Vĩnh Long với quyết tâm khắc phục những tồn tại đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025

04/12/2020 3642 0

Du lịch Vĩnh Long với hơn 40 năm hình thành và phát triển, đây là một khoảng thời gian đủ để khẳng định vị trí của Du lịch Vĩnh Long trên bản đồ du lịch của cả nước. Khẳng định, mặc dù là tỉnh không rừng, không núi, không biển, không đảo, không biên giới nhưng Vĩnh Long vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trước hết là vị trí địa lý, Vĩnh Long nằm gần các trung tâm đô thị lớn, giao thông thủy và bộ rất thuận lợi. Đặc biệt, là tỉnh nằm giữa hai dòng sông chính là Tiền Giang và Hậu Giang, du khách đến Vĩnh Long có thể xuôi thuyền theo 2 dòng sông để trải nghiệm khám phá miệt vườn sông nước và nhiều làng nghề truyền thống mà ít nơi nào có được. Thứ hai, Vĩnh Long là tỉnh có diện tích phần lớn là đất nông nghiệp, cảnh quan sông nước thanh bình, cùng truyền thống văn hóa giàu bản sắc Nam Bộ thích hợp loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp trải nghiệm văn hóa, lịch sử, ẩm thực địa phương. Thứ ba, Vĩnh Long có 23 làng nghề truyền thống, trên 700 di tích, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh, có nhiều lễ hội lớn, nhỏ; có một số di tích mang tính độc đáo chỉ có ở Vĩnh Long như: Văn Thánh Miếu, Công Thần Miếu, các Khu lưu niệm danh nhân, Lăng ông Tiền quân Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn,…

Với những lợi thế trên, thời gian qua Vĩnh Long đã tập trung phát triển du lịch trên cơ sở tài nguyên vốn có, tập trung phát triển loại hình du lịch Homestay – sinh thái sông nước miệt vườn gắn với tham quan trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương, được đông đảo du khách và các công ty du lịch quan tâm hưởng ứng. Điều đó thể hiện qua lượng khách và doanh thu du lịch của tỉnh liên tục tăng trong thời gian qua, cụ thể: từ năm 2015 đến năm 2019 lượng khách tăng bình quân 10,4 % năm; doanh thu từ năm 2015 đến năm 2019 tăng bình quân trên 16 % năm (năm 2019 chiếm 1,5 GRDP của tỉnh).

Du khách tham gia hoạt động trải nghiệm đi xuồng trên sông

Xuôi dòng lịch sử, Du lịch Homestay Vĩnh Long được xem là cái noi trong khu vực, xuất hiện từ rất sớm. Những năm gần đây, loại hình du lịch này đã phát huy tác dụng tạo sự hấp dẫn du khách, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Du khách trải nghiệm đổ bánh xèo tại Homestay

Du khách tham quan quy trình sản xuất Cốm

Du khách trải nghiệm hoạt động trồng trọt tại vườn nhà Homestay

Và vì thế nhiều địa phương lân cận cũng phát triển mạnh loại hình này làm cho tính cạnh tranh ngày một cao và du lịch của các tỉnh trong khu vực lại mang tính na ná nhau, trùng lắp gây nhàm chán cho du khách. Điều đó làm lượng khách đến du lịch tại Vĩnh Long nói riêng và một số tỉnh khu vực nói chung có tăng nhưng chậm lại. Nhằm để tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, Đại hội X Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp, các địa phương cũng đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành du lịch để góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh phát triển, thu hút du khách đến với Vĩnh Long.

Qua đó, công tác quy hoạch vùng, du lịch trọng điểm được thiết lập thông qua Đề án quy hoạch phát triển văn hóa và du lịch tỉnh Vĩnh Long; việc xây dựng sản phẩm du lịch mới cũng có nhiều sáng tạo; nhiều đề án, dự án, các công trình thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch được xây dựng quy hoạch, đưa vào danh mục đầu tư công; danh mục kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách,… Về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cũng đã được HĐND tỉnh ban hành thông qua Nghị quyết số 173/NQ-HĐND, trong đó đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư  khách sạn, khu resort, homestay, khu vui chơi giải trí,…

Hàng năm, các ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao nguồn nhân lực du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Công tác quảng bá, xúc tiến; xây dựng tour, tuyến mới cũng rất được quan tâm, tổ chức với nhiều hình thức đa dạng. Một số điểm du lịch mới hình thành, đi vào hoạt động. Toàn tỉnh có gần 100 cơ sở lưu trú, trên 1.500 phòng đạt chuẩn phục vụ, gần 30 homestay với 2 homestay đạt chuẩn ASEAN,...

