TAM BÌNH VÀ CÁC ĐIỂM ĐẾN CHO KHÁCH THAM QUAN

12/09/2022 3210 0

Từ thành phố Vĩnh Long dọc theo Quốc lộ 53 hướng về Trà Vinh, đến ngã ba Long Hiệp rẽ phải theo tỉnh lộ 904 quý khách sẽ đến với quê hương Tam Bình, vùng đất sản sinh ra những người con anh hùng cho quê hương, dân tộc như: Anh Lưu Văn Liệt, Võ Văn Tưởng, Thạch Thia, Trần Đại Nghĩa, …
Đến đây du khách còn được thưởng thức những đặc sản của vùng đất này như: Cam sành Tam Bình, bánh tráng giấy Tường Lộc… Tham quan một số điểm di tích lịch sử văn hóa: Viếng thăm Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, Người được mệnh danh là ông “Vua vũ khí”, chế tạo nhiều loại vũ khí hiện đại trang bị cho bộ đội ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp Bộ khoa học và Công nghệ quyết định khởi công xây dựng Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa ngày 24/11/2013 tại ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long và khánh thành đưa vào hoạt động vào ngày 18/5/2015. Đây là một công trình lịch sử - văn hoá nơi ghi nhớ công lao to lớn của ông vừa thể hiện truyền thống quý báo của dân tộc “uống nước nhớ nguồn” vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau về tinh thần vượt khó, học giỏi, sáng tạo, giàu nghị lực, hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Tổng quan Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa

Đoàn Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đến viếng Khu lưu niệm
GS.VS Trần Đại Nghĩa
Chùa Phước Hậu tọa lạc tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bỉnh, tỉnh Vĩnh Long là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX cũng như lịch sử Cách mạng của tỉnh Vĩnh Long và khu Tây Nam bộ thời chống Mỹ. Năm cạnh sông Trà Ôn nên du khách luôn bắt gặp và cảm nhận bầu không khí nhẹ nhàng, thư thái rất lạ thường. Không những vậy, trong khuôn viên của chùa còn có vườn kinh pháp cú gồm 213 phiến đá màu xanh với kích thước 0,4x0,6m, khắc 423 bài kinh trên 2 mặt, Tất cả 213 phiến đá được sắp xếp theo hình 8 lá bồ đề tượng trưng cho bát chánh đạo. Nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch đến chiêm bái, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật từ đá ngay giữa vùng sông nước Cửu Long. Đến đây du khách cũng có thể tham quan thêm một số điểm lân cận thuộc huyện Trà Ôn như : Chợ nổi Trà Ôn, ghé thăm làng nghề bánh tráng cù lao Mây thuộc xã Lục Sĩ Thành; hay đến thắp hương di tích lăng ông Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, người có công giúp triều đình nhà Nguyễn dẹp loạn ở biên giới Tây Nam và có công đức lớn trong việc giúp dân vùng đất Trà Ôn, Trà Vinh, Mang Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng; ghé thăm quan nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long thuộc xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn….

Mặt tiền Chùa Phước Hậu

Vườn kinh pháp cú tại Chùa Phước Hậu

Những bài kinh được khắc trên phiến đá

Chùa Kỳ Son cũng là một trong những điểm đến dành cho các du khách muốn nghiên cứu về kiến trúc nghệ thuật của văn hóa Khmer. Chùa có niên đại hơn 200 năm, thờ phật Thích Ca theo phái Nam tông, chùa được xây dựng trong khuôn viên rộng 20.000m2 với khung cảnh yên tịnh, nhiều cây cổ thụ: Sao, dầu, thốt nốt… Chùa Kỳ Son gồm một quần thể kiến trúc liên hoàn gồm: Chánh điện, hôtray, giảng đường, tháp mộ, nhà nghỉ, sa la… trong đó chánh điện và hôtray (thư viện) được xây dựng ở vị trí trung tâm. Đây là công trình kiến trúc độc đáo và độc nhất của tỉnh Vĩnh Long với lối kiến trúc hai tầng, mái đồ sộ, các cột tròn đã tạo cho ngôi chùa một dáng vẻ riêng. Đặt biệt, Chùa Kỳ Son còn lưu giữ hơn 1.000 trang kinh, truyện được viết trên lá buông. Chùa Kỳ Son là trung tâm văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer ở địa phương.Chùa còn là nơi để các sư, nam giới khi đến tuổi trưởng thành đến đây để tu học. Chùa tọa lạc tại Ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, Huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Mặt chính diện Hôtray (Thư viện)

Mặt hông của Hôtray (Thư viện)
Di tích căn cứ Cái Ngang cũng là một trong những điểm đến khi đến với Tam Bình Đây là khu căn cứ của Tỉnh ủy Vĩnh Long qua nhiều thời kỳ. Năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Long quyết định chọn vùng Cái Ngang làm khu căn cứ chủ yếu. Năm 1967, Tỉnh ủy chuyển hẳn về khu căn cứ Cái Ngang thuộc ấp 4, xã Mỹ Lộc (Nay ấp 4, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Các bộ phận chuyên môn thường trực tại khu căn cứ lúc bấy giờ gồm: - Ban căn cứ - Đội phòng thủ - Văn phòng Tỉnh ủy - Điện đài cơ yếu - Giao liên bán khai Năm 2002, công trình được khởi công trùng tu tôn tạo và khánh thành giai đoạn 1 năm 2003 và khánh thành giai đoạn 2 vào năm 2006. Năm 2008 hoàn thiện nhà bia của di
tích. Toàn bộ khu di tích được chia làm hai phần lớn: Công trình trùng tu tôn tạo và công trình xây dựng mới để phục vụ cho khu di tích. Công trình xây dựng mới bao gồm: Bãi đỗ xe, nhà lễ tân, nhà truyền thống, đường dẫn vào di tích, nhà dịch vụ. Các hạng mục chính của di tích được phục hồi, đưa vào phục vụ khách tham quan: Bãi lửa, cầu khỉ, chốt bảo vệ, nhà thường trực xây dựng năm 1967, nhà thường trực xây dựng năm 1973, hội trường, trảng xê (Hầm trú ẩn), nhà thông tin, công sự chiến đấu, nhà bảo vệ của đội phòng thủ, hầm bí mật, các hố bom. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, tuy đã trải qua những lần trùng tu, tôn tạo nhưng căn cứ Cái Ngang vẫn giữ được nét nguyên bản để du khách đến đây có thể trải nghiệm và cảm nhận cái thật khi trở lại chiến khu xưa./.

Tổng quan khu nhà Lễ tân, Trưng bày của căn cứ Cái Ngang

Cầu chông

Hầm bí mật

Hội trường (Được cất từ năm 1973, sử dụng làm nơi hội họp của Tỉnh ủy Vĩnh Long từ năm 1973 – 1975)

Bài, ảnh: TUYẾT LAM

Related Post

Sample Plan