Vĩnh Long xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù đạt được nhiều kết quả nổi bật

14/05/2025

Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long được phê duyệt tại Quyết định số 2998/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Long tập trung xây dựng, phát triển 04 sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó, du lịch homestay được xem là sản phẩm chủ lực; du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề là sản phẩm bổ trợ và du lịch văn hóa là sản phẩm định hướng phát triển.

Đề án xác định và xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc thù của tỉnh Vĩnh Long phù hợp với nhu cầu thị trường, làm cơ sở liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng cho phát triển du lịch, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch tỉnh nhà.

Du khách trải nghiệm đi tàu du lịch tham quan sông nước miệt vườn

Du lịch phục hồi và phát triển nhanh

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tuy chịu tác động mạnh do đại dịch Covid-19 nhưng ngành du lịch Vĩnh Long đã có bước phục hồi tốt về lượt khách và doanh thu. Đơn cử, lượng khách du lịch đến Vĩnh Long cả giai đoạn 05 năm (giai đoạn 2020-2025) đạt 5,1 triệu và doanh thu du lịch 2.528 tỷ đồng.

Đánh dấu sự phục hồi ngành du lịch vào năm 2024 với lượt khách và doanh thu đã vượt năm 2019 thời điểm trước đại dịch (năm 2024, có 1.850.000 lượt khách, doanh thu 991,2 tỷ đồng; năm 2019, có 1.500.000 lượt khách, doanh thu 525 tỷ đồng), vượt chỉ tiêu tỷ lệ tăng trưởng trung bình năm về cả lượng khách và doanh thu so với mục tiêu đề án đề ra (lượng khách bình quân tăng trưởng 25%/năm, vượt mức tăng trung bình 9%/năm mục tiêu đề án; doanh thu 34%/năm, vượt mức tăng trung bình 25% mục tiêu đề án).

Du lịch Vĩnh Long phục hồi tốt về lượt khách và doanh thu

Đạt được kết quả trên nhờ việc xác định đúng sản phẩm đặc thù kết hợp sự quan tâm cơ sở kinh doanh du lịch nói chung trong giữ vững, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc thù cũng như tổ chức các hoạt động làm phong phú thêm trải nghiệm của khách du lịch tại cơ sở, đối với doanh nghiệp lữ hành thống nhất hưởng ứng đưa các sản phẩm du lịch vào chương trình du lịch phục vụ khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, công tác định hướng thị trường du lịch có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo tăng tỷ lệ khách du lịch đến từ các thị trường truyền thống và đáp ứng thu hút khách du lịch từ các thị trường mới có mức chi tiêu cao. Trong đó, chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Sự phối hợp 03 ngành Du lịch - Nông nghiệp - Công Thương trong quảng bá sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu vừa xây dựng kênh phân phối chung vừa tạo chuỗi giá trị hàng hóa - dịch vụ đặc thù Vĩnh Long.

Xây dựng 04 sản phẩm du lịch đặc thù

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 05 năm (2020-2025), tỉnh Vĩnh Long triển khai xây dựng 04 sản phẩm du lịch đặc thù đạt được nhiều kết quả tiêu biểu, nổi bật. Trong đó, Du lịch Homestay đây là sản phẩm chủ lực của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các ngành, địa phương tích cực vận động các cơ sở homestay toàn tỉnh giữ vững chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại homestay thu hút du khách như: nấu ăn, làm bánh, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê, thưởng thức đờn ca tài tử, đốt đuốc đi xem hát bội,… Đến nay, homestay tỉnh Vĩnh Long 03 lần đạt công nhận đạt chuẩn ASEAN, nhiều nhất khu vực phía Nam. Đó là minh chứng cho chất lượng dịch vụ nổi trội của sản phẩm này mà các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa có được. Ngoài ra, có 02 điểm du lịch ở khu vực nông thôn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 04 sao thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, gồm: Điểm du lịch nhà Dừa Cocohome, huyện Long Hồ; điểm du lịch Somo Farm, huyện Mang Thít. Sản phẩm du lịch homestay dần dần lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh như: thị xã Bình Minh, huyện Vũng Liêm, huyện Trà Ôn và gần đây là huyện Tam Bình và huyện Mang Thít, từng bước gia tăng trải nghiệm cho du khách tại các vùng quê trên địa bàn tỉnh.

Điểm du lịch Somo Farm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 04 sao

Du lịch nông nghiệp, ngành chức năng thường xuyên khảo sát, kiểm tra, nhắc nhở điểm vườn trái cây phục vụ khách du lịch và các cơ sở vườn trái cây đảm bảo thực hiện nghiêm niêm yết giá, đảm bảo chất lượng phục vụ như công bố. Ngành du lịch đã phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai hỗ trợ điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tại 06 điểm du lịch, di tích trên địa bàn tỉnh như: Nhà dừa Cocohome, Bến cảng hành khách Vĩnh Long, Khu lưu niệm TTCP Võ Văn Kiệt, Điểm du lịch Vinh Sang, Khách sạn Phước Thành IV và Khu lưu niệm GSVS Trần Đại Nghĩa. Mô hình liên kết du lịch với nông nghiệp nhằm góp phần gắn kết ngành nông nghiệp với du lịch, vừa đảm bảo tiêu chí phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, vừa đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của khách du lịch.

Điểm du lịch Vinh Sang là một trong những mô hình liên kết du lịch với nông nghiệp

thu hút đông đảo du khách đến tham quan

Vĩnh Long quan tâm nâng cao chất lượng và đưa nông sản nổi bật như khoai lang Bình Tân, thanh trà Bình Minh đến gần hơn với du khách trong và ngoài tỉnh thông qua việc xác lập kỷ lục Việt Nam đối với nội dung chế biến và công diễn 102 món ăn, thức uống từ khoai lang Bình Tân nhiều nhất Việt Nam, chế biến và công diễn xác lập kỷ lục Việt Nam 135 món ẩm thực chế biến có nguyên liệu Thanh Trà của thị xã Bình Minh, góp phần quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực trên nền tảng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Vĩnh Long đến khách tham quan.

Du lịch làng nghề, ngành du lịch phối hợp ngành nông nghiệp, các địa phương khảo sát 05 làng nghề nông thôn gắn với phát triển du lịch nông thôn nhằm nắm tình hình hoạt động, từng bước xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP “Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch”. Trong đó chú trọng phát huy thương hiệu di sản phi vật thể quốc gia “Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa”, bảo tồn và phát triển “vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực - phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế, xã hội của địa phương và của quốc gia.

Công tác quảng bá du lịch tập trung giới thiệu nét đẹp ẩm thực địa phương và xác lập kỷ lục Việt Nam đối với nội dung “Chế biến và công diễn 102 món ăn từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky đầu tiên tại Việt Nam”; tuyên truyền giới thiệu giá trị cốt lõi sản phẩm gốm đỏ đặc thù của vùng đất Vĩnh Long từ việc tổ chức tiểu cảnh gốm đỏ (bến cảng hành khách của tỉnh) đến đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam (phường 9, TP. Vĩnh Long) được xác lập kỷ lục Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp gìn giữ và đưa các công trình bằng gốm đỏ vào phục vụ khách tham quan, có thể kể đến chuỗi khu điểm du lịch của Nghệ nhân Tư Buôi như điểm du lịch Nhà gốm Tư Buôi đạt kỷ lục Việt Nam “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất tại Việt Nam”, làng gốm Tư Buôi với mô hình lò gạch và khu trưng bày sản phẩm lưu niệm từ gốm, khu du lịch sinh thái Tư Buôi Đồng Phú có sự kết hợp giữa nét đẹp sông nước miệt vườn và hồn gốm Vĩnh Long. Đây là các điểm đến thu hút hàng chục ngàn khách tham quan mỗi năm và là điểm đến không thể bỏ qua khi đến du lịch Vĩnh Long. Nâng cấp hoạt động quảng bá sản phẩm đặc thù gốm đỏ tỉnh nhà mang tầm khu vực với sự kiện Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long, với điểm nhấn của Festival là không gian trưng bày và trải nghiệm sản xuất gạch gốm đan xen trong dãy lò gạch khu vực kênh Thầy Cai - trung tâm vùng Di sản Mang Thít, thông qua hoạt động này du khách vừa được tận tay làm các sản phẩm gốm vừa được tận mắt chứng kiến và cảm nhận sức hút, giá trị trường tồn của “lò gạch”, một công trình kiến trúc tuyệt vời, giữ vai trò quan trọng trong nền sản xuất tiểu thủ công nghiệp gắn với hoạt động cộng cư giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer.

Phát triển sản phẩm du lịch Văn hóa trên nền tảng bề dày lịch sử hơn 290 năm của vùng đất địa linh nhân kiệt, tập trung quảng bá, giới thiệu câu chuyện điểm đến của các di tích tiêu biểu, di tích danh nhân, độc bản, định hướng kết hợp phát huy giá trị di sản phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, Lễ hội Văn Thánh miếu, Nghệ thuật Hát Bội Vĩnh Long trong chương trình du lịch Vĩnh Long. Xây dựng và tập trung hoàn thiện sản phẩm du lịch tuyến sông Long Hồ gắn kết các điểm: chợ Vĩnh Long, Minh Hương Hội quán, Thất phủ miếu, Văn Thánh miếu, đình Long Thanh, đình Long Hồ, khu lưu niệm CTHĐBT Phạm Hùng, xóm nghề chầm nón, đan rổ - rế, nhà gốm Tư Buôi, điểm nhà thuyền, làng nghề gạch, gốm Mang Thít để giới thiệu đến du khách tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách ngày một tốt hơn. Nâng cao chất lượng điểm đến, di tích trên địa bàn tỉnh hướng đến công nhận điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.

Đặc biệt, ngành Du lịch tăng cường tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch thường niên, định kỳ với quy mô cấp tỉnh, tích cực phát động tuyên truyền, vận động CBCCVCNLĐ tích cực hưởng ứng tham gia chương trình du lịch nội địa “Người Vĩnh Long đi du lịch Vĩnh Long” qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, quê hương Vĩnh Long đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, ngành du lịch định hướng, đề ra giải pháp như: tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương theo Đề án. Quan tâm triển khai các dịch vụ bổ trợ trong hành trình tour, tuyến du lịch trong tỉnh, liên kết ngoài tỉnh để tăng chi tiêu du khách.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; tăng cường quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, tập trung quảng bá đối với các điểm đến tiêu biểu, đặc thù của tỉnh. Ngoài ra, tổ chức các sự kiện cấp vùng, khu vực gắn với quảng bá điểm đến, sản phẩm, lễ hội đặc trưng của địa phương; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Di sản Mang Thít, Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL.

Đồng thời, tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, xây dựng các khu, điểm du lịch quy mô, các hoạt động, khu vui chơi giải trí về đêm. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao tay nghề cho lao động trực tiếp phục vụ du khách; đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng tour, tuyến liên kết trong và ngoài tỉnh để thu hút du khách đến với du lịch Vĩnh Long.

Bài, ảnh: Hữu Thoại

(Nguồn: Báo cáo số 149/BC-SVHTTDL ngày 07/5/2025 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kết quả triển khai Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2020 - 2025)

Ẩm thực

Địa điểm