đó phát triển thành hình những trái bần màu xanh mát mắt. Trái bần lớn lên có hình tròn, hơi dẹt mang vị chua thanh. Đuôi trái bần nhọn, cuống chỉa ra trông như những cánh ngôi sao. Lúc bần còn non, vỏ ngoài màu xanh lá cây, khi chín bần chuyển sang màu hơi vàng và thoảng hương thơm nhẹ.

Để làm gỏi, ta hái bông bần khi còn búp vừa hé nở đem về tách lấy nhụy, đem ngâm nước muối loãng, để ráo. Sau đó, đem trộn bông bần với gà vườn luộc xé phay cùng với chanh, đường, nước mắm, thêm chút ớt tươi cho thêm phần đẹp mắt và nêm nếm sao cho vừa ăn. Từ sự kết hợp giữa những nguyên liệu này sẽ cho ra vị chan chát của bông bần quyện với vị chua chua, mặn, ngọt, cay cay của gia vị cùng với vị ngọt của thịt gà sẽ tạo ra một đĩa gỏi hấp dẫn, lạ miệng mà không bị “ngấy”.

Khi gắp ra đĩa thì cho thêm hành phi, đậu phộng rang, rau răm rắc lên mặt gỏi. Chỉ cần nhìn công đoạn cắt búp bông để lấy nhụy bần làm gỏi đã đủ thấy người ta phải tỉ mỉ và kỳ công như thế nào. Thêm vào đó là sự hòa quyện giữa các màu sắc, màu vàng vàng của gà, màu đỏ của ớt và sắc tím trắng cùng vị chan chát của bông bần đủ kích thích thị giác và vị giác khiến chúng ta chỉ muốn động đũa ngay.

Ngoài gỏi gà bông bần, người miền Tây còn sử dụng bông bần để làm gỏi bông bần lỗ tai heo khìa nước dừa, gỏi bông bần tôm hấp, gỏi cá sặc bông bần cũng không kém phần hấp dẫn.

Nổi tiếng là món ăn ngon dùng để giải ngấy, thường được dùng để mời khách vào những dịp đặc biệt, gỏi bông bần là sản phẩm kết hợp giữa đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo trong văn hóa hợp ẩm thực của người miền Tây sông nước. Bông bần được xem là cái hồn của món gỏi gà, tuy là món ăn kèm nhưng lại có vai trò rất quan trọng, bởi thiếu nó xem như thiếu hương vị đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của nhưng cư dân miền Tây./.

Bài, ảnh: Ngọc Linh

Related Post

Sample Plan