LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĨNH LONG (KỲ 1)

14/06/2022 2893 0

Với vị trí địa lý đặc biệt thuận lơi, nằm giữa 02 dòng sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, nằm ngay trung tâm Đồng bằng Sông Cửu Long, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 140km và trung tâm Thành phố Cần Thơ hơn 35km. Với vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm gần đây tỉnh Vĩnh Long chú trọng phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống. Tại đây, khách du lịch có cơ hội tìm hiểu và cùng người dân tham gia quy trình sản xuất ra những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Trong kỳ này, tác giả muốn giới thiệu với du khách về một làng nghề truyền thống hình thành và tồn tại hàng trăm năm. Đó chính là Làng nghề sản xuất gạch ngói Mang Thít.

Trải dài hơn 30 km, làng gách ngói mang Thít hay còn được gọi là “Vương quốc đỏ Vĩnh Long”, là nơi sản xuất gạch nổi tiếng và lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều ở các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh (huyện Mang Thít). Vào những năm 1990, thời điểm phồn thịnh nơi đây có gần 1.500 miệng lò. Đến đây, du khách có dịp tận mắt chứng kiến về quy trình sản xuất gạch từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét từ những đôi bàn tay khéo léo của công nhân lành nghề, với nhiều giai đoạn công phu, tỉ mỉ, gồm những quy trình chính như sau:

Nguyên liệu chính để sản xuất gạch ngói chính là đất sét, sau khi vận chuyển về đến cơ sở sản xuất, người thợ phải cắt thành khối, cho lên dây chuyền vận chuyển đến máy nghiền đất. Sau đó thêm một lượng nước vừa đủ để tạo độ mềm dẻo, in hoa văn gạch dễ dàng.  

Công đoạn cắt đất sét thành khối và cho vào máy cắt gạch thô

Sau đó bắt đầu công đoạn cắt gạch thô, đây là công đoạn được đánh giá là khó nhất đối với nghề làm gạch truyền thống. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm gạch để tránh làm biến dạng khối gạch vừa được đóng khuôn trước khi xếp ngay ngắn những viên gạch thô lên xe chuyển đến khu vực phơi gạch. Hoa văn được in trên gạch thường là tên và địa chỉ của những cơ sở sản xuất, những viên gạch được xếp ngay ngắn dưới nắng khoảng 5 ngày để giảm độ ẩm và tăng độ cứng, không bị biến dạng trước khi vào lò. Sau đó, cho vào lò nung. Gạch được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất cẩn trọng trong 20 ngày thì ra thành phẩm. Đặc biệt,trong suốt thời gian nung, người làm gạch phải canh lửa liên tục để đảm bảo chất lượng của gạch. 

Công đoạn phơi gạch thô và cho vào lò nung

Hiện nay, một vài cơ sở sản xuất gạch tại Vĩnh Long đang chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, thủ công sang sản xuất bằng lò nung gạch liên hoàn theo công nghệ mới, vừa nâng cao chất lượng, tăng giá thành sản phẩm, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Lò nung gạch liên hoàn

Thời gian gần đây, do nhiều lý do khác nhau như nguồn đất sét tại địa phương hầu như cạn kiệt và sản phẩm có sức cạnh tranh kém, chi phí nguồn lao động cao, giá thành của nguyên liệu đốt lò chủ yếu là trấu cũng tăng mạnh nên hiện nay khu vực này chỉ còn khoảng 425 cơ sở gạch ngói, gốm với 663 miệng lò. Trong đó, có 111 cơ sở sản xuất với 115 miệng lò còn đang hoạt động.

Theo Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ cơ sở sản xuất gạch ngói Năm Bửu – Huyện Mang Thít cho biết, gia đình Bà tới 3 thế hệ theo nghề làm gạch và có 32 năm theo nghề ở khu vực này, cũng nhờ nghề làm gạch này mà gia đình bà cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất và tinh thần, con cái học hành tới nơi tới chốn. Tuy nhiên, gần đây do chi phí nguyên liệu như đất sét, trấu, và nhân công lao động tăng cao, gia đình Bà cũng rất ít đốt lò, chỉ thực hiện đốt lò để nung gạch khi có khách hàng đặt mua.

Trước những thực trạng đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo mà các thế hệ trước để lại, đồng thời giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã - hội tại địa phương, đặc biệt là ngành du lịch. Đề án được xây dựng dựa trên ý tưởng khai thác các lò gạch truyền thống hiện có, làm nền tảng, điểm nhấn mang tính đột phá với quy mô lớn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Hy vọng rằng, với những chính sách hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành có liên quan trong tác bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nói chung, và làng nghề sản xuất gạch ngói Mang Thít nói riêng sẽ tạo cho du lịch Vĩnh Long trở thành một điểm đến độc đáo, hấp dẫn du khách trong thời gian tới./.

(Kỳ 2: Giới thiệu du khách về Làng nghề tàu hủ ky – huyện Bình Minh)

Bài, ảnh: Trung Kiên

 

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu