Những khó khăn đặt ra và một số giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch Vĩnh Long trong thời gian tới

18/06/2024

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 lần thứ 4 trên phạm vi cả nước đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Du lịch Vĩnh Long đã và đang gặp không ít khó khăn, cụ thể:

Ảnh hưởng nghiêm trọng về lượng khách và doanh thu, tỷ trọng du lịch đóng góp GRDP cho tỉnh. Năm 2019, Vĩnh Long đạt 1,5 triệu lượt khách và đạt doanh thu 525 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp cho kinh tế - xã hội tỉnh đạt 1,5 GRDP. Năm 2020, lượt khách giảm 55%, doanh thu giảm 63,8% so với năm 2019; Năm 2021, lượt khách giảm 73%, doanh thu giảm 65% so với năm 2019. Vì vậy, tỷ trọng đóng góp GRDP trong 02 năm 2020 và 2021 của du lịch đã thấp hơn 1%.

Các cơ sở du lịch, tàu du lịch trong tỉnh đã phải ngưng hoạt động tạm thời trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách trước đây. Cả sau thời gian hết giãn cách các cơ sở cũng hoạt động cầm chừng (công suất khoảng 50%) do còn lo ngại về tình hình dịch và du khách quay trở lại với du lịch của tỉnh chưa nhiều. Từ đó, các cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng sản phẩm trong bối cảnh bình thường mới. Riêng về lĩnh vực lữ hành thì một số doanh nghiệp trong năm 2021 đã thông báo ngừng hoạt động, rút giấy phép kinh doanh.

Khách sạn tạm đóng cửa trong thời gian thực hiện giãn cách

Nguồn lực về tài chính của các cơ sở kinh doanh du lịch do trải qua các đợt dịch từ năm 2020 đến nay đã khó khăn lại càng khó khăn, nhân lực phục vụ du lịch giảm sút chỉ còn 712 lao động (trước đây gần 1.500 lao động). Do đó, vấn đề đặt ra của các cơ sở là cần tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ để chỉnh trang lại cơ sở trong bối cảnh tình hình mới. Đồng thời một điều đáng quan tâm là nhân lực du lịch sau thời gian dài ảnh hưởng, do cho lao động ngưng việc tạm thời, kết thúc hợp đồng,... khi các cơ sở quay lại hoạt động thì lực lượng tay nghề giỏi không còn.

Các tour tuyến liên kết, gắn kết với các công ty du lịch TP. HCM thời gian qua bị đứt gãy, khi trở lại hoạt động cần thời gian để gắn kết lại, xây dựng lại tour, tuyến. Bên cạnh đó, sau dịch vấn đề đặt ra là chúng ta có sản phẩm gì để thu hút, đặc trưng sắp tới trong sản phẩm du lịch là gì để có sự khác biệt trong khu vực.

Công tác quảng bá xúc tiến thời gian qua cũng bị ảnh hưởng, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch định kỳ hàng năm tổ chức tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, ... phải dừng tổ chức do tình hình dịch. Qua đó, một số sản phẩm mới của tỉnh chưa được quảng bá sâu rộng như: Nhà dừa Vĩnh Long - điểm du lịch đạt chuẩn cấp tỉnh công nhận năm 2021, sản phẩm về Vĩnh Long xem hát bội, Nhà gốm Tư Buôi cấu trúc độc đáo, du lịch sinh thái gắn hành trình trải nghiệm làng nghề gạch gốm,... Mặc dù đã tăng cường quảng bá trên các trang mạng xã hội để quảng bá đến du khách, song vấn đề đặt ra là việc tạo điều kiện để doanh nghiệp của tỉnh gặp mặt, trao đổi và gắn kết với các công ty lữ hành lớn chưa thực hiện được,...

  Bên cạnh những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 thì du lịch Vĩnh Long vẫn đang có một số tồn tại cần khắc phục mà tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Vĩnh Long giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2030 tổ chức vào tháng 3/2021 đã nêu:

Vĩnh Long luôn tự hào đi tiên phong du lịch sinh thái sông nước, homestay và có tiềm năng đối với du lịch văn hóa và làng nghề nhưng chậm đổi mới, sáng tạo, cải tiến sản phẩm, chỉ mới bước đầu xây dựng những sản phẩm đặc thù. Cũng chính vì vậy chúng ta chưa xây dựng được Bộ nhận diện cho thương hiệu du lịch tỉnh; lượng khách thời gian qua đến Vĩnh Long có thời gian lưu trú ngắn. Nguồn nhân lực được quan tâm nhưng thường xuyên bị biến động do đội ngũ có tay nghề về các thành phố lớn làm việc để có lương cao.

Công tác liên kết giữa các ngành, các doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển du lịch chưa tốt. Chúng ta có nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các loại trái cây đặc sản,… song việc để du khách tiếp cận mua về làm quà tặng, quà lưu niệm chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn khách từ TP. HCM kết nối tour, chưa có những sản phẩm, tour tuyến chủ lực để chủ động liên kết. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch được quan tâm nhưng một số công trình dự án chậm triển khai, chưa có những nhà đầu tư quy mô lớn triển khai các công trình trọng điểm kêu gọi đầu tư tại tỉnh.

Chưa gắn kết các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề,…để làm sản phẩm phục vụ nhu cầu du khách làm quà tặng du lịch

Từ những thực tế trên, để đưa ngành du lịch vượt qua khó khăn sau đại dịch; khắc phục những tồn tại hướng đến phục hồi nhanh, phát triển trở thành ngành quan trọng trong thời gian tới thì cần nhiều giải pháp và sự tập trung quyết liệt của  cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, một số giải pháp đề xuất cần tập trung như sau:

Trước mắt, các sở, ban, ngành của tỉnh cần tập trung tham mưu tốt việc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp du lịch nói riêng cũng như các lĩnh vực ngành khác nói chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thông qua xem xét triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết Chính phủ và các hướng dẫn cấp Bộ, Ngành Trung ương đã triển khai. Việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ trên thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ chính quyền địa phương, vừa tạo động lực cho các cơ sở vượt qua khó khăn, sớm phục hồi.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư về lợi ích và vai trò của du lịch trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để cùng nhau tập trung xây dựng và phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch của địa phương luôn thân thiện, hấp dẫn và mến khách. Cần tiếp tục triển khai sâu rộng những hướng dẫn hoạt động du lịch an toàn trong bối cảnh bình thường mới để các cơ sở nắm, chủ động vừa hoạt động kinh doanh, vừa phòng dịch một cách hiệu quả.

Đoàn khảo sát của Sở VHTTDL đi thẩm định công tác phòng dịch của các cơ sở kinh doanh du lịch để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động phục vụ khách trong bối cảnh bình thường mới

Tập trung xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở triển khai có hiệu quả các đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; Đề án Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL, Đề án di sản đương đại Mang Thít, để qua đó tạo sự khác biệt về sản phẩm du lịch trong khu vực, nâng cao tính hấp dẫn. Trong đó, 04 sản phẩm du lịch đặc thù hướng đến là: (1) Du lịch homestay nghỉ dưỡng, tạo dựng thương hiệu đệ nhất homestay trên nền tảng thương hiệu homestay đạt chuẩn ASEAN mà tỉnh đang có; (2) Du lịch Văn hóa, trong đó hướng đến các lễ hội và di tích, điểm đến mang tính độc bản như: Công Thần Miếu, Văn Thánh Miếu, các di tích danh nhân trong tỉnh; (3) Du lịch nông nghiệp, xây dựng trên nền tảng du lịch đi trong màu xanh đồng bằng một thời Vĩnh Long đã rất thành công và sắp tới gắn với giá trị độc đáo là hình thành Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Vũng Liêm; (4) Du lịch làng nghề gắn với các làng nghề đặc trưng của tỉnh và trọng tâm là làng nghề gạch, gốm Mang Thít. Bên cạnh đó cũng tập trung hình thành chuỗi liên kết cung ứng du lịch mua sắm, du lịch gắn với ẩm thực, tiêu thụ sản phẩm địa phương, khai thác sản phẩm hát bội, đờn ca tài tử, các dịch vụ du lịch bổ trợ khác thật thu hút để tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.  

