Gỡ khó rào cản phát triển du lịch đường sông TPHCM và ĐBSCL

02/12/2024

ĐBSCL - Ngày 30.11, tại TP Cần Thơ diễn ra Tọa đàm Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nhiều vấn đề được đặt ra

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch... đã trình bày những tham luận, thảo luận, đóng góp ý kiến và gợi mở nhiều giải pháp phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL.

Tọa đàm vào ngày 30.11 tại TP Cần Thơ. Ảnh: Yến Phương

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác và nhiều tour có rất ít khách du lịch, thậm chí có thể phải dừng khai thác.

Một số nguyên nhân chính cản trở sự phát triển du lịch đường sông có thể được nhận định là: hạ tầng giao thông đường thủy còn kém; hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường; chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch dường sông một cách đồng bộ; thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch đường sông; công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu còn hạn chế…

Nhiều nguyên nhân cản trở sự phát triển du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Ảnh: Tạ Quang

Dưới góc độ là doanh nghiệp, ông Vi Siêu Năng - Trưởng Phòng Điều hành tuyến sông Mekong (Công ty cổ phần du thuyền Viet Princess) - chia sẻ, trong chuyến đi khảo sát vào ngày 1.11 vừa qua, khi đoàn khảo sát đi ngang qua kênh Đôi đến Long An, hướng giao nhau sông Bến Lức và sông Vàm Cỏ Đông, nước sông có mùi và rác rất nhiều.

Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách và chân vịt cano phải ngừng nhiều lần do rác dính vào chân vịt. Do đó, bảo vệ môi trường là vấn đề cần được quan tâm.

Cần sự chung tay

Bàn về giải pháp phát triển du lịch đường sông kết nối TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL, ông Trần Tường Huy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội - nhận định, trước hết, cần phải có chính sách thuận lợi, tháo gỡ các rào cản pháp lý về đầu tư, quy hoạch thuê đất. Đối với các bến bãi hiện hữu, cần tiếp tục đầu tư thêm không gian và các dịch vụ du lịch đi kèm.

Phương tiện vận chuyển đường sông cần đầu tư phù hợp với lịch trình tuyến và đa dạng hóa để tạo nên sự phong phú cho sản phẩm du lịch đường sông với các loại như: cano, tàu tham quan, tàu có lưu trú, du thuyền...

Du khách tham quan, trải nghiệm trên sông Cần Thơ. Ảnh: Yến Phương

Đầu tư cải tạo, đặt báo hiệu để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Xây dựng các bờ kè bảo vệ, đặc biệt các đoạn bờ đang bị sạt lở.

Trường hợp xây dựng thêm bến mới phải dựa trên việc đánh giá hiệu quả tài nguyên du lịch để tạo hiệu quả trong khai thác, dự báo được cầu tàu neo đậu được nhiều loại phương tiện khác nhau, đặc biệt là các tàu có khả năng liên kết trong khai thác với vùng ĐBSCL...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong những năm tới, du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái vẫn là một trong những hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Để có thể khai thác tốt hơn du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSLC, cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp... tập trung đầu tư hạ tầng và quy hoạch đồng bộ, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tăng cường liên kết giữa các địa phương cũng như tăng cường quản lý môi trường.

Tác giả: Yến Phương

Sưu tầm: https://laodong.vn/du-lich/tin-tuc/go-kho-rao-can-phat-trien-du-lich-duong-song-tphcm-va-dbscl-1428599.html?gidzl=CrQ_3Ahjz4WqJxeCg_3qJJP5iWsqhVzBAHEu0RUff4ijH-jSjllnJ2yIjmsn-FWVAKMqL32iZ7zphklrIW

 

Ẩm thực

Địa điểm