Vĩnh Long tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

03/07/2024 128 0

Theo Quyết định số 2998/QĐ-UBND ngày 03/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung xây dựng, phát triển 04 sản phẩm du lịch đặc thù, gồm du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề và du lịch văn hóa.

Kết quả triển khai trong 6 tháng đầu năm 2024

Du lịch homestay, đây là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các ngành và địa phương tích cực vận động các cơ sở homestay toàn tỉnh giữ vững chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại homestay thu hút du khách như nấu ăn, làm bánh, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê, thưởng thức đờn ca tài tử, đốt đuốc đi xem hát bội,… Ngoài ra, sản phẩm này dần dần lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh như thị xã Bình Minh, huyện Vũng Liêm, huyện Trà Ôn và gần đây là huyện Tam Bình và huyện Mang Thít, từng bước gia tăng trải nghiệm cho du khách tại các vùng quê trên địa bàn tỉnh.

Homestay đạt giải thưởng du lịch ASEAN năm 2023

Du lịch nông nghiệp được xác định là sản phẩm bổ trợ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở vườn trái cây trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện nghiêm niêm yết giá, đảm bảo chất lượng phục vụ như công bố. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát đánh giá tình hình triển khai hỗ trợ điểm giới thiệu sản phẩm OCOP như Nhà dừa Cocohome, Bến cảng hành khách Vĩnh Long, khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Việc triển khai trên nhằm góp phần gắn kết ngành nông nghiệp với du lịch, vừa đảm bảo tiêu chí phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, va đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của khách du lịch khi đến tham quan Vĩnh Long. Các địa phương quan tâm nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng chuẩn công nhận sản phẩm OCOP, từng bước hình thành sản phẩm quà tặng du lịch tại địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh có 159 sản phẩm (100 sản phẩm đạt 3 sao, 59 sản phẩm đạt 4 sao) với 98 chủ thể (28 hợp tác xã, 02 tổ hợp tác, 20 doanh nghiệp, 48 hộ sản xuất kinh doanh), đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 04 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao (sầu riêng Ri 6, sầu riêng sấy thăng hoa của Công ty TNHH Sáu Ri; khoai lang tím sấy, khoai lang vàng sấy của Công ty TNHH Đông Phát Food).

Cam sành Tam Bình, Bưởi 5 roi Bình Minh - đặc sản Vĩnh Long

Du lịch làng nghề được xác định là sản phẩm bổ trợ. Phối hợp khảo sát 05 làng nghề, nghề truyền thống được quảng bá gắn kết với du lịch và xây dựng nông thôn mới tại các huyện Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình và thị xã Bình Minh gồm Làng nghề truyền thống hoa kiểng - cây giống xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ; Làng nghề truyền thống sản xuất gạch, gốm xã Thanh Đức, huyện Long Hồ; Làng nghề làm bánh tráng nem Cù lao Mây xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn; Làng nghề bánh tráng giấy xã Tường Lộc, huyện Tam Bình; Nghề truyền thống sản xuất tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh gắn với phát triển du lịch nông thôn, qua đó nắm tình hình hoạt động, từng bước xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Gốm đỏ Vĩnh Long thích hợp làm quà tặng

Du lịch văn hóa là sản phẩm định hướng phát triển. Trong đó, tập trung quảng bá, giới thiệu câu chuyện điểm đến của các di tích độc bản tại Vĩnh Long trong hành trình tour du lịch. Xây dựng và tập trung hoàn thiện sản phẩm du lịch tuyến sông Long Hồ. Duy trì và tổ chức định kỳ các suất hát bội phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Tổ chức tốt hoạt động đờn ca tài tử phục vụ du khách tại các điểm đến khi du khách có nhu cầu thưởng thức. Phát động tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng tham gia chương trình du lịch nội địa “Người Vĩnh Long đi du lịch Vĩnh Long”, đặc biệt là tổ chức các chương trình du lịch về nguồn tham quan các di tích văn hóa lịch sử, tìm hiểu cuộc đời thân thế sự nghiệp của các danh nhân nổi bật của tỉnh. Chủ động phát triển du lịch văn hóa góp phần hình thành cơ sở nhận diện của các địa phương trong tỉnh. Cụ thể thị xã Bình Minh với nghề tàu hủ ky xã Mỹ Hòa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cũng là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch; huyện Vũng Liêm hình thành nhóm tài tử chuyên phục vụ các trích đoạn cải lương phục vụ du khách. Phối hợp đơn vị tư vấn du lịch hoàn thiện các nhóm sản phẩm, dịch vụ  khai thác di sản lễ  hội Đình làng và dịch vụ  du lịch cộng đồng chung quanh di tích Đình Bình Phụng gắn với khu mộ  thân tộc Thủ  tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; huyện Trà Ôn tổ chức định kỳ hoạt động Ngày hội làm bánh dân gian với quy mô hoạt động ngày càng lớn thu hút khách.

Văn Thánh Miếu – Điểm du lịch tiểu biểu Đồng bằng sông Cửu Long

Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên các địa phương chưa quan tâm tổ chức các sự kiện du lịch gắn với sản phẩm tiêu biểu, tạo thương hiệu đặc trưng. Thiếu các dự án du lịch quy mô; thiếu hoạt động, khu vui chơi giải trí về đêm mang nét đặc trưng thu hút khách. Trong định hướng du lịch của tỉnh đến năm 2025, ngoài cù lao An Bình thì tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển du lịch cho các vùng cù lao còn lại nhưng cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ. Dự báo tăng trưởng lượt khách và doanh thu trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng tình hình chung của suy thoái kinh tế thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp du lịch còn khó khăn trong việc xây dựng sản phẩm mới gắn với dịch vụ chất lượng cao phục vụ cho đối tượng khách du lịch có chi tiêu cao, khả năng cạnh tranh và mở rộng quy mô đầu tư còn hạn chế.

Định hướng thời gian tới

Một là, tập trung rà soát, hỗ trợ các homestay đủ điều kiện được công nhận điểm du lịch theo Luật Du lịch 2017 không ngừng nâng cao chất lượng loại hình du lịch chủ lực của tỉnh.

Hai là, tiếp tục triển khai giới thiệu trưng bày và bán sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại một số điểm du lịch phục vụ du khách (dự kiến Điểm du lịch Vinh Sang, Khách sạn Phước Thành IV, Khách sạn Sài Gòn – Vĩnh Long).

Ba là, xây dựng logo và slogan du lịch Vĩnh Long góp phần quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch địa phương so với khu vực, tạo dấu ấn nhận diện thương hiệu du lịch Vĩnh Long trên bản đồ du lịch cả nước.

Bốn là, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch theo kế hoạch đề ra trong năm 2024.

Năm là, tiếp tục tuyên truyền, triển khai Kế hoạch, Đề án, dự án đã ban hành phục vụ phát triển du lịch địa phương. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch, mời gọi các nhà đầu tư dự án khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, các địa phương quan tâm, rà soát xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm, kết nối sản phẩm du lịch với các địa phương lân cận hình thành tour, tuyến liên kết thu hút du khách.

Bảy là, tổ chức thành công sự kiện Festival gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 và các hoạt động hưởng ứng kích cầu du lịch.

Tóm lại, để thực hiện phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đạt hiệu quả, tỉnh cần tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và truyền thông về các sản phẩm du lịch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn kết công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững./.

Bài, ảnh: Nguyễn Dũng

Related Post

Sample Plan