Trên cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, ngành chuyên môn cũng cần phối hợp các ngành liên quan sớm xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Vĩnh Long để làm căn cứ trong việc quảng bá, tuyên truyền và xây dựng các thông điệp truyền thông phù hợp với du khách và đúng thị trường mục tiêu. Song song đó, cần thiết kế lại các chương trình tham quan hoàn chỉnh; tour tuyến chủ lực để chủ động liên kết các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL và TP. HCM trong chuỗi liên kết phát triển du lịch được ký kết giữa các tỉnh, thành giai đoạn 2021-2025. Qua đó, sẽ tranh thủ được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Vĩnh Long cũng như các địa phương và sức mạnh trong liên kết để thu hút được du khách trong và ngoài nước tại một số thị trường mới.

Cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch thông qua việc triển khai có hiệu quả Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, phát huy vai trò của Cổng thông tin du lịch Vĩnh Long trong việc hỗ trợ quảng bá du lịch cho các cơ sở. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh đảm bảo linh hoạt, trọng tâm, trọng điểm, khai thác các thị trường mới (cả quốc tế và nội địa); hỗ trợ quảng bá cho các cơ sở sau dịch về các gói kích cầu và sản phẩm mới để du khách sớm quay trở lại; xúc tiến quảng bá du lịch phải liên kết chặt chẽ với các ngành của địa phương, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn và các tỉnh, thành trong khối liên kết để công tác xúc tiến quảng bá đi vào chiều sâu, đến được các thị trường mới, thị trường mục tiêu. Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

Cần rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư quy mô lớn. Tập trung kêu gọi đầu tư cùng với việc bố trí ngân sách nhà nước cho các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh thuộc lĩnh vực văn hóa- du lịch, trong đó 02 dự án cần quan tâm đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là Đề án di sản đương đại Mang Thít và Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm tại một số địa phương trong tỉnh.

 Đối với đầu tư hạ tầng giao thông cần gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với phong trào xây dựng nông thôn mới, quan tâm đầu tư cả giao thông thủy, bộ để các phương tiện vận chuyển khách du lịch đến khu, điểm du lịch một cách thuận lợi; quan tâm nạo vét thông luồng các kênh sông tạo thuận lợi trong phát triển du lịch và cả nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, các điểm du lịch thường xuyên tu bổ cơ sở hạ tầng, nâng chuẩn hạng sao để phục vụ tốt cho du khách, đặc biệt là phân khúc khách hàng chi tiêu cao. Cần sớm đưa Bến Cảng hành khách Vĩnh Long đi vào hoạt động khai thác để tạo thuận lợi trong việc đưa đón du khách đi tham quan, đảm bảo an toàn, trật tự.

Ngành du lịch hàng năm sẽ cập nhật về nhu cầu lao động du lịch qua rà soát, dự báo và gửi yêu cầu về các trường nghề, đại học hoặc các trung tâm đào tạo nhằm có bước đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch địa phương. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lao động hiện có và hướng lâu dài phải có chính sách ưu đãi thu hút nhân lực du lịch chất lượng cao.

Chú trọng công tác quản lý thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ tôn tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch tại các cơ sở, khu vực kinh doanh dịch vụ du lịch, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm phát sinh để xây dựng thương hiệu du lịch Vĩnh Long luôn an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Hy vọng một ngày không xa du khách sẽ sớm quay lại với du lịch Vĩnh Long đông đảo như trước – hình của năm 2019

Để sớm đưa du lịch Vĩnh Long vượt qua các khó khăn, phục hồi sau dịch và trở lại với quỹ đạo phát triển, tăng trưởng đạt và vượt so với giai đoạn 2015-2019, phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 thì Du lịch Vĩnh Long đang rất cần sự quyết liệt trong cả nhận thức và hành động, sự chung tay của các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư; các giải pháp phải được xem xét, phối hợp giữa các ngành liên quan triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, du lịch Vĩnh Long rơi về tình thế gặp nhiều khó khăn, song đây cũng là giai đoạn chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, xác định du lịch của địa phương đang ở đâu và làm gì trong thời gian tới để phát triển. Hy vọng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân về những giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội của địa phương sau dịch, những định hướng phục hồi và phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới, du lịch Vĩnh Long sẽ sớm phục hồi, phát triển và được sự đón nhận của đông đảo du khách./.

Bài, ảnh: Thanh Vy

Food

Attractions