TẢN MẠN VỀ KHU LƯU NIỆM GIÁO SƯ, VIỆN SĨ TRẦN ĐẠI NGHĨA

13/09/2022 1945 0

Một ngày tháng chín, tôi có dịp viếng thăm Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa toạ lạc tại ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đây là thời điểm Ban Quản lý Khu lưu niệm đang tất bật thực hiện các công tác chuẩn bị phục vụ lễ kỷ niệm 109 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 – 13/9/2022).

Tất bật chuẩn bị là thế, nhưng tôi vẫn được cán bộ thuyết minh ân cần tiếp đón, hướng dẫn các nội dung theo lịch trình quy định. Sau khi thắp nén hương tri ân Giáo sư tại nhà tưởng niệm, tôi được tham quan, nghe thuyết minh giới thiệu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư tại nhà trưng bày. Với trên 200 hình ảnh, hiện vật, tư liệu, nơi đây đã tái hiện sinh động, rõ nét về quê hương, gia đình, thời niên thiếu, những đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa với vai trò là nhà khoa học lớn của cách mạng Việt Nam, người đặt nền móng cho khoa học, công nghệ nước nhà. Dừng lại hồi lâu trước mảng trưng bày các loại vũ khí tiêu biểu do Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã nghiên cứu chế tạo trong 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như súng Bazooka, Súng Skz, súng cối, đạn bay, thuỷ lôi, đạn chống tăng AT; Được nghe những câu chuyện kể về điều kiện làm việc khó khăn, thiếu thốn, môi trường làm việc hiểm nguy, tôi vừa ngưỡng mộ tài năng, sự sáng tạo trong lao động, vừa cảm nhận được lòng yêu nước nồng nàn, sự tận tâm, tận lực và trách nhiệm trong công việc với tấm lòng trọn đời vì nghĩa lớn đúng như tên gọi và bí danh mà Bác Hồ đã đặt cho ông "Trần Đại Nghĩa". Nhìn những hiện vật lưu niệm đương thời Giáo sư đã sử dụng như chiếc radio, đồng hồ, mắt kính, đôi dép cao su, cặp đựng tài liệu, tủ để hồ sơ,...tôi lại càng trân quý lối sống giản dị, sự bình dị, tiết kiệm trong sinh hoạt đời thường của một vị tướng tài ba, một nhà khoa học anh hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Tiếp tục lịch trình, tôi di chuyển về Thư viện để xem phim tư liệu. Tại một góc thư viện có các anh chị đang tỉ mỉ, khéo léo trưng bày sách theo chủ đề chào mừng lễ kỷ niệm 109 năm ngày sinh của Giáo sư. Chủ yếu các đầu sách giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, sách nghiên cứu khoa học công nghệ, sách chủ quyền biển đảo Việt Nam. Các quyển sách được sắp xếp, tạo hình đơn giản nhưng vô cùng độc đáo, ý nghĩa. Tôi tin chắc đây sẽ là điểm nhấn thu hút các em học sinh, sinh viên đến với thư viện, từ đó góp phần hình thành văn hoá đọc cho các em.

Lịch trình tham quan đã kết thúc, tôi dạo quanh một vòng khuôn viên Khu lưu niệm để lưu lại vài bức ảnh làm kỷ niệm. Khuôn viên rợp bóng cây xanh, những bông hoa khoe sắc góp phần tô điểm không gian di tích thêm rực rỡ. Ánh nắng chiều dần dịu nhẹ, Ban Quản lý Khu niệm lại tiếp tục các công việc chuẩn bị phục vụ lễ ở khu vực ngoài trời: người vệ sinh, người cắt cỏ, tưới kiểng, treo cờ, trang trí khánh tiết... Không khí vui tươi, phấn khởi, tiếng cười nói rộn rả, cùng chung tinh thần, ý thức trách nhiệm và tâm thế sẵn sàng, chào đón lễ kỷ niệm ngày sinh của Giáo sư.

Hành trình tham quan đã khép lại, tôi ra về với lòng kính yêu, ngưỡng mộ Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, cộng thêm một niềm vui nho nhỏ đó là hài lòng với những bức ảnh check in tại đây.

Một số hình ảnh trong chuyến tham quan

Bài, ảnh: Mỹ Xuân

Related Post

Sample Plan