Đan rổ, đan rế là một nghề truyền thống của nhiều vùng quê Việt Nam. Nghề này đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng, sự khéo léo và sáng tạo để biến những nguyên liệu tự nhiên như tre, trúc, mây,… thành những sản phẩm đa dạng và hữu ích. Đan rổ, đan rế không chỉ là một nghề tạo ra thu nhập cho người dân mà còn là một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
Nằm bên bờ sông Long Hồ, xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là xóm nghề đan đát rổ, rế từ tre trúc. Đây là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời của người dân nơi đây. Nhờ sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay của người thợ, những chiếc rổ, rế từ tre trúc đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng sông nước miền Tây.
Rổ và rế được đan thành phẩm
Nghề đan rổ, đan rế ở Vĩnh Long đã có từ rất lâu đời. Người Vĩnh Long dùng tre, trúc để đan thành các vật dụng như rổ, rế,thúng, xịa..… để chứa đựng lương thực, dụng cụ… sinh hoạt hàng ngày. Nghề đan rổ, đan rế đã gắn bó với cuộc sống của người Vĩnh Long qua nhiều thế hệ, được duy trì và nhờ vào nguồn nguyên liệu tự nhiên có tại địa phương hay các huyện lận cận.
Để làm ra một sản phẩm rổ, rế, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên là chọn và chế biến nguyên liệu. Người ta thường chọn loại tre già dài lóng hoặc trúc để làm nan. Nan được chẻ ra từ thân tre hoặc trúc và được vót cho mỏng. Tiếp theo là sắp xếp những nan đầu tiên với nhau theo một lề lối riêng để tạo thành đường nét căn bản của sản phẩm. Đan là gài các nan với nhau theo một nguyên tắc chồng chéo trên dưới để cho chúng tự giữ chặt với nhau. Có nhiều cách đan, nhưng thông dụng nhất vẫn là đan long một, đan long hai,…. Cuối cùng là đát và lận.
Đan rế
Để đan được một chiếc rổ, rế đẹp, đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, khéo léo và kinh nghiệm. Các nan tre, nan trúc cần được đan chặt chẽ, chắc chắn nhưng không được quá cứng, để chiếc rổ, rế có độ đàn hồi tốt. Các hoa văn đan trên rổ, rế cũng cần được thực hiện một cách tinh xảo, hài hòa.
Nghề đan rổ, rế đã góp phần mang lại nguồn thu nhập cho người dân xã Hòa Tịnh. Những chiếc rổ, rế được bày bán khắp nơi, từ các chợ quê đến các cửa hàng lưu niệm, không chỉ được sử dụng trong đời sống hàng ngày, mà còn được dùng để trang trí nhà cửa, tạo nên một không gian mang đậm nét văn hóa dân gian và đây là một nghề truyền thống có giá trị văn hóa cao, cần được bảo tồn và phát triển.
Những sản phẩm được tạo ra từ những ngón tay khéo léo của người thợ đan mang lại sự đẹp mắt và chất lượng cao. Ngoài ra, nghề đan rổ và đan rế cũng đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của người Việt Nam./.
Bài, ảnh: Yêm Nguyễn