Du Xuân sông nước miệt vườn Vĩnh Long

10/01/2023 1568 0

Nói đến Vĩnh Long du khách thường nghĩ đến Long Hồ dinh, nơi đó có 2 nhánh sông của con sông huyền thoại Mekong, nổi tiếng sông nước miệt vườn miền Tây. Xuân về du thuyền trên sông Tiền, sông Hậu, dừng chân nơi các cù lao cây lành trái ngọt của Vĩnh Long còn thú vị nào hơn…

Hai dòng sông đã mang phù sa vun đắp ruộng vườn tươi tốt, cây lành trái ngọt, bốn mùa trĩu quả, hấp dẫn khách du lịch. Xuân đến du thuyền tham quan trải nghiệm khám phá miệt vườn sông nước và những làng nghể truyền thống ít nơi nào có được. Du khách cảm nhận được gió xuân miên man trên những dòng  sông Tiền, sông Hậu mát rượi. Đến Vĩnh Long, du khách có thể ghé qua cù An Bình để trải nghiệm xứ sở miệt vườn Vĩnh Long, đã tiên phong phát triển sản phẩm du lịch miệt vườn sông nước miền Tây từ 30 năm trước, là điểm đến miệt vườn sông nước một thời nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long, với những vườn du lịch Sáu Giáo, Tám Hổ, Mười Hưởng, nhà cổ Cai Cường…Không ít du khách nước ngoài mê say kiểng cổ, bonsai… cùng các lão nông tri điền nơi đây. Theo nhịp thời gian, các thế hệ con cháu của các bậc lão nông tri điền tiếp bước thế hệ cha ông của mình, dồn sức người, sức của đầu tư xây dựng phát triển du lịch xứ cù lao An Bình bài bản hơn để đáp ứng nhu cầu du khách và du khách đến ngày càng nhiều hơn. Trước đây, du khách thường đến nhà vườn tham quan, đạp xe trên đường làng rợp mát bóng cây vòng quanh cù lao thưởng thức trái cây, xem cây kiểng… trải nghiệm, ăn uống, nghỉ dưỡng.

Bây giờ, du khách có thể tham quan thưởng thức vườn cây ăn trái, có thể ăn “bụng” chôm chôm (ăn chôm chôm đến khi đầy bụng), làng nghề làm bánh kẹo, hay tát mương bắt cá, làm vườn, câu cá, chế biến món ăn, trải nghiệm làm bánh dân gian, đốt đuốc lá dừa đi xem hát bội như thời xa xưa- của Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Đồng Thinh,, đã trải qua hơn 100 thăng trầm, từng được mời đi biểu diễn tại Mỹ và gây tiếng vang lớn cho hát bội Việt Nam tại Lễ hội Smithsonian năm 2007, với chủ đề “Mekong-Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức tại Washington, đờn ca tài tử, thưởng thức những đặc sản miệt vườn sông nước Cửu Long như cá lóc nướng trui, cá tai tượng chiên xù cuộn bánh tráng cùng rau thơm hương đồng nội, canh chua cá, cá rô kho tộ, tôm càng kho tàu…

Hay xuôi theo dòng sông sông Hậu, du khách đến cù lao Mây khám phá trải nghiệm làng nghề bánh tránh hơn 100 năm vào mùa bánh Tết. Làng bánh tráng cù lao Mây nhộn nhịp, người pha bột, người tráng, phơi bánh…Đây là đặc sản nổi tiếng của cù lao Mây. Bánh tráng cù lao Mây có nhiều loại như: bánh tráng nem, bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng, bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng thanh long, bánh tráng ớt… Bánh tráng nướng cù lao Mây nướng ăn béo giòn, thơm ngon, còn bánh tráng nem vừa ăn không mặn và dẻo dùng để cuốn tôm, cá, thịt... ăn không thể chê được. Sẵn có nguồn cá tôm sông Hậu nhất là tôm lóng hấp, cùng với thịt ba chỉ luộc hay cá tai tượng chiên xù với nhiều loại rau thơm có sẵn trong vườn gói bánh tráng nem chấm nước mắm chua hay nước nắm me thì ăn quên no. Để làm được sản vật nổi tiếng thơm ngon, nghệ nhân làm bánh tráng cù lao Mây đã khéo léo chọn gạo, xay bột đến khâu tẻ nước và nêm nếm gia vị vừa đủ để bánh dẻo, vừa ăn. Bây giờ, bánh tráng cù lao Mây nổi tiếng được người tiêu dùng rất ưa chuộng và có mặt nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hàng năm, cù lao Mây cung cấp hơn nửa triệu bánh tráng các loại cho mọi miền đất nước. Hiện nay, ngành Du lịch Vĩnh Long đang triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng Làng du lịch cộng đồng cù lao Mây để du lịch nơi đây phát triển xứng tầm với lợi thế tiềm năng, trở thành điểm đến mới hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, cho biết: Du lịch Vĩnh Long đang hướng đến mục tiêu “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực tập trưng: Xây dựng 04 sản phẩm du lịch đặc thù theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt (Du lịch homestay, Du lịch Nông nghiệp, Du lịch Làng nghề, Du lịch Văn hóa). Trong đó, có 02 sản phẩm trọng điểm tập trung xây dựng là sản phẩm du lịch: “Vương quốc lò gạch” ở huyện Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL; đồng thời phát huy di tích Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu. Nghiên cứu xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng cù lao trên địa bàn tỉnh (cù lao An Bình, cù lao Mây, cù lao Dài); bổ sung các sản phẩm gắn liền với các dịch vụ giúp tăng nguồn thu từ du lịch như mua sắm, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật như sản phẩm “Về Vĩnh Long đốt đuốc lá dừa đi xem Hát Bội”, nghệ thuật đờn ca tài tử...

Quy hoạch lại cụm tuyến du lịch trong Đề án cơ cấu lại ngành du lịch, như: Tuyến nội tỉnh, nổi bật tuyến du lịch sông Tiền “Vĩnh Long – Long Hồ - Mang Thít - Vũng Liêm” với các điểm đến như cù lao An Bình, Di sản đương đại Mang Thít, cù lao Dài, Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL, Hồ Vũng Linh, chùa Hạnh Phúc Tăng. Đồng thời, kết nối với nguồn khách xuất phát từ hướng TP. Cần Thơ đối với tuyến du lịch sông Hậu theo hướng kết hợp du lịch sinh thái với tham quan các di tích, di sản văn hoá phi vật thể với các điểm đến như Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, chùa Phước Hậu, Tàu hũ ky Mỹ Hòa/Bánh tráng cù lao Mây/Bánh tráng giấy Tường Lộc. Du lịch đường bộ của tuyền này với điểm đón trục chính thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến liên tỉnh liên kết từ gần đến xa, độ dài hành trình từ 3 - 5 ngày qua các tỉnh, thành: TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được tổ chức năm 2022, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Vĩnh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Với mong muốn du lịch Vĩnh Long phát triển bền vững trên nền tảng sẵn có, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch, khai thác hợp lý tiềm năng gắn với sự phát triển bền vững để du lịch Vĩnh Long thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà…”

Bài, ảnh: Huỳnh Biển

Related Post

Sample Plan