VỀ THĂM CĂN CỨ CÁI NGANG

12/06/2024

Một ngày cuối năm, chúng tôi về thăm Cái Ngang. Từ Quốc lộ 1A rẽ vào xã Phú Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), theo con đường nhựa nhỏ, hai bên là những cánh đồng lúa xanh mướt, những khu vườn sum sê hoa trái, Trong gió, trong mây của vùng đất kiên trung một thời bom đạn này như đang phảng phất đâu đây hào khí oai linh dấu xưa còn lưu giữ lại, thiêng liêng lạ thường.

Cái Ngang là tên gọi của một dòng sông chảy qua vùng đất thuộc 4 xã Hậu lộc-Mỹ Lộc-Tân Lộc-Phú Lộc, huyện Tam Bình. Nơi đây lưu giữ lại một thời hào hùng với nhiều chiến công oanh liệt của quân dân Vĩnh Long anh dũng. Về Cái Ngang chúng ta không chỉ để hoài niệm về quá khứ đấu tranh khốc liệt, nhưng đầy vẻ vang của quân và dân Vĩnh Long; được đánh đổi bằng xương, bằng máu, bằng khát khao độc lập tự do của ông cha ta. Không chỉ để hiểu biết về lịch sử của quê hương Cái Ngang hay là một niềm vui của một chuyến hành trình... Mà còn tìm về trong sự  phát triển và đổi mới đầy tự hào của vùng đất này.

Xưa, vùng đất Cái Ngang có địa thế hiểm trở, rất thuận lợi cho việc xây dựng khu căn cứ; đồng thời là địa bàn vừa tấn công và phòng thủ rất vững chắc. Từ đầu năm 1949, Cái Ngang trở thành căn cứ chiến lược quan trọng của Vĩnh Long, là nơi lãnh đạo, tiếp nhận chỉ thị, quân nhu, thuốc men, hàng hóa từ Sài Gòn- Chợ Lớn về phân phối lại cho các tỉnh miền Tây.

Năm 1966 Tỉnh ủy Vĩnh Long đã quyết định chọn vùng đất Cái Ngang làm khu căn cứ để lãnh đạo quân và dân tỉnh Vĩnh Long kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây Tỉnh ủy Vĩnh Long ra quyết sách, chỉ huy tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tổng công kích và tổng khởi nghĩa thắng lợi trong chiến dịch HCM lịch sử ngày 30/4/1975.

Di tích cách mạng Cái Ngang - căn cứ của Tỉnh ủy Vĩnh Long qua nhiều thời kỳ, nơi lưu giữ lại những ký ức của ông cha ta trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Du khách đến di tích Cái Ngang, là một công trình lịch sử văn hóa, đánh dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng trong chống Mỹ cứu nước của quân và dân Vĩnh Long.

Khu căn cứ cách mạng Cái Ngang được khởi công phục dựng vào ngày 23/10/2002, khánh thành và đưa vào hoạt động 9/8/2003. Về tổng thể, toàn bộ khu di tích Cái Ngang có diện tích là 10,3 ha gồm hai phần: phía ngoài là ruộng lúa và bên trong là vườn cây. Khu di tích có nhiều hạng mục được tái tạo, phục chế như hội trường, nhà ăn, trạm gác, nhà thông tin..., cùng hệ thống hầm hào công sự, hầm bí mật, hố bom, hầm chông, bãi lửa...Và có trên 1.500 tư liệu, hiện vật được sưu tầm phục vụ trưng bày, giới thiệu khách tham quan.

Du khách đến khu di tích Căn cứ Cái Ngang sẽ được xem lại những vật dụng, vũ khí thô sơ, những loại chông, mìn … tự tạo, được sử dụng để làm nên những chiến công anh dũng.

Sau khi tham quan phòng trưng bày, du khách tiếp tục đi trong vườn cây mát dịu, băng qua những chiếc cầu bắc qua khe, qua rạch, đặt chân trên những lối mòn còn in đậm dấu chân của những người chiến sỹ năm nào. Tận mắt thấy những hố bom, hầm trú ẩn mới thấm thía những mất mát đau thương, sự chịu đựng kiên cường của những người cộng sản chân quê đã làm nên đại thắng hôm nay.

Những “bãi lửa”, công sự, hố bom, nhà bếp, hầm bí mật, trảng xê, chốt bảo vệ, nhà thông tin…những công trình được che phủ dưới những bụi tre cao vút, những cây tra, đủng đỉnh, gừa, gõ nước xanh um, vẫn đứng sừng sững như chứng nhân cho lịch sử. Du khách sẽ bất ngờ khi chứng kiến những cây cầu chông, hầm phảng được ngụy trang khéo léo để ngăn chặn bước tiến của địch tấn công vào cơ quan đầu não của Tỉnh ủy…Ngoài ra nơi này còn có hầm công sự, hầm trú ẩn, nơi họp hội, học tập và làm việc của lãnh đạo tỉnh ủy Vĩnh Long xưa.

Ngày 28/10/2016 Khu Căn cứ Cái Ngang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Hiện nay, di tích Cái Ngang được chọn làm nơi tổ chức về nguồn của các cơ quan, đơn vị, là nơi ôn lại truyền thống cách mạng của cha ông chúng ta, nơi sinh hoạt văn nghệ, cắm trại của học sinh, sinh viên,…

Theo dòng chảy của thời gian, vùng đất Cái Ngang đã khép lại quá khứ đau thương mất mát của chiến tranh, để khoác lên chiếc áo mới như hôm nay. Nếu du khách là người thích khám phá, tìm hiểu lịch sử, thì xin mời về vùng đất Cái Ngang anh hùng, ghé thăm Khu di tích Căn cứ Cái Ngang để tìm lại dấu xưa của một thời quá khứ hào hùng với nhiều chiến công oanh liệt của quân dân Vĩnh Long anh dũng!

Nguyễn Quốc

Food

Attractions