Nhìn chung, giai đoạn 2015-2020 ngành Du lịch của tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để vươn lên phát triển trong khu vực, tương ứng với tiềm năng. Song, còn nhiều vấn đề tồn tại phải khắc phục như: chưa hình thành được sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó năng lực cạnh tranh du lịch của tỉnh không cao. Một số đề án, dự án du lịch triển khai chậm như: Xây dựng Bến tàu du lịch tỉnh; việc nạo vét thông luồng kênh Mương Lộ, sông Cái Muối, giao thông 4 xã Cù lao An Bình,…từ đó làm hạn chế hiệu quả khai thác sản phẩm du lịch sinh thái sông nước. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông khi đi vào một số điểm đến còn hẹp, xe trên 30 chỗ khó vào; toàn tỉnh chưa có khách sạn 4 sao, một số điểm du lịch hoạt động không hiệu quả. Kinh phí cấp cho hoạt động lĩnh vực du lịch còn thấp. Nguồn nhân lực chất lượng thường bị kéo về các thành phố lớn vì lương cao; mức hỗ trợ của tỉnh cho nhà đầu tư còn thấp so với khu vực từ đó doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư. Các điểm vui chơi giải trí giữ chân khách còn rất ít. Bên cạnh đó, năm 2020 do dịch Covid-19 tác động kép nên du lịch Vĩnh Long cũng đã bị ảnh hưởng nặng, lượt du khách giảm 55,7%, doanh thu giảm 63,8% so với cùng kỳ 2019; việc khôi phục tạo đà phát triển lại bình thường năm 2021 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, Đại hội Tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thẳng thắn nhận định những khó khăn, tồn tại của ngành du lịch; tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để quyết tâm đưa doanh thu ngành du lịch đạt trên 3% GRDP của tỉnh vào năm 2025, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tại Đại hội vừa qua, Nghị quyết Đại hội đã đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cho ngành du lịch; đồng chí Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã thẳng thắn đề xuất những trăn trở của ngành và nhiều giải pháp để đại biểu nghiên cứu, trao đổi giúp ngành du lịch phát triển thời gian tới. Trong đó nhiều nhóm nhiệm vụ giải pháp đã được đề ra, cụ thể:

- Cần tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, tuyên truyền sâu rộng để các ngành, các cấp nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, góp phần quan trọng trong tăng GDP cho tỉnh. Các cấp, các ngành cần bảo đảm nhất quán từ quan điểm đến hành động, qua đó tham mưu thực hiện các chính sách đột phá của địa phương để phát triển du lịch. Đồng thời qua tuyên truyền giúp người dân, doanh nghiệp ý thức bảo vệ hình ảnh, môi trường, phát triển bền vững du lịch Vĩnh Long.

- Quan tâm nghiên cứu, rà soát, tham mưu ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 173/2019/NQ-HĐND, về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, khuyến khích sáng tạo, đa dạng các sản phẩm.

- Tập trung triển khai thực hiện các dự án phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất liên quan phục vụ phát triển du lịch như: Bảo tàng Nông nghiệp, dự án di sản đương đại Mang Thít; xây dựng bến tàu du lịch tỉnh,... Tiếp tục mời gọi đầu tư để hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn tại các địa bàn trọng điểm thu hút du khách. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng điểm đến, trạm dừng chân,... làm tăng sự chi tiêu, giữ chân được du khách lưu lại tỉnh. Khuyến khích đăng cai các sự kiện cấp khu vực, quốc gia thu hút du khách đến địa phương.

- Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí đối với đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện. Tập trung đào tạo kỹ năng, tay nghề cho lao động trực tiếp ở các cơ sở kinh doanh để tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm thu hút cho du khách.

- Tập trung xây dựng và triển khai sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh tạo điểm nhấn với: Du lịch homestay - sản phẩm chủ lực; các sản phẩm bổ trợ gồm: Du lịch Nông nghiệp, Du lịch Làng nghề, Du lịch Văn hóa, đồng thời gắn với việc đa dạng hóa các hình thức phục vụ khách tại cơ sở du lịch như gắn kết các buổi trình diễn đờn ca tài tử, nghệ thuật hát bội, tạo nét đặc trưng riêng của du lịch Vĩnh Long. Các công ty du lịch thường xuyên nâng cao chất lượng để phục vụ du khách ngày một tốt hơn.

- Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan phát sinh. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển du lịch tỉnh nhà.

- Tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức, ứng dụng công nghệ hiện đại; tham gia tốt việc quảng bá điểm đến du lịch của tỉnh tại các sự kiện khu vực tổ chức định kỳ hàng năm. Phát huy vai trò cổng thông tin du lịch, nâng cao trách nhiệm cơ sở kinh doanh du lịch, cộng đồng địa phương. Tích cực vận động các cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch tại điểm. Thực hiện tốt bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trong phục vụ du khách. Khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch liên kết chặt chẽ, hợp tác cùng có lợi và cùng vì thương hiệu du lịch của tỉnh.

Khẳng định, phát triển du lịch là xu hướng chung trong thời gian tới, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI vừa qua đã biểu quyết thống nhất chỉ tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025, đã thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Qua đó, cả hệ thống chính trị sẽ có sự tập trung cao độ cho lĩnh vực du lịch, huy động tối đa các nguồn lực để khắc phục khó khăn, tập trung phát triển mạnh du lịch trong thời gian tới. Với khí thế đó, chúng ta tin tưởng rằng, du lịch Vĩnh Long sẽ khắc phục nhanh những tồn tại trong thời gian qua và có bước phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2020-2025, trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025; qua đó tạo đà phát triển đưa du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030./.

                                                                               Thanh Vy

Related Post

Sample Plan