Chuyện làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa

21/12/2022 1859 0

Tỉnh Vĩnh Long có rất nhiều làng nghề, trong đó nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, là một trong những làng nghề truyền thống của tỉnh đã hình thành cách nay gần một thế kỷ, hiện vẫn phát triển mạnh mẽ, nức tiếng gần xa và đã làm nên bản sắc của xứ sở này. Năm 2013, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh”. Năm 2019, thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (viết tắt là OCOP) của tỉnh Vĩnh Long, làng nghề tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa được tỉnh công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, đây cũng là một chứng nhận thương hiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường. Và mới đây, tháng 08 năm 2022 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.

Làng nghề tàu hũ ky nằm bên bờ sông Cái Vồn thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trước kia, để tới được làng nghề này, người dân phải đi qua con đò. Còn giờ đây, từ Trung tâm hành chính thị xã Bình Minh đi hơn 1 km đến cầu Từ Tải qua sông Cái Vồn, vòng xuống dốc cầu men theo đường đan nhỏ sẽ đến làng nghề. Dù đêm hay ngày, làng nghề lúc nào cũng đỏ lửa, cho ra lò những sản phẩm tàu hủ ky vàng ruộm.

Theo lời kể của người dân địa phương, vào khoảng năm 1912 có ông Châu Xường là người Hoa (Quảng Đông) cùng vợ và 2 người con trai là Châu Khoánh và Châu Sầm sang Việt Nam làm ăn sinh sống và đã đến vùng đất Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long lập nghiệp, họ đã đem theo nghề làm tàu hủ ky gia truyền đến vùng đất này. Lúc đầu nghề được truyền trong dòng họ, nhưng vẫn thuê những hàng xóm đến phụ giúp, dần dần bà con trong vùng thấy hay đến xin truyền nghề, từ đó số người làm tàu hủ ky đông lên, hình thành nên một làng nghề khá đông đúc. Trải qua gần 100 tồn tại, làng nghề cũng có lúc thăng trầm, nhưng chưa bao giờ bị mất đi

Người dân nơi đây đã quen dần với mùi “thơm đặc trưng đậu nành” của những miếng tàu hủ ky vàng tươi và hình ảnh những giàn sợi tàu hủ ky phơi nắng dọc bờ sông. Hiện nay có hơn 20 hộ gia đình cả người Kinh lẫn người Hoa đang theo nghề truyền thống này. Ở đây mỗi ngày sản xuất chừng 3 tấn tàu hủ ky gồm nhiều loại như tàu hủ miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô, cọng non, tàu hủ ky ướp muối… Hiện nay, làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa phát triển ngày một mạnh, không chỉ vượt qua bên kia sông Hậu mà còn bán được cho khắp các tỉnh miền Tây và lên cả Sài Gòn, Biên Hòa…

Nói về xuất xứ của tàu hủ ky, có lẽ ít ai biết đây lại là một món ăn từ con nhà nghèo. Chuyện kể rằng, hồi xưa có một gia đình nghèo khổ làm nghề bán sữa đậu nành ngoài chợ. Ngày nọ, vợ chồng cãi nhau đến mức quên nồi sữa đậu nành đang đun trên bếp bị đóng thành váng. Người vợ tiếc của không nỡ bỏ đi nên vớt lấy váng đậu treo lên sào phơi cho ráo rồi quên bẵng đi mất. Khi nhà chẳng còn gì ăn, chị vợ nhìn thấy váng đậu bữa nọ đã khô còn vắt trên vách bếp, bèn lấy ra chế biến với hy vọng sẽ thành món ăn qua cơn đói. Nhưng thật không ngờ là miếng váng đậu đó đã trở thành một món ăn ngon hơn cả tưởng tượng.

Đó là sự tích, còn để làm tàu hủ ky chuyên nghiệp, người ta bỏ đậu vào ngâm chừng 2 tiếng để đậu nở và mềm rồi xay thành bột, sau đó đưa vào máy ly tâm (thợ gọi nôm na là máy chặt) vắt lấy nước. Nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo đun để lấy váng. Thông thường người ta xếp 18 chảo thành hai hàng gọi là một dàn, tùy theo quy mô từng gia đình mà số dàn này nhiều hay ít. Trung bình để ra được 1kg tàu hủ ky phải dùng khoảng 2,4 kg đậu nành tươi. 

Nguyên liệu để làm tàu hũ ky duy nhất là đậu nành. Ðể có được sản phẩm, đầu tiên, nước cốt đậu nành được cho vào gần đầy các chảo đun liên tục bằng củi, khi củi phía trên cháy hết cũng là lúc lớp than dày phía dưới cũng bén lửa, khi đó nước đậu sôi trên bề mặt nổi lớp bọt trắng xóa, người thợ dùng vợt để vớt hết bọt trên mặt chảo. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm tính toán sao cho khi lửa than cháy cũng là lúc vớt hết bọt đậu. Sau đó, dần dần trên mặt chảo sẽ nổi lên một lớp váng, bằng kinh nghiệm người thợ dùng tay sờ nhẹ lớp váng, nếu không dính trên đầu ngón tay tức là tàu hũ đã chín. Người thợ dùng lưỡi dao nhỏ cắt đôi lớp váng rồi dùng que tre vớt lên phơi trên sào. Sào phơi là những cây tre chẻ đôi được bố trí song song ngay trên miệng chảo, thông thường cứ khoảng 25 phút là vớt một lớp váng. Hơi nước trên miệng chảo cùng độ nóng thoát ra từ các miệng lò sau 30 phút sẽ hun và sấy khô dần các miếng tàu hũ ky. Sau đó tàu hũ ky được sang qua sào khác hong gió, nhưng tránh ánh nắng trực tiếp để cho dịu lại dễ xếp và đóng gói…

Ưu điểm của các sản phẩm tàu hũ ky sản xuất tại xã Mỹ Hòa là độ thơm, béo đặc trưng và đặc biệt là độ tươi, mới của sản phẩm. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên sự khác biệt của tàu hũ ky truyền thống Mỹ Hòa “béo nhưng không ngậy để gây ngán, dai và vàng óng ánh”. Sản phẩm làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa nổi tiếng khắp nơi, dùng cho người ăn chay, ăn mặn, đám tiệc, tặng phẩm cho du khách.…

Nơi đây đã là điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của nghệ nhân, địa phương; mở ra cơ hội quảng bá, phát triển làng nghề, thu hút khách du lịch đến Vĩnh Long.

 Với việc xây dựng thương hiệu, có chính sách quảng bá tốt, gắn với việc phát triển hài hòa giữa du lịch và sản phẩm du lịch, trong đó bản sắc văn hóa truyền thống phải giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là những điều kiện cần thiết để phát triển nghề và làng nghề nói chung và làng nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa nói riêng; góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 

                                                                                                         Bài, ảnh: Định Viễn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu