CÁC ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN VĨNH LONG

15/02/2022 2182 0

Kỳ này xin giới thiệu với Qúi khách điểm đến “Chùa Tiên Châu”

            Đã từ lâu trong tâm thức người Việt Nam Chùa là nơi tĩnh lặng, linh thiên, là nơi mà mọi người đến nương nhờ Đức phật để tìm bình an trong cuộc sống, cầu xin hạnh phúc bình an cho gia đình…Từ thành phố Vĩnh Long di chuyển khoảng 15 phút qua phà An Bình, là du khách đến được với Chùa Tiên Châu, một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Vĩnh Long

Cổng chính và cổng phụ của Chùa

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Chùa Tiên Châu nằm vị trí xưa kia thuộc làng Bình Lương và An Thành, nay là ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, phía trước là dòng sông Cổ Chiên hiền .Theo truyền thuyết, Chùa Tiên Châu được xây dựng vào khoảng năm 1750. Năm ấy, hòa thượng Giác Nguyên (đệ tử thiền sư Liễu Quán, quê ở Thừa Thiên) đến đây thấy khung cảnh tĩnh lặng, sông nước hữu tình, đã dựng một am nhỏ bằng tre, vách lá thờ Phật Di Đà, giáo chủ cõi Tây phương cực lạc, gọi là Tiên Châu Di Đà tự… mãi đến cuối thế kỷ XIX, các vị sư ở chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) qua hành đạo. Giai đoạn này chùa Di Đà đã bị xuống cấp nên tín đồ phật tử tái thiết lại ngôi chùa vào năm Kỷ Hợi (1899). Từ đó ngôi chùa có tên chính thức là Tiên Châu Tự.

 Hai làng Bình Lương và An Bình cách không xa nhưng cây cối nhiều dân cư, nhà cửa thưa thớt sống bằng nghề chài lưới bắt cá trên dòng sông Cổ Chiên và trồng trọt chăn nuôi là chính, trong không gian tĩnh mịch ấy những đêm trăng thanh gió mát, có người nhìn thấy tiên nữ xuống trần tắm, câu chuyện được lan tuyền khắp nơi và người ta đặt tên là Bãi Tiên (Tiên Châu) hay bãi Bích Trân, vùng đất này lại có nhiều rạch lớn, nhỏ người dân đi lại chủ yếu ghe xuồng, Chùa nằm ở vị trí đẹp sông nước hữu tình vì vậy có rất nhiều tài tử và giai nhân đến viếng cảnh ngâm thơ.

Nhà Thơ Nguyễn Hữu Đức có bài vịnh Bãi Tiên như sau:

Tiên Châu giăng nước Vĩnh Long thành

Đây rộn rịp nhiều đó vắng tanh

Khuất nữa cỏ cây nhà trắng trắng

Chia hai trời nước liễu xanh xanh

Cảnh người ngày tháng ba thằng mục

Chùa Phật hôm nay một tiếng kình

Danh lợi vì đây lòng chẳng tưởng

Bốn mùa phong cảnh có ai tranh.

Với câu, “Bốn mùa phong cảnh có ai tranh” đã diễn đầy đủ cảnh đẹp độc nhất của Tiên Châu lúc bấy giờ.

Tuy đã trãi qua bao thăng trầm của lịch sử và nhiều lần trùng tu, nhưng ngày nay ngôi chùa vẫn giữ được phần nào nét đẹp cổ kính như lúc đầu. Hàng năm, chùa Tiên Châu có các ngày lễ theo âm lịch: rầm tháng giêng, rằm tháng bảy (lễ Vu Lan), rằm tháng mười, lễ phật đản,…đông đảo phật tử và người dân khắp nơi về viếng Chùa và cầu mong cho gia đạo bình an, mạnh khỏe.

Tiên Châu còn là nơi du khách có thể đến và cảm nhận được nét đẹp hoài cổ xưa và giúp cho tâm hồn du khách có được niềm tin trong cuộc sống.Trong khuôn viên, phía trước Chùa có tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghi trên đài sen, tay cầm bình nước cam lồ ban phước cho chúng sinh. Bên trái chùa là tượng Phật Thích Ca tọa dưới sự che chở của chín con rồng, đằng sau là tán lá bồ đề râm mát. Bên phải chùa là tượng Phật Di Lặc với nụ cười viên mãn...

Trên bến Bình Lương ngày nay là cảnh ngôi Chùa cổ uy nghi, nằm ẩn hiện dưới tán bồ đề; xung quanh ngôi Chùa là những con đường làng xanh mát, những vườn trái cây nổi tiếng như: chôm chôm, sầu riêng, nhãn chín thơm ngát của xứ cù lao An Bình, người dân thân thiện và mến khách. Trãi qua bao thăng trầm của lịch sử Chùa Tiên Châu vẫn đẹp, vẫn cổ kính… vẫn là nơi con người tìm đến để tâm hồn thư thái sau những ngày làm việc căng thẳng trong cuộc sống.

 Với giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật của chùa Tiên Châu,  Bộ Vă hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, loại hình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 3211/QĐ, ngày 12-12-1994./.

Bài có sử dụng tài liệu

Sách Di tích lịch sử Văn hóa Vĩnh Long, năm 2017

Bài: Huỳnh Duy

Ảnh: Trung Kiên

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu