Dung dị ốc đắng gói dừa

27/05/2020 27/05/2020 72 0

Cuối tuần, gia đình tôi rong ruổi xe máy, vượt sông Cổ Chiên mênh mông sóng nước trên phà Đình Khao về thăm ông bà Nội bên cù lao thuộc xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Lần nào cũng vậy, hay tin chúng tôi về là ông, bà chuẩn bị nhiều thức ăn ngon để thếch đãi, bồi bổ chúng tôi sau một tuần làm việc vất vả. Tuần này cũng vậy, nhưng kèm với đó là món ốc đắng luộc gói lá cách với dừa gám- món ăn tuy đơn giản, dân dã nhưng đã gắn bó một thời với tuổi thơ tôi.

Ốc đắng là loài thủy sản nước ngọt, được phân bố phổ biến ở các ao, hồ, sông, rạch, mương vườn, đồng ruộng miền Tây Nam bộ. Còn nhớ, hồi nhỏ muốn bắt ốc đắng, chúng tôi chỉ cần một rổ thưa làm bằng tre và mang theo một cái thau vừa đủ lớn, nhảy ùm xuống mấy con mương sau nhà, đứa thì mò 2 bên mé mương, đứa thì dùng rổ tre vớt ốc đeo dưới những giề lục bình, hoặc cào dưới bùn, khoảng hơn giờ đồng hồ là có ốc ăn. Đứa nào đứa nấy mình mẩy ướt mem như con chuột lột, quần áo dính đầy bùn đất, mặt mày bị rám nắng nhưng không hề biết mệt, miệng luôn cười hí hửng, cùng nhau bưng thau ốc chạy ù vô nhà khoe với người lớn thành quả lao động của mình.

Ốc đắng- loài thủy sản nước ngọt của người dân quê tôi

Tuổi thơ hồn nhiên là vậy! Lớn hơn chút xíu, nhờ ba, má và người lớn chỉ dạy, có kinh nghiệm chúng tôi không cần phải xuống mương lặn hụp mò ốc như lúc nhỏ nữa. Mỗi khi muốn bắt ốc đắng, trước đó một hôm, chúng tôi ra vườn chặt một bẹ tàu dừa, hay một cây chuối đã đốn lấy buồng, quăng xuống mương ngâm một đêm, sáng hôm sau chỉ cần kéo bẹ tàu dừa hay cây chuối vô bờ là chúng tôi có thể thu hoạch ốc một cách dễ dàng.

Má tôi nói: “Ốc đắng là món ăn dân dã của người nông dân, cùng với cá đồng, tép rong mùa nước nổi, ốc đắng cũng góp phần làm phong phú bữa ăn cho người dân quê mình đó con!”. Đó là những món: ốc đắng luộc lá ổi chấm nước mắm sả ớt, ốc đắng trộn gỏi, ốc đắng xào/kho sả ớt…nhưng với tôi, ốc đắng luộc gói lá cách với dừa gám luôn làm cho tôi nhớ đến hương vị đồng quê nhất.

Tuy là món dân dã, nhưng để có món ốc đắng luộc gói lá cách với dừa gám cũng thật…lắm công phu. Ốc đắng mới bắt, thân còn đóng nhiều rong rêu, miệng ốc còn ngậm nhiều bùn đất, vì vậy chúng ta phải ngâm ốc đắng một thời gian mới chế biến được. Kinh nghiệm của người xưa, thường lấy nước vo gạo hoặc xắt vài trái ớt hiểm hay ớt sừng trâu bỏ vô ngâm độ chừng 25- 30 phút là ốc nhả hết rong, rêu, bùn đất. Trong thời gian ngâm ốc, chúng tôi chạy ra ngoài vườn hái trái dừa gám, bởi má tôi bảo: “Con đừng hái dừa khô, vì dừa khô cái dừa cũng khô theo, không còn chất ngọt; cũng không hái dừa nạo sẽ không nạo được cái dừa, mà phải lựa hái trái dừa vừa gám, chỉ như vậy mới nạo được cái dừa, khi đó cái dừa chưa khô đi, còn giữ được chất ngọt, ăn mới ngon”. Đứa thì đi hái lá cách và các loại rau ăn kèm: rau thơm, rau quế, hún lủi, rau diếp cá.

Dừa nạo xong, rau được rửa sạch, cũng là lúc ốc đắng đã nhả hết bùn đất. Chúng tôi rửa lại vài lần nước nữa cho ốc thật sạch, sau đó mang vào bỏ vô nồi nước, thêm vài lá ổi cho bán mùi tanh của ốc, thêm chút muối, chút bột ngọt cho ốc càng thêm đậm đà, bắt lên bếp luộc. Nước sôi lên, chúng ta sốc nồi ốc vài bận cho ốc chín đều, khi ốc bung mài là có thể nhắc xuống, đổ ra rổ, khói bốc lên nghi ngút, mùi ốc thơm phưng phức xộc thẳng vào lỗ mũi làm tôi không kềm được cơn thèm.

Chờ cho ốc nguội, chúng tôi dùng tăm hoặc chuốt cọng lá dừa cắt nhọn, ngồi chụm đầu lể lấy thịt ốc cho ra dĩa. Sau đó, lấy lá cách đặt lên miệng chén, múc một muỗng dừa gám đã nạo sẵn để lên lá cách, cho thêm ít rau thơm, lá quế, hún lũi, rau diếp cá đã chuẩn bị, gắp vài con ốc đặt lên và cuốn lá cách lại cho vừa tay cầm, chấm vào chén nước mấm tỏi ớt đưa vào miệng nhay. Vị cay cay của ớt, vị mằn mặn của nước mắm, vị chua chua của chanh hòa quyện với hương thơm, ngọt, đắng của ốc, vị béo béo của dừa, bùi bùi của lá cách và rau sống tạo cho chúng ta cảm giác lâng lâng nơi đầu lưỡi, ngây ngất, ngon lành khó cưỡng lại được.

Ốc đắng gói lá cách với dừa gám đậm đà hương vị miền quê

Ngày nay, mấy đứa chúng tôi đã lớn, đứa nào cũng lập gia đình, có công ăn việc làm riêng; miếng vườn, thửa ruộng ngày càng được nông dân canh tác, chăm sóc theo phương thức, kỹ thuật hiện đại; đồng thời ốc đắng cũng được người dân vớt bán cho các hàng quán, nhà hàng phục vụ thực khách nhiều hơn, nhằm cải thiện kinh tế gia đình, nên ốc đắng dần dà cũng ít đi, do đó chúng tôi cũng ít tụ tập lại để tận hưởng hương vị miền quê như trước đây. Món ốc đắng luộc gói lá cách với dừa gám vẫn còn đó, nhưng chúng bạn giờ mỗi đứa một nơi, nhâm nhi vài ly đế nhắc lại chuyện một thời cắm câu, bắt ốc, hái rau chỉ còn là câu chuyện của ngày xửa ngày xưa!

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Map