Khu Tưởng niệm CTHĐBT Phạm Hùng - Điểm tham quan, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

06/06/2022 2485 0

Được mệnh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng, cần cù trong lao động, anh dũng trong chiến đấu. Người dân đất “Vĩnh” rất tự hào là nơi sinh ra những người con ưu tú đã làm rạng danh đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế như: CTHĐBT Phạm Hùng, TTCP Võ Văn Kiệt, GS,VS Trần Đại Nghĩa.

: Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Vĩnh Long đến dâng hoa, dâng hương CTHĐBT Phạm Hùng.

          Đồng chí Phạm Hùng tên thật là Nguyễn Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, mất ngày 10/3/1988 (nhằm ngày 23/1 âm lịch) tại làng Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Trong quá trình hoạt động cách mạng đồng chí Phạm Hùng chiến đấu kiên cường, bất khuất, luôn vượt qua những khó khăn gian khổ (ở tù tổng cộng 33 năm, bị đày đi Côn Đảo 14 năm, bị kết án tử hình lúc 19 tuổi). Đồng chí Phạm Hùng từng được Đảng, Nhà nước phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Trung ương cục miền Nam (1967-1975); Bộ trưởng Bộ Nội vụ (2/1980); CTHĐBT (1987-1988).

          Để tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí Phạm Hùng, tỉnh Vĩnh Long khởi công xây dựng Khu Tưởng niệm CTHĐBT Phạm Hùng vào ngày 02/10/2000 (nằm cạnh Quốc lộ 53,  ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) và khánh thành ngày 11/6/2004 nhân dịp 92 năm ngày sinh của đồng chí. Khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng với tổng diện tích 3,2 ha, gồm các hạng mục chính: Nhà lễ tân (300m2), nơi đón tiếp khách đến tham quan; Nhà tưởng niệm (1.050m2), nơi thắp hương; Nhà trưng bày (670m2), nơi trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật chuyên đề Thân thế và sự nghiệp của CTHĐBT Phạm Hùng. Ngoài ra, còn có 03 hạng mục ngoài trời được phục chế theo tỷ lệ 1/1, gồm: Phòng biệt giam đồng chí Phạm Hùng tại Côn Đảo từ 1934 đến 1945; ngôi nhà làm việc của đồng chí Phạm Hùng tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh) từ 1967 đến 30/4/1975 và căn phòng làm việc của đồng chí Phạm Hùng tại số 72 Phan Đình Phùng - Hà Nội từ năm 1958 đến năm 1967 và từ năm 1978 đến năm 1988.

          Năm 2012, Khu Tưởng niệm CTHĐBT Phạm Hùng được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia; năm 2015, Hiệp Hội du lịch ĐBSCL công nhận khu tưởng niệm là điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL. Đây đã trở thành điểm đến tham quan, địa chỉ đỏ giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho Nhân dân và thế hệ trẻ trên mọi miền Tổ quốc. 

          Trong những năm qua, Khu Tưởng niệm CTHĐBT Phạm Hùng đã đón nhiều lượt khách là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành Trung ương; cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang tham gia như: hành trình về nguồn; tổ chức dâng hương, dân hoa, báo công nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất đồng chí Phạm Hùng và các ngày lễ lớn của đất nước; tổ chức cho thanh, thiếu nhi tham gia ngoại khóa, học tập, tham quan, tìm hiểu thực tế, kết nạp đảng, đoàn viên, hội viên và các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, trồng cây lưu niệm.

          Chị Trần Ngọc Bích - Quận 7, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Mỗi lần về Vĩnh Long tôi thường dẫn các con đi tham quan ở các khu di tích. Khu Tưởng niệm CTHĐBT Phạm Hùng tôi thấy cách bày trí kỷ vật, tài liệu, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí rất chuyên nghiệp, hiện đại. Tôi rất xúc động, cảm kích, khâm phục và bày tỏa tấm lòng thành kích sâu sắc trước ý chí, nghị lực phi thường của CTHĐBT Phạm Hùng trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

           Có dịp về với Vĩnh Long, dừng chân tại Khu Tưởng niệm CTHĐBT Phạm Hùng để tham quan, thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ đồng chí Phạm Hùng, người con ưu tú của đất nước Việt Nam, trong mỗi chúng ta sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng, không khí trang trọng, thành kính, ấp áp đối với sự hy sinh cao cả, thầm lặng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tư do cho dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp của đồng chí Phạm Hùng.

Bài, ảnh: N. Thoại

Related Post

Sample Plan