Du lịch nông nghiệp - một hướng đi mới của Vĩnh Long

22/08/2018 6258 0

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và chứa đựng trong đó nhiều nội dung văn hóa sâu sắc. Trên thế giới cũng như Việt Nam, du lịch được xem là "ngành công nghiệp không khói", không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn mà còn góp phần giới thiệu những đặc trưng văn hóa ra thế giới, qua đó xây dựng hình ảnh, vị thế của một quốc gia, dân tộc.

Ngày nay, trước tác động của quá trình toàn cầu hóa, đòi hỏi của phát triển bền vững trước những biến đổi của khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên,... thì hoạt động du lịch gắn với tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức con người về bảo vệ thiên nhiên, môi trường và trải nghiệm cuộc sống gắn bó với tự nhiên, với sản xuất nông nghiệp, nhất là ở những địa bàn nông thôn thuần túy gắn với bản sắc văn hóa bản địa ngày càng trở nên hấp dẫn. Với bối cảnh như vậy đã xuất hiện một loại hình du lịch mới gọi là "Du lịch nông nghiệp".

Loại hình du lịch này phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước và có nhiều cách gọi, như ở Anh gọi là "Du lịch nông thôn", ở Mỹ là "Du lịch trang trại", Nhật Bản gọi "Du lịch xanh", ở Pháp gọi "Du lịch cỏ cây". Ở Áo, du lịch nông nghiệp được tổ chức rất chuyên nghiệp mặc dù người làm nông nghiệp chỉ chiếm 3% dân số. Ở Hàn Quốc, các tour du lịch nông nghiệp đã triển khai từ năm 2006 và được xem như một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp chính yếu, nhằm giúp người nông dân bù đắp sự giảm sút thu nhập từ nông nghiệp.

Ở Quảng Tây (Trung Quốc) từ năm 2007 chính quyền địa phương đã xây dựng hơn 15 tuyến du lịch nông nghiệp đặc sắc với 251 vườn du lịch sinh thái nông nghiệp có tác dụng làm tăng thu nhập cho người bản địa và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã xây dựng 133 các khu vườn du lịch nông nghiệp, tạo việc làm cho hơn 14.500 người, doanh thu hàng năm lên tới 132 triệu nhân dân tệ. (1)

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Có 4 thành tố để được gọi là "Du lịch nông nghiệp", đó là: kết hợp giữa du lịch với nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động có liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách giải trí; hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.

Phát triển du lịch nông nghiệp có tác dụng đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch cho du khách, gia tăng luồng du khách đến nông thôn.

Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn luôn được xác định là một trong năm dòng sản phẩm chủ đạo những năm gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách cả nước nói chung và của Vĩnh Long nói riêng.

Vĩnh Long là địa phương đi đầu ở đồng bằng sông Cửu Long về du lịch sinh thái, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Du khách đến Vĩnh Long được đưa về 04 xã cù lao An Bình, vào tham quan các vườn chôm chôm, mận, xoài, nhãn, sầu riêng, măng cụt,... và thưởng thức trái cây chín tại vườn, mua về làm quà cho bạn bè và gia đình. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển rất sớm ở 4 xã cù lao An Bình, khách ngủ nhà dân (homestay), đi xe đạp qua các xã để tìm hiểu cảnh quan sinh hoạt, văn hóa của làng quê Việt Nam. Khách du lịch tìm đến các nhà vườn để tìm hiểu cách sản xuất chăm sóc vườn cây, thưởng ngoạn những vườn cây oằn sai và thích nhất là tự tay mình hái những trái từ trên cây xuống mà thưởng thức; du khách xuống xuồng được các chàng trai, cô gái bản địa đưa đi trên các con sông để du khách thưởng ngoạn cảnh sông nước của một vùng cù lao đa dạng cây con sinh sống hai bên bờ sông và cảnh sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trên hai bờ sông.

Tuy nhiên, phần lớn du lịch nông nghiệp hiện nay ở cả nước nói chung, ở đồng bằng sông Cửu Long và Vĩnh Long nói riêng vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẽ manh mún, trùng lắp, sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn du khách và chưa chú trọng về thương hiệu. Nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp, chưa quan tâm hoặc chưa đặt mục tiêu gắn với phát triển du lịch. Tại nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ ở nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. (2)

Vườn trái cây ở 04 xã cù lao An Bình những năm qua chưa được ngành chức năng định hướng cho từng loại khu vực trồng loại cây gì để 04 xã cù lao lúc nào cũng có cây trái, trái cây lúc nào cũng sạch, an toàn để phục vụ du khách. Nông nghiệp như Vĩnh Long có ba vụ lúa chín vàng cả cánh đồng rất đẹp, Bình Tân có những cánh đồng khoai lang mút mắt; Bình Minh có xà lách xoong, bưởi năm roi, trái thanh trà; Tam Bình và Trà Ôn có cam sành, .... Nếu Vĩnh Long tập trung đầu tư cho nông nghiệp phát triển bền vững gắn với du lịch là một hướng đi mới cho du lịch Vĩnh Long phát triển.

Cụ thể, trước hết là phải hoàn chỉnh hệ thống giao thông thủy bộ ở 04 xã cù lao An Bình, đó là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở 04 xã cù lao. Ngành chức năng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp) chọn những cây giống mới, giống tốt, cho trái chất lượng cao, hướng dẫn cho từng khu vực, từng hộ làm vườn nên trồng cây ăn trái loại nào để cù lao 04 xã lúc nào cũng có vườn cây có trái phục vụ du khách, đặc biệt là cần hướng dẫn cho các nhà vườn chăm sóc  vườn của mình cho trái sạch, đạt chuẩn an toàn cho du khách.

Vĩnh Long có nhiều cánh đồng lúa chín vàng trải rộng mút mắt rất đẹp nhưng đa phần là lúa chưa sạch và nông dân hiện nay thu hoạch bằng máy gặt đặp liên hợp. Do vậy để gắn sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước) với du lịch, cơ quan nhà nước và ngành chức năng cần quy hoạch một cánh đồng, một khu vực nào đó để xây dựng "cánh đồng thông minh" (như huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã làm) trên cánh đồng ấy dành một khu vực để du khách về cùng với nông dân thu hoạch lúa, để du khách biết được văn hóa lúa nước của Vĩnh Long nói riêng của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Du khách quốc tế tham quan, mua trái cây Vĩnh Long  (Ảnh: Nguyễn Nam)

Để phát huy lợi thế của mình, Vĩnh Long cần gắn du lịch với phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là phát triển vườn cây ăn trái chất lượng cao ở 04 xã cù lao An Bình, khoai lang Bình Tân, cam sành ở Trà Ôn. Trước mắt, tập trung vận động các doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương tổ chức triển khai một số mô hình mở các tour, tuyến, điểm du lịch như tour một ngày trải nghiệm cùng nông dân thu hoạch khoai lang và thưởng thức các sản phẩm chế biến từ khoai lang ở Bình Tân, kết hợp với tham quan làng nghề làm dưa cải, tham quan nhà xưa...

Mở tour về Bình Minh - Trà Ôn trải nghiệm cùng nhà vườn thu hoạch bưởi năm roi ở Mỹ hòa, thu hoạch thanh trà và tham quan cây trà cổ thụ, thưởng thức những sản phẩm chế biến từ trái thanh trà ở xã Đông Thành, trải nghiệm cùng nông dân chăm sóc thu hoạch cải xà lách xoong ở xã Thuận An, rồi về Trà Ôn tham quan những khu vườn cam sành và cùng với nông dân thu hoạch, kết hợp tham quan chợ nổi Trà Ôn và các di tích văn hóa lịch sử như khu di tích Nguyễn Văn Tồn, chùa Phước Hậu,...

Trải nghiệm ẩm thực tại vườn, nét đặc trưng của du lịch nông nghiệp (Ảnh: Nguyễn Nam)

Để hình thành được những điểm, hướng tour, tuyến cần phải có sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành chặt chẽ. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xúc tiến mạnh mẽ cho du lịch. Triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình du lịch nông nghiệp được lựa chọn, cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả đào tạo, tập huấn cho người nông dân kiến thức cơ bản về du lịch để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Có chính sách khuyến khích nông dân tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Hướng dẫn người nông dân và du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khi tham gia du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái.

Trương Quang Phú

                                                                      Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Long

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu