GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG – CỘI NGUỒN DÂN TỘC

29/04/2021 1811 0

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

 

Câu ca dao đậm đà nghĩa tình ấy đã in sâu vào tâm thức mỗi người con đất Việt từ bao đời nay, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm, Đền Hùng -nơi cội nguồn của dân tộc, là biểu tượng tôn kính, linh thiêng gắn bó với dân tộc Việt Nam. Đền Hùng đã trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, thể hiện tình cảm, sự tri ân công đức của các Vua Hùng, thể hiện truyền thống đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam; là nơi bắt nguồn của lịch sử, văn hóa gắn liền với bao truyền thuyết dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Nhà thờ Quốc tổ Hùng Vương tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với các vị vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 06 tháng 12 năm 2012.

 Càng tự hào về lịch sử dân tộc, chúng ta càng phải đồng tâm hiệp lực, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy của Người đã thấm sâu trong trái tim, khối óc của triệu triệu người Việt Nam. Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng ta đã không ngừng phát huy truyền thống của tổ tiên, kế thừa những giá trị tinh thần tốt đẹp của thời đại vua Hùng và các thời đại oanh liệt trong lịch sử, đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng trường kỳ và oanh liệt trong lịch sử, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc tổ chức tốt các lễ hội, nhất là lễ hội dân gian, truyền thống như Giỗ Tổ Hùng Vương là góp phần quan trọng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho sự phát triển của đất nước toàn diện và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hướng về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021 với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng và các bậc tiên nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức dâng hương Quốc tổ Hùng Vương vào ngày 20/4/2021 (Mùng 09 tháng 3 âm lịch) tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long và không tổ chức các hoạt động vui chơi, không mở cửa đón tiếp các tổ chức và nhân dân đến dâng hương các vua Hùng như hàng năm./.

 

                                                      Xuân Giang

           (Nguồn: Hướng dẫn 126-HD/BTGTW, ngày 25/3/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu