CÁC ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN VĨNH LONG (KỲ 3)

22/02/2022 1780 0

Kỳ này xin giới thiệu với Qúi khách điểm đến “Công Thần Miếu”

Xuôi về với vùng đất Phương Nam du khách đến Vĩnh Long để được khám phá một di tích đã tồn tại gần 200 năm trên vùng đất Vĩnh, đó là Công Thần Miếu Vĩnh Long.

Theo Đại Nam nhất thống chí, Miếu Hội Đồng Vĩnh Long (Công Thần Miếu) được xây dựng vào năm Minh Mạng Thứ 17 (1837) tại Thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình. Dân gian thường gọi ngôi miếu này là Đình Khao do nơi đây được chọn để khao thưởng cho những người có công. Là thiết chế văn hóa cấp tỉnh dưới thời Nhà Nguyễn, nên được Triều Đình nhìn nhận bằng sắc phong hàng năm và các quan đúng đầu tỉnh thay mặc triều đình đến tế theo điển lễ. Khi thực dân Pháp thôn tính và đô hộ, Miếu đã bị phá hủy nhưng bà con nơi đây đã gom được những đồ thờ tự trong Miếu đặc biệt là 85 đạo sắc phong của Miếu được người dân lưu giữ đình làng Thiềng Đức. Vào 1918 nhờ sự vận động của bà Trương Thị Loan (bà phủ Y) và bà Lê Thị Danh chính quyền đô hộ lúc bấy giờ đã cho phép khôi phục lại Miếu cách vị trí cũ của ngôi Miếu khoảng 1km, trên phần đất của ông Nguyễn Văn Kỷ, ông đã hiến một mẫu đất để xây dựng lại Miếu. Nay tọa lạc tại khóm 6 phường 5 thành phố Vĩnh Long.

Người dân Vĩnh Long, từ xưa xem Miếu là nơi linh thiêng với rất nhiều câu chuyện và huyền thoại lưu truyền, đó là những câu chuyện tôn vinh những người có công và sự linh thiên của các vị thần bảo vệ cái đúng, cái nhân hậu và trừng trị những kẻ làm điều ác. Công Thần Miếu Vĩnh Long trãi qua bao thằng trầm lịch sử từng bị phá hủy nhưng vẫn được xây dụng lại và tồn tại cho đến ngày nay. Bà con truyền rằng, đó là tấm lòng hướng thiện của người dân Vĩnh Long đã cảm động các vị thần linh nên Công Thần Miếu được xây dựng lại từ tấm lòng  hướng thiện vì nghĩa cử cao đẹp của những người làm việc có ít cho đời, cho xã hội hôm nay và mai sau là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta qua bao thế hệ.

Công Thần Miếu Vĩnh Long là nơi thờ các vị công thần triều Nguyễn, cũng là nơi hiện đang giữ được nhiều đạo sắc phong nhất Nam Bộ cùng với nhiều hiện vật cổ quý giá. Bài viết này giới thiệu giá trị văn hóa và lịch sử và đây cũng là điểm đến tham quan lý tưởng cho du khách đến Vĩnh Long tìm hiểu về 85 đạo sắc phong quý mang giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Phương Nam nói chung và Vĩnh Long nói riêng còn được lưu giữ đến ngày nay.

  Hàng năm tại Công Thần Miếu diễn ra nhiều lễ hội như:

- Lễ Xuân tế cầu an: diễn ra vào rằm tháng 2 (âm lịch).

- Lễ Hạ điền: rằm tháng 5 (âm lịch)

- Lễ Thu tế: rằm tháng  8 (âm lịch)

- Lễ Thượng điền: rằm tháng 10 (âm lịch)

Trong các dịp lễ hội tại Công Thần Miếu, lễ Xuân tế hằng năm luôn là lễ trọng đại nhất. Lễ hội kéo dài 4 ngày đêm, từ 14 đến 17 tháng 2 (âm lịch), thu hút hàng ngàn khách hành hương trong và ngoài tỉnh về đây chiêm bái. Nhiều nghi thức truyền thống vẫn được duy trì, nhiều sinh hoạt dân gian thu hút đông đảo khách đến tham quan, giao lưu, giải trí.

Công Thần Miếu là nơi chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá và mãi là niềm tự hào của nhân dân Vĩnh Long. Ngày 31 tháng 8 năm 1998, Bộ Văn hoá Thông Tin quyết định công nhận Công Thần Miếu là di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia.

Ghi chú: Đường đến Công Thần Miếu

Đường bộ: Từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, đi về hướng phường 5, qua cầu Thiềng Đức, đi 300m đến cầu Cái Sơn Bé, rẽ trái 50m sẽ gặp di tích.

Đường thủy: Từ bến đò Vĩnh Long theo dòng sông Cổ Chiên xuôi về hạ lưu 2000m gặp rạch Cái Sơn bên phải, theo con rạch nhỏ này độ 30m sẽ gặp di tích.

Từ trung tâm thành phố Vĩnh Long đến di tích Công Thần Miếu bằng ô tô là thuận lợi nhất.

Bài có sử dụng tài liệu

Sách Di tích lịch sử Văn hóa Vĩnh Long, năm 2017

  Bài: Huỳnh Duy, Ảnh:  Minh Trí 

                                                                                                                                                                    

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu