Căn cứ Cái Ngang – “Căn cứ của lòng dân”

03/03/2018 12812 0
Căn cứ Cái Ngang – “Căn cứ của lòng dân”

Căn cứ Cái Ngang – "Căn cứ của lòng dân"

Bài, ảnh: BÌNH MINH-QUỐC CHIẾN

Những ngày cuối năm 2016, khi mọi người rộn rã chuẩn bị đón chào một mùa xuân mới, Xuân Đinh Dậu 2017, thì Đảng bộ, quân, dân tỉnh Vĩnh Long đón nhận một tin vui, di tích khu căn cứ Cái Ngang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Sự kiện này một lần nữa khẳng định và ghi nhận thành tích, công lao to lớn của Đảng bộ, dân và quân của tỉnh Vĩnh Long trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, là niềm tự hào và là sự động viên to lớn cho nhân dân Vĩnh Long tiếp tục ra sức thi đua, lao động sản xuất trên vùng đất anh hùng.

Ông Nguyễn Ký Ức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (hàng đầu bên trái) thăm căn cứ Cái Ngang

Căn cứ của lòng dân

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Cái Ngang là vùng đất bao gồm nhiều xã của huyện Tam Bình được chọn làm căn cứ cách mạng. Nơi đây không chỉ có vai trò quan trọng đối với tỉnh Vĩnh Long, mà còn có tầm ảnh hưởng lớn đối với Tây Nam bộ.

Từ đầu năm 1949, Cái Ngang trở thành căn cứ chiến lược quan trọng của Vĩnh Long, là nơi lãnh đạo, tiếp nhận chỉ thị, quân nhu, thuốc men, hàng hóa từ Sài Gòn- Chợ Lớn về phân phối lại cho các tỉnh miền Tây.

Năm 1966, Tỉnh ủy chọn Cái Ngang làm căn cứ chiến lược chủ yếu. Đến năm 1967, Tỉnh ủy chuyển hẳn về khu căn cứ cách mạng này. Từ đây, có biết bao chuyến tập kết vũ khí, bao lần đưa đón lãnh đạo về chỉ huy các trận đánh lớn, chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân, dân ta.

Tại căn cứ Cái Ngang, Phân ban Khu ủy Vĩnh Trà và Tỉnh ủy Vĩnh Long đứng chân chỉ đạo tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở thị xã Vĩnh Long giành thắng lợi, chiếm lĩnh nội ô thị xã 6 ngày đêm, hủy diệt hoàn toàn sân bay trực thăng vận của Mỹ, mở toan vùng ven nối liền từ thị xã về hậu phương, làm chủ hoàn toàn bến phà Mỹ Thuận (phía bờ Tây), cắt đứt quốc lộ Bốn 22 ngày đêm.

Sau Xuân Mậu Thân năm 1968, địch thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh ở Vĩnh Long với hệ thống đồn bót dày đặc. Chúng triệt phá địa hình bằng bom đạn, chất độc hóa học, chất nổ…để Việt cộng không còn chỗ dung thân. Trước tình đó, Tỉnh ủy chủ trương bám trụ, kiên trì khắc phục khó khăn, tạo thế vươn lên, đánh phá bình định và được nhân dân Cái Ngang tích cực phòng gian, bảo mật, bịt tai, che mắt địch,…bảo vệ an toàn cơ quan Tỉnh ủy.

Năm 1974, lực lượng vũ trang làm đòn xeo, kết hợp và đẩy mạnh 3 mũi giáp công ở cơ sở, liên tục tấn công, nổi dậy thành cao trào trong toàn tỉnh; mở rộng giải phóng vùng nông thôn rộng lớn thành thế liên sườn, xã liền xã, huyện liền huyện, mở toan vùng ven, bức các tuyến vành đai phòng thủ thị xã Vĩnh Long từ xa, áp sát giao thông chiến lược...đã đánh bại, làm phá sản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ ở chiến trường Vĩnh Long, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta quyết chiến giải phóng thị xã Vĩnh Long.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng tại căn cứ Cái Ngang, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã bàn phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở TX Vĩnh Long; chỉ đạo các lực lượng vũ trang thọc sâu các điểm quan trọng, lãnh đạo phong trào quần chúng nội ô nổi dậy, giải giới tề ngụy và kêu gọi binh lính địch đầu hàng, tiến đến giải phóng Vĩnh Long ngày 30/4/1975.

Sau 2 cuộc kháng chiến, dù bị địch càn quét, ném bom ngày đêm, nhưng căn cứ Cái Ngang vẫn hiên ngang, tồn tại bất khuất giữa đồng bằng, cán bộ cách mạng vẫn bình yên trong sự che chở của nhân dân cho tới ngày đại thắng, là minh chứng sống động nhất cho thế trận lòng dân, có thể nói "Cái Ngang là căn cứ của lòng dân".

Chụp ảnh lưu niệm tại bia căn cứ Cái Ngang

Tiếp tục phát huy giá trị di tích

Ngày nay, căn cứ Cái Ngang thuộc xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Tháng 9/2003, di tích căn cứ Cái Ngang được khánh thành đưa vào phục vụ khách tham quan với các hạng mục được phục dựng lại gồm: bãi lửa, cầu chông, chốt bảo vệ, nhà thường trực năm 1967 và năm 1963, hội trường, hệ thống hầm trú ẩn, nhà thông tin, hệ thống công sự chiến đấu, nhà của đội phòng thủ, hệ thống hầm bí mật, hố bom…Theo Ban quản lý di tích tỉnh, đến nay di tích Cái Ngang đón trên 200.000 lượt khách đến tham quan, bình quân mỗi năm có 18.000 lượt khách.

Nhân dịp Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia căn cứ Cái Ngang, chúng tôi may mắn được cùng với đoàn nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trở về thăm lại chiến trường xưa, được nghe các chú, các anh kể lại những quá khứ hào hùng của căn cứ Cái Ngang trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Ông Lữ Quang Ngời, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bắt tay, ân cần thăm hỏi ông Nguyễn Ký Ức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long

Hòa chung trong không khí phấn khởi đó, ông Nguyễn Ký Ức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, người trực tiếp sống và chiến đấu ở căn cứ Cái Ngang trong những năm chống Mỹ bày tỏ cảm xúc: "Căn cứ Cái Ngang không chỉ đơn thuần là nơi bảo vệ cơ quan đầu não của tỉnh, mà còn phục vụ tích cực cho việc tấn công chiến lược nhằm giải phóng thị xã Vĩnh Long…Hôm nay, căn cứ Cái Ngang được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia không chỉ là niềm phấn khởi của riêng bản thân tôi mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long".

Ông Lê Văn Tỷ, ngụ ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình nói: "Căn cứ Cái Ngang được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, tôi rất phấn khởi và tự hào".

Tự hào vì di tích căn cứ Cái Ngang vẫn ngày ngày làm "nhân chứng" lịch sử kể lại cho các thế hệ về cuộc đấu tranh anh dũng của quân và và dân Tam Bình nói riêng, tỉnh Vĩnh Long nói chung, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc. Song, đằng sau niềm tự hào là trách nhiệm to lớn của thế hệ trẻ phải ra sức giữ gìn và phát huy tốt giá trị của di tích để xứng đáng với những cống hiến của các bậc tiền nhân.

Ông Lữ Quang Ngời, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu: "Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục quy hoạch, xây dựng những hạng mục còn lại theo tinh thần Chỉ thị số 20 ngày 17/6/1998 của Tỉnh ủy Vĩnh Long như: nơi tưởng niệm liệt sĩ, nơi ghi ơn nhân dân, vườn cây ăn trái ĐBSCL thu nhỏ, công viên tuổi trẻ thế kỷ XXI, bến đua xuồng ghe…để tạo thành tuyến tham quan du lịch của địa phương gồm: căn cứ Cái Ngang, chùa Phước Hậu, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa…từng bước để nơi đây thành điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế cho huyện Tam Bình và cho cả tỉnh Vĩnh Long. Bên cạnh đó, ngành VHTTDL tiếp tục bổ sung, sưu tầm nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật, tổ chức trưng bày đảm bảo tính khoa học và thẩm mỹ. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên có chuyên môn tốt, phản ánh chân thật lịch sử để thu hút người xem. Các ngành, các cấp triển khai nhiều hoạt động để đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân có điều kiện tham quan, tìm hiểu di tích, từ đó giáo dục truyền thống cách mạng, vun bồi lý tưởng cao đẹp, hiểu biết về sự hy sinh của đồng bào chiến sĩ, để cảm nhận được ý nghĩa của hòa bình, độc lập và cuộc sống bình yên hôm nay; đồng thời, tu dưỡng rèn luyện, nỗ lực phấn đấu không ngừng để xứng đáng với sự hy sinh gian khổ của thế hệ cha anh đi trước và xứng đáng với niềm tin của nhân dân".

Related Post

Sample Plan