Vĩnh Long phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít

21/12/2021 2794 1

Nhằm tạo điểm đến hấp dẫn mang tầm cỡ quốc tế về du lịch, dịch vụ với chất lượng hàng đầu cả 3 khía cạnh về điểm tham quan/trải nghiệm, ăn nghỉ, lữ hành; kết nối, lan tỏa tác động tới các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận nhằm tạo mối liên kết, cộng hưởng bền vững. Tạo công ăn việc làm và thu nhập cao, bền vững cho nền kinh tế và người dân địa phương, đảm bảo ổn định trong đời sống của người dân qua việc tái định cư tại chỗ. Nâng cao vị thế, tiếng vang trong nước với quốc tế cho tỉnh Vĩnh Long, địa phương Mang Thít và toàn vùng ĐBSCL trong lộ trình phát triển bền vững và hấp dẫn du lịch bằng sự "lột xác" qua giá trị di sản cũ sang một sự chuyển đổi sáng tạo hài hòa với tính chất đương đại, … Trên cơ sở đó, ngày 20/12/2021 UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 3502/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít.

* Nhiệm vụ chủ yếu của đề án

Đề án chú trọng vào một lộ trình bao gồm các nhiệm vụ chính như dừng phá dỡ các lò gạch hiện trạng, bảo vệ nguyên trạng và phát triển văn hóa, nghệ thuật, du lịch, dịch vụ dựa trên khối di sản lò gạch và nhà xưởng này; lập quy hoạch tổng thể định hướng cho toàn bộ vùng Di sản gồm vùng đệm, vùng lõi và vùng trung tâm lõi di sản với mức độ quy hoạch chi tiết tăng dần, làm nền tảng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Di sản với định hướng trở thành điểm nhấn phát triển cho tỉnh Vĩnh Long; xây dựng các Kế hoạch, Đề án Chương trình đầu tư, tài trợ, hợp tác phát triển của chính quyền, các nhà đầu tư và hộ gia đình, theo đó là lập quy hoạch chi tiết (1/500) đối với từng khu vực đầu tư cụ thể, nhằm phục hồi và chuyển đổi công năng của hệ thống lò gạch thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế.

* Cách tiếp cận, tính khả thi và hiệu quả

Đề án hướng đến một cách tiếp cận mới trong phát triển, đã được thực hiện thành công ở nhiều nước trên thế giới đồng thời phù hợp với các điều kiện của địa phương. Đó là, Chính quyền tập trung thực hiện vai trò kiến tạo, thiết lập “sân chơi và luật chơi” thông qua công tác quy hoạch, chỉ đầu tư một số hạ tầng thiết yếu và công trình dẫn hướng cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, “người chơi” là các nhà đầu tư với vốn, kinh nghiệm phát triển, người dân địa phương và cư dân nhập cư sẽ cộng hưởng, cùng nhau tạo ra các giá trị mới trên nền di sản cũ, cùng hưởng lợi. Dựa trên những thuận lợi sẵn có của hệ thống lò xưởng và cảnh quan sông nước hữu tình sẵn có như một đặc sản, Đề án hướng đến cách tiếp cận giảm thiểu việc san nền giải tỏa, giải phóng mặt bằng, phát triển đồng loạt; khuyến khích đầu tư theo mô hình kinh tế sáng tạo, ở quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với cảnh quan và hồn cốt của vùng di sản, khuyến khích người dân chuyển đổi sinh kế, tái định cư tại chỗ; nhà đầu tư, người dân cùng mang đến và hưởng lợi từ giá trị gia tăng dựa trên sự đa dạng trong một tổng thể hài hòa.

Đề án dự kiến sẽ mang lại hiệu quả cao về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và sinh thái - môi trường; lợi ích chung hài hòa, bền vững cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia. Cụ thể:

Hiệu quả về kinh tế: Cách tiếp cận của Đề án đề cao việc “tái sử dụng hiệu quả nguồn lực” và chuyển đổi đơn chức năng sang đa chức năng sẽ giúp chính quyền đầu tư ở mức vừa phải, phân kỳ phù hợp với năng lực tài chính của địa phương, mà vẫn đảm bảo được sự phát triển tổng thể, hài hòa; giúp nhà đầu tư giảm thiểu chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng; giúp người dân với nguồn lực hạn chế vẫn có thể cộng sinh cùng nhà đầu tư; các chủ thể này sẽ tạo nguồn thu ngày càng dồi dào và ổn định từ hoạt động du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, sản vật địa phương, các sản phẩm nghệ thuật gốm và giá trị gia tăng của bất động sản.

Minh họa một số mô hình dịch vụ, du lịch

Hiệu quả về chính trị: Đề án sẽ góp phần tạo một vị thế mới cho tỉnh Vĩnh Long và cho Việt Nam khi sở hữu một vùng di sản mang tầm cỡ quốc tế, một trường hợp điển hình về tầm nhìn và hành động của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi, phát triển kinh tế sáng tạo trên nền di sản.

Hiệu quả về văn hóa - xã hội: Di sản của một nền văn hóa truyền thống sẽ được gìn giữ, khôi phục và bồi đắp khi được giao thoa văn hóa quốc tế, tạo ra sự “đương đại” của thế hệ hiện tại và tương lai. Việc hạn chế tối đa việc di dời dân, khuyến khích tái định cư tại chỗ, sẽ giúp người dân yên tâm “an cư lạc nghiệp”. Sự phát triển hài hòa dựa trên các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần toàn, kinh tế chia sẻ sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của chính người dân địa phương, tạo nhiều không gian giao tiếp mở, sáng tạo nghệ thuật để mời gọi trí tuệ và nhân lực trong nước và quốc tế tới nhập cư. 

Hiệu quả về sinh thái - môi trường: Đề án sẽ khắc phục ngay được tác động gây ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương do hoạt động của các lò gạch thông qua việc chuyển đổi công năng sử dụng của lò mà không thay đổi hoặc xáo trộn sinh kế của người dân. Ý tưởng sống “xanh” và “thông minh” xuyên suốt trong quan điểm của Đề án, thể hiện qua quá trình giảm thải - tái sử dụng - tái chế - phục hồi - tái tạo năng lượng của nguyên vật liệu và các ứng dụng, công nghệ đổi mới, sáng tạo. Đề án cũng đưa ra nguyên tắc tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc sinh thái vùng sông nước đặc thù của ĐBSCL, làm tăng giá trị cảnh quan thiên nhiên.

* Giải pháp thực hiện

Thực hiện đồng bộ bốn nhóm giải pháp, trên tinh thần sử dụng tổng hợp, linh hoạt các công cụ quản lý, kiến tạo hữu hiệu về luật pháp (đặc biệt là quy hoạch); kinh tế (các chính sách đầu tư công dẫn hướng, xúc tiến đầu tư tư nhân qua các ưu đãi về thuế, phí, đất đai, giấy phép, khuyến khích các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, chia sẻ..); văn hóa, nghệ thuật, làng nghề (như bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể, khuyến khích các nghệ sỹ làm mới tinh thần truyền thống bằng ngôn ngữ đương đại) và truyền thông (kêu gọi hỗ trợ, tài trợ; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; xây dựng chiến lược thương hiệu và ứng cử các giải thưởng quốc tế…) của chính quyền địa phương.

Với tinh thần và vai trò định hướng, kiến tạo của chính quyền địa phương, Đề án nhấn mạnh tới ba giải pháp đột phá như sau:

Một là, tuyên truyền, vận động người dân dừng phá dỡ, bảo tồn lò gạch. Xây dựng chính sách hỗ trợ người dân bảo tồn, duy tu lò gạch nằm trong vùng di sản. Xây dựng chính sách xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ thực hiện đầu tư một số mô hình điểm như mô hình cụm lưu trú, dịch vụ homestay; cụm xưởng nghệ thuật, nhà hàng, quán ăn, quán cafe, các địa điểm triển lãm, tổ chức sự kiện; cụm vườn cộng đồng; mô hình trình diễn nghệ thuật sắp đặt trên đất, nước, cánh đồng lúa, … Việc phát triển mới các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, dịch vụ cần phải đạt được sự kết hợp giữa văn hóa vùng miền đặc sắc, hoạt động giải trí lành mạnh đa dạng, có chất lượng để thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Hai là, việc xây dựng quy hoạch cần được thực hiện một cách tổng thể, bài bản, đồng bộ và dựa trên những thông lệ tốt trên thế giới và tại Việt Nam về công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch, đặc biệt là cho các vùng mang tính chất di sản. Cụ thể, tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/10.000) cho vùng di sản (3.060 hecta) và quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) cho vùng lõi di sản (333 hecta). Việc bảo tồn và phát triển vùng lõi di sản sẽ có tác động lan tỏa và kết nối tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực còn lại trong vùng di sản và vùng đệm (khoảng 5.000 hecta) tiếp giáp với vùng di sản.

Ba là, phối hợp xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược nhằm xã hội hóa việc lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) cho vùng lõi di sản (333 hecta) và đầu tư xã hội cho toàn khu vực. Thực hiện đầu tư một số dự án hạ tầng cơ bản nền tảng (bến tàu, nạo vét một số tuyến kênh, rạch …) và một số công trình điểm như khu điều hành đón tiếp, khu triển lãm… để dẫn hướng cho các doanh nghiệp và hộ dân. Thực hiện Chiến lược truyền thông ngay từ khi Đề án được phê duyệt nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, người dân địa phương, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ, tư vấn, tài trợ, huy động nguồn lực của các tổ chức quốc tế, tổ chức khoa học, nghệ thuật, văn hóa và cộng đồng. Xây dựng kế hoạch tiếp cận với UNESCO ngay từ đầu, triển khai Đề án hướng tới việc được UNESCO công nhận sáng kiến di sản đương đại trong bối cảnh mới, tham gia các cuộc bình chọn trong nước và quốc tế liên qua

Tóm lại, đây là một Đề án tổng thể, quy mô lớn về cả tầm vóc lẫn nội dung, nhiều thách thức song cũng là những cơ hội hiếm có, thích ứng cao với thời đại, thiên nhiên, hướng đến một cách tiếp cận mới đầy sáng tạo trong phát triển không chỉ cho Vĩnh Long, cho ĐBSCL mà còn cho cả Việt Nam./.

                                                                             Bài: Mẫn Nhi

Ảnh: Minh họa của Đề án

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu