Một ngày trải nghiệm tour du lịch dọc sông Long Hồ

30/10/2024

Vĩnh Long là một trong các tỉnh của khu vực Tây Nam Bộ có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, với hai nhánh sông chính là sông Hậu và sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền) quanh năm chảy qua vùng đất Vĩnh Long mang theo những giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với mảnh đất giàu tình người và đôn hậu này.

Tiếp nối dòng chảy văn hóa của dòng Cổ Chiên hiền hoà và thơ mộng, sông Long Hồ là một nhánh rẽ chảy từ thành phố Vĩnh Long đến các huyện Long Hồ, Mang Thít, sau khi đến chợ Ngã Tư thì phân ra thành hai nhánh: một nhánh chảy vào xã Hòa Tịnh và Bình Phước (huyện Mang Thít), một nhánh kia thì rẽ phải theo sông Cá Cau chảy đến ngã Xã Sỉ.

Một đoạn sông Long Hồ

Có thể nói dòng sông Long Hồ không chỉ mang đến giá trị kinh tế, là nơi giao thương buôn bán hay là nguồn thủy lợi quan trọng, cung cấp dòng nước ngọt dồi dào vào việc trồng trọt của người dân huyện Long Hồ và Mang Thít, mà dòng sông này còn chứa đựng những giá trị lịch sử đầy ý nghĩa, là nhân chứng cho việc xây thành, lập chợ trải qua nhiều thế hệ. Cũng chính vì vậy mà xuôi theo dòng sông Long Hồ sẽ mang đến cho du khách những điểm đến du lịch độc đáo hay các nghề thủ công truyền thống của người dân quê hương Vĩnh Long.

Sau đây là một số điểm đến hấp dẫn và nghề thủ công truyền thống mang theo nét văn hóa đặc trưng và chứa đựng những giá trị lịch sử quý giá dọc tuyến sông Long Hồ mà du khách có dịp về Vĩnh Long không thể bỏ lỡ nhé!

Văn Thánh Miếu

Tọa lạc làng Long Hồ, đường Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, Văn thánh Miếu được xem là một trong những di tích lịch sử nổi bật ở vùng đất Tây Nam Bộ, bởi nét kiến trúc độc đáo và mang theo giá trị văn hóa hào hùng của dân tộc.

Văn Thánh Miếu là công trình đề cao Nho giáo, là biểu tượng nói về sự phát triển của Nho giáo trên vùng đất Vĩnh Long nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung. Nơi đây chiếm ưu thế vì nằm ở vị trí địa lý đắc địa, mặt tiền giáp với tuyến giao thông đường bộ và hướng ra sông Long Hồ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển bằng đường bộ lẫn đường sông. Với diện tích tổng thể của khuôn viên khoảng hơn 10.000 mét vuông, Văn Thánh Miếu được mệnh danh là Quốc Tử Giám duy nhất ở Nam Bộ.

Vào năm Tự Đức thứ 15 (1862) sau khi thực dân Pháp chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ các sĩ phu yêu nước đều lui về Tây Nam kỳ tạo thành phong trào “tỵ địa” phản kháng thực dân Pháp xâm lược, khi này các Văn thánh miếu ở Biên Hoà, Gia Định, Định Tường đều bị chiếm đóng, cũng chính vì thế nhu cầu để xây dựng một Văn Thánh Miếu vào thời gian này là hết sức cần thiết và gấp rút. Ban đầu dự kiến sẽ xây dựng Văn Thánh miếu ở làng Tây Sơn phía Bắc thành Vĩnh Long, tuy nhiên vào lúc ấy Pháp vào đánh chiếm Vĩnh Long nên công trình bị đình lại.

Cho đến năm 1864 Văn Thánh Miếu được xây dựng tại làng Long Châu, tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long và đến năm 1866 thì công trình được hoàn thành. Từ khi xây dựng Văn Thánh Miếu cho đến nay mặc dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo và sửa chữa, tuy nhiên từng nét kiến trúc và chạm khắc nơi đây vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Văn Thánh Miếu không chỉ là nơi đề cao Nho giáo mà còn là nơi tôn vinh tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, nơi giáo dục tinh thần yêu nước qua nhiều thế hệ.

Khi bước vào Văn Thánh Miếu du khách không khỏi choáng ngợp bởi nét cổ kính và độc đáo của kiến trúc thời xưa nhưng lại mang đến một không gian trang trọng và chứa đựng hào khí của dân tộc. Nơi đây không chỉ chứa đựng tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam mà còn là nơi về nguồn, khơi dậy lòng yêu nước, là nơi giáo dục thế hệ sau này không ngừng trao dồi, phát triển trên con đường học vấn góp phần vào xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh.

Hằng năm, tại văn Thánh Miếu Vĩnh Long sẽ diễn ra bốn kỳ lễ hội chính:

- Lễ Xuân Đinh (vía ngày mất Đức Khổng Tử, tổ chức vào ngày đinh đầu tháng 02 âm lịch).

- Lễ Thu Đinh ( vía ngày sinh Đức Khổng Tử, tổ chức vào ngày đinh cuối tháng 8 âm lịch).

-  Lễ giỗ Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản (tổ chức vào ngày 04-05 tháng 10 âm lịch).

- Lễ giỗ các quan đại thần (tổ chức vào ngày 12-13 tháng 10 âm lịch).

Để di chuyển đến tham quan Văn Thánh Miếu Vĩnh Long du khách có thể đi tàu dọc sông Long Hồ hoặc di chuyển bằng xe máy, ô tô.

Sinh viên thực tập thuyết minh tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Xóm nghề truyền thống đan rổ, rế Vĩnh Long

Xuôi theo dòng chảy văn hóa dọc sông Long Hồ đến với xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long để khám phá xóm nghề truyền thống đan rổ, rế đặc trưng ở nơi đây.

Có thể nói nghề đan rổ, rế là một nghề truyền thống có mặt trên khắp vùng quê ở Việt Nam. Tuy nhiên đối với người dân quê hương Vĩnh Long nghề đan rổ, rế đã sớm có mặt từ rất lâu đời và tập trung nhiều nhất tại xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít. Tận dụng từ những nguyên liệu tự nhiên có sẵn ở quê nhà như cây tre, cây trúc qua bàn tay của những người thợ lành nghề đã trở thành những sản phẩm thủ công độc đáo và xinh xắn xuất hiện trong gian bếp của mỗi gia đình người dân trên khắp dãy đất hình chữ  “S” này.

Công đoạn để tạo ra những sản phẩm rổ, rế không hề đơn giản, đòi hỏi những người thợ phải hết sức khéo léo và tỉ mỉ, từ cách vót tre cho đến cách sắp xếp và đan chúng lại với nhau thì người thợ phải hết sức tập trung vì những cạnh bén của thanh tre sẽ cứa vào tay gây chảy máu. Nhờ vào những sản phẩm dân dã này mà đời sống kinh tế của bà con địa phương cũng phần nào được cải thiện. Từ một gia đình làm, sau đó là hai gia đình cùng làm, dần dà lan rộng ra cả làng cùng làm và trải qua nhiều thế hệ con cháu.

Đây có thể sẽ là món quà quê đặc biệt níu chân du khách khi có dịp về với quê hương Vĩnh Long. Du khách có thể di chuyển bằng tàu xuôi theo sông long Hồ hoặc xe máy và ô tô để đi đến với xóm nghề truyền thống đan rổ, rế.

Xóm nghề đan r, rế

Nghề chằm nón lá bên dòng sông Long Hồ

Tọa lạc khóm 6, thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, làng chằm nón lá dã tồn tại khoảng chục năm tuổi và trải qua nhiều thế hệ làm nghề. Mặc dù đã đi qua biết bao thăng trầm của thời cuộc, món nghề tưởng chừng như bị mai một theo thời gian nhưng vẫn tồn tại và ăn sâu vào tiềm thức của người dân cho đến hiện tại.

Nguyên liệu để làm nên những chiếc nón lá xinh xắn này là lá mật cật và cây trúc. Đối với người dân địa phương mà nói mỗi chiếc nón lá làm ra điều trải qua những công đoạn công phu và lắm cầu kỳ đòi hỏi người làm nghề phải hết sức tỉ mỉ như vuốt lá, làm khung, xếp lá, làm vành...

Mỗi chiếc nón lá làm ra đều mang theo công sức và tâm huyết của từng người thợ, có thể nói nghề chằm nón lá cũng phần nào góp phần vào cải thiện đời sống của người dân địa phương, tuy có khoảng thời gian món nghề này tưởng chừng như quên lãng và mai một đi vì không có thế hệ nối tiếp và gặp phải khó khăn trong kinh tế. Tuy nhiên, với sự vận động của chính quyền địa phương người dân quyết tâm giữ lửa nghề truyền thống để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước như hiện tại.

Nghề chằm nón lá truyền thống

Tiếp tục men theo dòng sông Long Hồ hào hùng lịch sử này du khách sẽ được đến với “ Vương quốc gốm đỏ” hay còn gọi là nghề làm gạch, gốm Mang Thít, một điểm sáng mới trong du lịch Vĩnh Long góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghề làm gạch, gốm Mang Thít trong thời gian tới. Vào ngày 16/11/2024 đến hết ngày 22/11/2024 Vĩnh Long sẽ diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh Tế Xanh lần I năm 2024, trong khuôn khổ lễ hội sẽ tổ chức nhiều sự kiện hấp dẫn tại thành phố Vĩnh Long và khu làng nghề gạch, gốm Mang Thít trên kênh Thầy Cai, cùng chờ đón và theo dõi thông tin qua đường link: https://vinhlongtourist.vn/ nhé!

                                                                             Tác giả: Củ Cải

Ẩm thực

Địa điểm