THƯỞNG THỨC BÁNH TÉT VÀO DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

18/01/2023 1577 0

Bánh tét Nam Bộ từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống của người dân nói chung và Vĩnh Long nói riêng vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong những ngày Tết, được sum họp bên gia đình, được gặp gỡ người thân và được thưởng thức khoanh bánh tét dẻo thơm của nếp và béo béo bùi bùi của đậu mỡ hay vị ngọt của chuối làm cho mọi người đều cảm thấy năm mới thêm trọn vẹn hơn, nghĩa tình hơn.

Nguyên liệu chính để gói bánh tét là nếp và thịt mỡ, đậu xanh, đậu đen, chuối chín... để làm nhân. Để cho bánh ngon thì nếp phải dẻo. Nếu làm bánh nhân mỡ thì thêm đậu xanh và thịt mỡ heo. Nhân chuối thì phải chọn chuối xiêm chín mùi thì mới ngon. Riêng trong nhân chuối, người ta còn thêm đậu đen luộc chín. Ngoài 2 loại nhân truyền thống là nhân mỡ, nhân chuối, nhiều người còn gói bánh tét bằng nhân thập cẩm (lòng đỏ trứng vịt muối, tôm khô, lạp xưởng), nhân đậu, nhân dừa. Để cho bánh có màu sắc đẹp và bắt mắt, nhiều người đã sử dụng màu của lá cẩm, lá dứa, ruột gấc chín để trộn vào nếp trước khi gói.

Ngoài ra, nhiều người dân ở Vĩnh Long còn gói bánh tét nước tro. Cách gói cũng tương tự như những loại bánh tét khác nhưng nếp nguyên liệu trước khi gói phải được ngâm trong nước tro để cho nếp có độ dẻ, dai và trong hơn. Loại bánh tét lá tro, thông thường người ta chỉ sử dụng nhân đậu, nhân dừa. Hai nguyên liệu không thể thiếu để gói bánh tét là lá chuối và dây buộc lác. Lá chuối phải được phơi héo để tạo độ dai để khi gói không bị rách. Bánh sau khi được gói xong sẽ đem đi luộc. Để bánh có màu xanh, theo kinh nghiệm của nhiều người lớn tuổi ở quê cần thêm 1 số lá cây trong xoong nước luộc như lá chuối, lá so đủa… Sau khi luộc từ 6 – 8 tiếng, bánh sẽ chín.

Bánh tét ăn đúng cách không cần dùng dao cắt mà chỉ cần lột bỏ lớp lá chuối  gói bên ngoài, sau đó dùng chính dây buộc để cắt bánh ra làm thành từng khoanh nhỏ, ăn liền lúc vừa nấu chin còn nóng hổi đó là cách thưởng thức ngon nhất, hấp dẫn nhất.

Theo chia sẽ của Bà Trương Thị Lan ở huyện Tam Bình, cho biết: “Năm nào vào ngày 28, 29 tháng chạp nhà tôi cũng gói khoảng 50 đòn bánh tét mới đủ để làm quà biếu cho bà con hàng xóm, họ hàng hai bên và cho con cháu tụ họp về ăn tết. Để bánh tét ngon, khâu chọn nếp và trộn nguyên liệu là rất quan trọng, sao cho nếp dẻo và nguyên liệu kết hợp lại vừa miệng thì mới ngon. Ngoài ra, khâu buộc bánh cũng phải chắc tay. Nếu buộc khéo thì bánh dẻ và nhìn đòn bánh đẹp, không thì bánh sẽ bị bung ra trong khi luộc. Đây chính là một trong những bí quyết làm cho bánh tét có thể để được từ 5 – 7 ngày mà bánh vẫn vẫn dẻo, thơm ngon”.

Ngày nay, phong tục gói bánh tét ngày Tết ở Vĩnh Long vẫn còn được nhiều gia đình phát huy, lưu giữ. Cứ khoảng ngày 29, 30 Tết, nhiều gia đình sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu là bắt tay và gói bánh tét. Khi gói xong, tối 30 tháng chạp vừa luộc bánh vừa đón giao thừa. Trong thời gian gói bánh, luộc bánh cũng là thời điểm để cả gia đình quây quần bên nhau sau những tháng ngày lao động mệt nhọc để cùng nhau đón mừng năm mới.

Tết Quý Mão năm 2023 đang cận kề, lúc này nhiều người đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh tét để đón mừng năm mới. Có thể nói, gói bánh tét là một trong những nét đẹp văn hóa, đặc trưng của người dân Nam Bộ nói chung, người dân Vĩnh Long nói riêng cần được phát huy và bảo tồn và quảng bá đến với du khách khi đến trải nghiệm và khám phá ẩm thực ở Vĩnh Long. Có dịp đến quê chúng tôi vào dịp tết này, xin mời du khách cùng trải nghiệm gói bánh tét và thưởng thức món ăn truyền thống này nhé./.

                                                                             Bài, ảnh: Bích Trang

Related Post

Sample Plan