VỀ THĂM DI TÍCH LĂNG ÔNG VÀO NHỮNG NGÀY ĐẦU XUÂN

09/01/2024 359 0

Cứ mỗi độ xuân về, lòng tôi lại nôn nao chờ đến ngày mùng 3 Tết để được về thăm Lăng ông. Đây là lễ giỗ của ông Nguyễn Văn Tồn, người đã phò trợ Chúa Nguyễn và có công lớn trong việc khai khẩn vùng đất Trà Ôn, Cầu Kè, tạo được sự gắn kết giữa các cộng đồng ba dân tộc: Kinh - Hoa - Khmer. Ngoài ra, ông còn góp phần ngăn chặn được sự xâm lấn của Xiêm La. Trong quá trình khẩn hoang, ông đã cùng các tướng sĩ đào, vét kênh Vĩnh Tế nên được chúa Nguyễn phong chức Điều Bát và được mang Quốc thích họ Nguyễn - Nguyễn Văn Tồn. Khi mất, ông được truy tặng là “Tiền Quân Thống Chế Điều Bát”.  Chức danh này có nghĩa là vị quan thống quản các đội quân tiên phong trong đó có thể vừa là bộ binh cũng có thể vừa là thủy binh. 

Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn tên thật là Thạch Duồng, quý danh là Duyên, sinh năm 1763 và mất năm 1820, là người làng Nguyệt Lãng, huyện Vĩnh Bình (nay là xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh). Ông là người Khmer, tướng mạo khôi ngô, tính tình chất phác. Người dân trong vùng thường gọi ông là Tà Duồng – kiểu danh xưng để bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc.

Lăng ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn

Năm 1820, sau khi ông mất người dân địa phương đã chôn cất và xây dựng lăng mộ cho ông tại ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Mãi đến đầu thế kỷ XX, cư dân nơi đây sau nhiều lần trùng tu miếu mộ và thành lập hội “Mỹ Thanh” để lo việc hương hỏa cho vị công thần này.

Lễ giỗ của ông được tổ chức long trọng hàng năm vào hai ngày mùng 3 và mùng 4 tháng giêng. Vào những ngày này cộng đồng dân cư của 3 dân tộc Kinh -  Hoa -  Khmer ở huyện Trà Ôn về đây cùng nhau trực tiếp thực hiện và tổ chức các nghi lễ truyền thống, thu hút rất nhiều người dân trong huyện cũng như các vùng lân cận như Mang thít (Vĩnh Long), Cầu Kè, Càng Long (Trà Vinh), … tham gia. Lễ giỗ của ông có đầy đủ các nghi thức cúng tế truyền thống như: Túc Yết, Chánh Tế, lễ tế Tiền Hiền, Hậu Hiền, xây chầu và hát bội… Ngoài ra, còn có các tiết mục trình diễn nhạc lễ của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer.

 Lễ Túc Yết

Nghi thức tấu trình nhạc lễ hầu đức Ông của dân tộc Khmer

Tấu nhạc tùa lầu cấu của người Hoa

Trình diễn hát bội tại Lăng ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn ( nghệ thuật hát bội của người Kinh)

Cùng với các lễ tế, trình diễn nhạc lễ, lễ giỗ của ông  còn có có các trò chơi dân gian vui nhộn, cùng với các hoạt động thi đấu thể thao hiện đại đem đến cho lễ hội một không gian vừa mang tính truyền thống, vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại như: Thi đấu bóng chuyền, các trò chơi dân gian gồm: kéo co, nhảy bao bố, đập niêu, thổi bong bóng…. Bên cạnh đó, hội thi múa lân cũng được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội, chương trình biểu diễn văn nghệ cũng được diễn ra tại di tích...

Lễ hội Lăng ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn là một lễ hội mang đậm những nét đặc sắc của các lễ hội đình miếu Nam Bộ. Ngoài ý nghĩa là thờ cúng, tưởng nhớ công ơn của tiền nhân, đây còn là dịp để nhân dân trong vùng đến vui chơi trong những ngày Tết và cúng tế, cầu cho mùa màng tươi tốt, quê hương được bình an.

Đến với lễ hội, ngoài việc chiêm bái nghi thức cúng tế, tham dự lễ hội dân gian, mọi người còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp của một quần thể di tích lịch sử văn hoá cổ kính, hấp dẫn. Cùng với đó, lễ hội lăng Ông cũng là một thành tố quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, phản ánh phong tục, tập quán và tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, trở thành một “điểm hẹn đầu xuân”, một địa chỉ văn hóa đặc sắc tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long./.

Bài, ảnh:  Tuyết Lam

Related Post

Sample Plan