Có gì bên trong “Vương quốc lò gạch” duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long được các nhiếp ảnh gia săn lùng

08/02/2024 667 0

Dạo gần đây, trên các trang mạng xã hội hình ảnh Làng nghề truyền thống làm gạch nung ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là nơi được nhiếp ảnh gia, các bạn trẻ yêu thích chụp ảnh lan tỏa trên các hội nhóm cảnh đẹp Việt Nam.

Nơi đây cũng là một trong những biểu tượng đậm đà bản sắc văn hóa của người dân đất phương Nam. Chính vì thế, nhiều cư dân mạng cũng tò mò về những gì diễn ra bên trong làng nghề gạch nung được cho là còn sót lại duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cùng theo chân Tạp chí Vietnam Travel trải nghiệm hoạt động về dây chuyền sản xuất gạch nung tại huyện Mang Thít - tỉnh Vĩnh Long.

Đi từ TP. Hồ Chí Minh qua cầu Mỹ Thuận xuôi về trung tâm thành phố Vĩnh Long, men theo con sông Cổ Chiên về huyện Mang Thít, có một làng gạch, gốm trải dài hơn 30km dọc theo dòng chảy của sông Mang Thít, sông Cổ Chiên và rạch Thầy Cai. Nơi đây, không biết từ bao giờ, được người dân gọi bằng những cái tên “Vương quốc gạch, gốm”, “Vương quốc gốm đỏ”, “Vương quốc lò gạch”.

Gạch, gốm Mang Thít có tiếng về chất lượng cũng như mẫu mã phong phú, có nét riêng nhờ nguồn đất sét đặc biệt và nét tinh hoa được hình thành từ tri thức dân gian của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Sản phẩm chủ yếu là các loại gạch ống, gạch tiểu, ngói âm dương và các loại đồ gốm trang trí sân vườn, nội thất được xuất khẩu đi nhiều nơi, nhất là Đài Loan (Trung Quốc).

Làng gạch nung Mang Thít được chụp từ trên cao bên dòng sông Cổ Chiên hiền hòa. 

Hiện tại, “Vương quốc lò gạch” ở tỉnh Vĩnh Long có hơn 500 lò gạch san sát nhau nằm cạnh bờ sông. Đây cũng là nơi duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long còn lưu giữ làng nghề truyền thống này. Những miệng lò được xây dựng từ hàng ngàn viên gạch thẻ, có lò tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Dưới cái nắng dịu nhẹ của mùa xuân, từng mái lò, từng hàng gạch xếp chồng lên nhau toả sắc cam, hồng rực rỡ.

Vào những năm 1940, nghề “nặn bùn đốt đất” này đã có ở Mang Thít. Không ai còn nhớ cụ thể thời điểm thuở ban đầu những lò gạch gốm này hình thành.

Những nghệ nhân lão làng nơi đây chỉ còn nhớ làng nghề xuất phát từ một nhóm người Hoa, lúc ấy nơi đây có từ 4 đến 5 hộ mở lò, sản xuất. Dần dà, người dân trong vùng thấy tiềm năng kinh tế của ngành gạch nung, bắt đầu học nghề lẫn nhau, đắp lò làm gạch. Đời ông truyền lại đời cha, đời cha lại nối nghiệp cho đời con. Cứ như vậy, lâu dần hình thành một làng nghề sầm uất ở vùng đất Mang Thít.

Các lò gạch truyền thống và hiện đại đang hoạt động ở rạch Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Một số công đoạn như đổ khung, cắt gạch, phơi khô và vận chuyển vào lò nung được các thợ gạch nhịp nhàng thực hiện để tạo ra thành phẩm cuối cùng.

Hiện tại thành phố Vĩnh Long đang thực hiện "Đề án Di sản đương đại Mang Thít" sẽ góp phần bảo vệ, tôn tạo làng nghề và đánh thức tiềm năng lịch sử, văn hóa bản địa sẵn có. Nơi đây sẽ được khoác lên chiếc áo mới, làm tăng giá trị của “Vương quốc lò gạch” Mang Thít.

Những công đoạn trong dây chuyền sản xuất viên gạch nung đỏ ở làng gạch nung Mang Thít.

“Vương quốc lò gạch” với quần thể hàng trăm lò nung cao từ 5 - 12m, có hình tháp tròn đặc sắc sẽ là sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách đến tham quan Vĩnh Long nói chung và huyện Mang Thít nói riêng. Những chiếc lò nung sừng sững qua bao năm tháng, giờ đã phủ đầy rêu phong mang đậm vẻ hoài cổ sẽ níu chân du khách khi đến với “Vương quốc gạch, gốm” nằm bên khung cảnh hữu tình, bình yên của dòng sông Cổ Chiên.

Theo dòng chảy thời gian, nhiều làng nghề trăm năm vẫn sừng sững lưu truyền qua bao thế hệ. Một số làng nghề được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, điển hình: Nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu và nghề cốm Mễ Trì (Hà Nội); Nghề chạm bạc của người Nùng (Hà Giang); nghề mộc Kim Bồng và nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam); nghề làm nón lá Sai Nga (Phú Thọ); nghề dệt chiếu (Đồng Tháp); nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè, Trà Đông (Thanh Hóa); nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi (Thừa Thiên - Huế).

Bên cạnh đó, còn có những làng nghề lâu năm, mang nét đặc trưng văn hoá của cộng đồng, khu vực, được địa phương đặc biệt quan tâm như làng nhang Lê Minh Xuân (TP.HCM), làng đúc lư đồng An Hội (TP.HCM), làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) và “Vương quốc lò gạch” Mang Thít (Vĩnh Long).

 Bài viết: Ngân Trần - Ảnh: Nguyễn Long Hưng, Nguyễn Trung

Sưu tầm: https://vntravel.org.vn/co-gi-ben-trong-vuong-quoc-lo-gach-duy-nhat-cua-dong-bang-song-cuu-long-duoc-cac-nhiep-anh-gia-san-lung-a3224.html

Related Post

Sample Plan