HỘI NGHỊ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHỤC HỒI DU LỊCH TỈNH VĨNH LONG

18/11/2021 1606 0

Sáng ngày 17/11/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị đề xuất giải pháp phục hồi du lịch sau khi kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Văn Giàu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Nguyễn Bách Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đồng chủ trì hội nghị, cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đại diện lãnh đạo một số đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch, vườn trái cây, tàu du lịch trên địa bàn tỉnh và phóng viên báo, đài đến đưa tin.

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị đã thông qua báo cáo tóm tắt đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2021. Theo nội dung báo cáo: “Từ năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và đã ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngành du lịch. Trong đó có du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Với tác động xấu của dịch, ngành du lịch bị tác động nặng nề, doanh thu và lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Tại Vĩnh Long, tính cả năm 2020 tổng lượt khách du lịch tới tỉnh chỉ đạt 665.000 lượt, giảm 55,5% so với năm 2019; doanh thu đạt 190 tỷ đồng, giảm 335 tỷ đồng so với cùng kỳ (đạt 23% kế hoạch năm). Đến năm 2021, đợt dịch lần thứ tư tiếp tục bùng phát và khu vực ảnh hưởng nặng rơi vào TP. Hồ Chí Minh và khu vực ĐBSCL, đợt dịch kéo dài đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp và các địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát để dập dịch dẫn đến lượng khách và doanh thu của du lịch Vĩnh Long đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay, cụ thể: Ước tổng lượt khách năm 2021 đạt 397.000 lượt, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Khách quốc tế ước đạt 1.886 lượt khách, giảm 95% so với cùng kỳ năm 2020; Khách nội địa ước đạt 395.114 lượt khách, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu ước đạt 186 tỷ đồng, chỉ đạt 64,1% kế hoạch năm 2021. Khoảng 50% cơ sở hoạt động cầm chừng. Các tàu du lịch hầu như ngưng hoạt động vì thiếu vắng khách. Các điểm vườn đến mùa trái cây nhưng thiếu vắng khách, khó khăn trong tiêu thụ, giảm số lượng đáng kể. Nguồn lực về tài chính của các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn, nhân lực phục vụ du lịch tạm ngưng việc và gặp khó khăn trong việc trang trải các sinh hoạt phí hàng ngày, hiện tại nhân lực phục vụ du lịch giảm sút chỉ còn trên 700 lao động trên toàn tỉnh”.

Bên cạnh đó, đã triển khai nội dung Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; nội dung Hướng dẫn hoạt động du lịch an toàn tạm thời của tỉnh Vĩnh Long; triển khai giải sáng tác videoclip và bài viết giới thiệu, cảm nhận về du lịch Vĩnh Long.

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đại diện lãnh đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ đã trao đổi, thảo luận cũng như đề xuất những ý kiến thiết thực nhằm có những giải pháp phù hợp phục hồi ngành du lịch tỉnh nhà sau khi kiểm soát được dịch COVID-19.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: “Thứ nhất, việc mở cửa hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh phải hết sức thận trọng, an toàn, cần đặt vấn đề sức khỏe và sự phát triển lâu dài của cơ sở lên hàng đầu, tránh bị ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở nếu để xảy ra sự cố lây nhiễm trong cộng đồng. Thứ hai, đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nghiêm túc thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo quy định của tỉnh, thường xuyên nắm thông tin, đánh giá mức độ nguy cơ dịch,  xây dựng kế hoạch, phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc COVID-19 và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chịu trách nhiệm quản lý người lao động của cơ sở và được hoạt động dưới sự kiểm tra, giám sát của chính quyền và người dân địa phương. Thứ ba, tăng cường quảng bá hình ảnh con người, địa danh, những truyền thống, những điểm nhấn của Vĩnh Long trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội,… Thứ tư, phát triển du lịch Vĩnh Long phải đặt trong sự phát triển của tỉnh, phải nằm trong quy hoạch của tỉnh, của vùng và cả liên vùng, theo Nghị quyết của Đại hội Tỉnh Đảng bộ. Thứ năm, cần phát triển đa dạng mô hình du lịch cộng đồng, tạo điểm nhấn cho du lịch Vĩnh Long, phải có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển gắn với sản phẩm OCOP. Thứ sáu, tăng cường quảng bá, xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư để thực hiện các dự án chiến lược của tỉnh trong thời gian tới. Thứ bảy, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng giao tiếp của người làm du lịch cộng đồng để góp phần thu hút trong việc chào đón, mời gọi du khách sử dụng sản phẩm của địa phương. Thứ tám, đề nghị các cơ sở kinh doanh du lịch phải có sự điều chỉnh lại cách thức hoạt động, không thể tự phát, riêng lẻ mà phải có sự liên kết tour tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long,... Cuối cùng, đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát lại tất cả các cơ sở, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để có sự hỗ trợ kịp thời đúng chính sách, đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ. Hy vọng với sự nỗ lực và quyết tâm, ngành du lịch Vĩnh Long sẽ có những đột phá mới góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”./.

Tin, ảnh: K.Thoa

Related Post

Sample Plan