Vĩnh Long là một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thiên nhiên đã ban tặng cho Vĩnh Long một vị trí thuận lợi nằm giữa 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu với phù sa màu mỡ bồi đắp quanh năm, các vườn cây trái xanh tốt cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặt giúp làm giàu cho vùng đồng bằng miền Nam. Phù sa này không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho đồng lúa và vườn cây, mà còn là vùng đất dự trữ một lượng đất sét quý giá.
Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi này, người dân tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã tận dụng nguồn đất sét dồi dào hình thành nên nghề nung gạch, từ nghề này mới phát triển tạo ra các sản phẩm gạch nung và đồ gốm. Những tảng đất thô sơ được chế tác bởi bàn tay tài năng của bà con nơi đây trở thành những sản phẩm đặc trưng, tuyệt đẹp mang đến khách hàng mà không nơi nào có được.
Những lò gạch, gốm nghi ngút khói, nằm san sát nhau dọc hai bên bờ sông tạo nên một khung cảnh đặc trưng chỉ có ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long
Được mọi người nhớ đến với hình ảnh từng mái lò đỏ hồng đã tồn tại hàng trăm năm, sự nhuốm màu thời gian qua từng thời kỳ, những lò gạch, gốm nay đã phủ lên mình chiếc áo của sự cổ kính, những lò gạch cũ lặng lẽ vượt qua bao thăng trầm, nên ai đến đây cũng đều cảm nhận được nét đẹp vượt thời gian của chính nó nhưng chính vì điều đó lại là một điểm đặc trưng hấp dẫn khách du lịch. Từ cầu Mỹ Thuận – nơi mà sông Tiền chia ra thành dòng Cổ Chiên đến sông Mang Thít. Ngồi trên thuyền du khách được chiêm ngưỡng nhiều lò gạch và lò gốm kéo dài hàng chục km dọc theo bờ sông, cảm nhận được khung cảnh nơi đây càng trở nên cuốn hút, cổ kính và thanh bình hơn bao giờ hết.
Du khách chèo thuyền khám phá làng nghề làm gạch, gốm truyền thống
Vĩnh Long là tỉnh có số lượng làng nghề, số lượng hộ gia đình sản xuất gạch, gốm nhiều nhất, được mệnh danh là “vương quốc đỏ” nằm sát bên dòng kênh lớn Cổ Chiên và kênh Thầy Cai. Với nguồn nguyên liệu đất sét gần gũi, nghề làm gạch gốm ở đây phát triển mạnh mẽ. Làng gạch, gốm trải dài thuộc thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và huyện Mang Thít. Trong đó xã Nhơn Phú và Mỹ An, huyện Mang Thít, là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch hơn cả. Làng gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các sản phẩm làm từ gạch, gốm giờ đây đã hiện đại và đa dạng hơn từ hình dáng đến chất lượng, còn được phép xuất khẩu sang nhiều nước phát triển trên thế giới.
Những tảng đất thô sơ qua bàn tay tài hoa và điêu luyện của người thợ trở thành những sản phẩm gốm độc đáo và công phu, du khách có thể mua về trang trí, trưng bày hoặc làm quà tặng người thân và bạn bè
Xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, nghề làm gạch, gốm thủ công truyền thống tại Vĩnh Long đã từng có một thời kỳ thịnh vượng và rất phát triển, đến nỗi mỗi gia đình nào sống ven sông đều làm nghề này, hàng nghìn lò nung rực lửa quanh năm suốt tháng. Thêm vào đó, số lượng ghe chở hàng, nguyên liệu ra vào bến liên tục, kín cả sông Mang Thít, Cổ Chiên, kênh Thầy Cai. Đây được xem là thời kỳ hoàng kim của nghề nung gạch, gốm Vĩnh Long. Thời gian sau này, khi cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, nhiều chủ lò gạch bắt đầu tạo nhiều sản phẩm chất lượng như chum, vại, gạch, ngói,…được khách hàng tin tưởng đón nhận.
Đến Vĩnh Long, là cơ hội để bạn có thể khám phá “Vương quốc gạch, gốm” nằm bên dòng sông thơ mộng và tìm hiểu quy trình làm ra những sản phẩm ấn tượng, đặc sắc không chỉ mang lại cho bạn kiến thức thú vị và hữu ích mà khi về bạn còn có cả một album ảnh đẹp và chất. Chắc hẳn đây sẽ là một trải nghiệm cực kỳ tuyệt vời và ý nghĩa trong cuốn cẩm nang du lịch của bạn./.
Bài, ảnh: Dung Nghi