CÁC ĐIỂM DU LỊCH TẠI VĨNH LONG

19/06/2024

Vĩnh Long, vùng đất được mệnh danh là “Địa linh nhân kiệt”, được thiên nhiên ưu đãi phù sa bồi đấp quanh năm, cây lành trái ngọt. Vì vậy, khi đến với Vĩnh Long du khách không những được thưởng thức nhiều loại trái cây ngon, những món ăn đặc sản mà còn được tham quan các làng nghề truyền thống, các điểm di tích lịch sử văn hóa và viếng thăm các khu lưu niệm danh nhân của vùng đất Vĩnh Long.

            Tại trung tâm thành phố Vĩnh Long có các điểm tham quan như: Bảo tàng Vĩnh Long được hình thành từ năm 1976 tọa lạc tại số 01, Phan Bội Châu, phường 01, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (Gồm có các hạng mục trưng bày: Nhà trưng bày truyền thống lịch sử - cách mạng; Nhà trưng bày Văn hóa các dân tộc; Nhà cổ nơi thờ Quố tổ Hùng Vương và Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Nhà trưng bày chuyên đề; Di tích hầm tử thủ; Nhà trưng hiện vật ngoài trời; Di tích khám lớn Vĩnh Long.

Khuôn viên Bảo tàng Vĩnh Long

Miếu công Thần Vĩnh Long tọa lạc tại khóm 6, phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (Nơi đây còn lưu giữ được 85 đạo sắc phong của nhà Nguyễn cấp thời Thiệu Trị và Tự Đức).

            Đình Long Thanh hay còn gọi là Long Thanh Võ miếu tọa lạc tại khóm 4, phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (Thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, bên trong nội điện của đình được trang trí với nhiều bao lam, hoành phi, câu đối, long trụ…với những nét chạm tinh tế, sơn son thiếp vàng rực rỡ. Hiện tại, di tích đình Long Thanh còn lưu giữ bức hoành phi khắc bốn chữ “Long Thanh miếu võ” rất đẹp, bức hoành này được đem đi triển lãm và được huy chương đồng tại hội chợ các nước thuộc địa năm 1922 tại Pháp).

            Thất Phủ miếu hay còn gọi là Vĩnh An Cung tọa lạc tại khóm 1, phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật của người hoa, nội thất của Vĩnh An Cung trang trí tuyệt đẹp. Có thể nói không đâu có đến mấy chục bộ bao lam, câu đối, hoành phi chạm lộng tinh tế. Các dạng hoành phi, câu đối ở miếu Thất phủ đều có nét chữ rất đẹp, trên vách tường được trang trí bằng những ô tranh mực tàu với nhiều nội dung tích sử: phong thần, kết nghĩa đào viên, nhị thập tứ hiếu… Hiện tại, di tích Thất Phủ miếu cũng có một bức hoành phi khắc bốn chữ “Quan Thánh phu tử” và bức hoành này cũng được đem đi triển lãm và được huy chương đồng tại hội chợ các nước thuộc địa năm 1922 tại Pháp).

            Văn Thánh miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh miếu của vùng Nam bộ, được nhà Nguyễn xây dựng nhằm đề cao nho giáo, thờ đức Khổng Phu Tử và các vị học trò của Ngài, công trình được xây dựng từ 1864 đến năm 1866 hoàn thành. Di tích tọa lạc tại đường Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Tuy đã trãi qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc nguyên bản. Đặc biệt tại Văn Thánh miếu còn có một công trình văn hóa đặc sắc góp phần làm nên diện mạo riêng của Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đó là Văn Xương Các (còn có tên gọi là Thơ lầu, Tân đình hay Tụy Văn lâu). Văn Xương Các là nơi thờ Gia Định Sử sĩ sùng Đức Tiên sinh Võ Trường Toản và khâm sai kinh lược sứ Phan Thanh Giản. Hàng năm tại Văn Thánh miếu có các ngày lễ lớn: Tế Đức Khổng Tử và các vị Thánh Hiền vào ngày Xuân Đinh và Thu Đinh (Ngày Đinh đầu tháng hai và ngày Đinh cuối tháng tám); lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản vào ngày mùng bốn và mùng năm tháng bảy; ngày giỗ các quan đại thần vào ngày 12 và 13 tháng mười âm lịch.

Đến Vĩnh Long, du khách cũng có thể đến viếng Khu lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long suốt cuộc đời đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Khu tưởng niệm của đồng chí Phạm Hùng được khởi công xây dựng vào năm 2000 và khánh thành vào năm 2004 nhân dịp 92 năm ngày sinh của ông và được xây dựng trên mảnh đất quê hương: Ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

             Nếu du khách muốn trãi nghiệm một nét văn hóa miệt vườn đậm chất miền Tây thì hãy đến  cù lao An Bình với những khu du lịch sinh thái. Tại đây du khách  có thể ngồi trên xuồng nhỏ len lỏi vào trong những vườn cây trái trĩu quả, tự tay hái và thưởng thức các loại trái cây như mít, sầu riêng, nhãn, mận, chôm chôm,… ăn những món ăn dân giả như canh chua bần, bần chấm mắm, hay cá lóc nướng trui do tự tay mình bắt…., ghé thăm các cơ sở làm bánh, kẹo và được trãi nghiệm cách làm bánh, kẹo tại nơi đây. Sau một ngày dạo chơi khắp cù lao, du khách có thể nghỉ ngơi buổi tối tại những nhà vườn theo loại hình du lịch homestay – cùng ăn ở và sinh hoạt với những người dân địa phương, được thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền sông nước, thưởng thức rượu ngon và trái cây có sẵn tại vườn và được thưởng thức đờn ca tài tử, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Tây. Nếu du khách muốn lễ phật cầu an thì ghé chùa Tiên Châu, đây là một ngôi chùa được xem là cổ kính nhất của vùng đất Vĩnh Long được xây dựng từ thế kỷ 19 (Theo truyền thuyết kể rằng: Làng Bình Lương và làng An Thành mặc dù cách nơi đôi hội không xa nhưng không khí tĩnh mịch, cây cối tốt tươi. Tại nơi đây có xóm chày lưới, cửa nhà thưa thớt. Những đêm trăng thanh gió mát, thỉnh thoảng có tiên nữ xuống trần vui đùa. Do đó, bãi sông này được đặt tên là bãi tiên (Tiên Châu) hay bãi Bích Trân. Vùng đất này lại có nhiều rạch lớn, rạch nhỏ, ghe thuyền có thể đi tắc qua lại nên còn có tên là bãi Bát Trân (Có nghĩa là đi bốn phương tám hướng). Từ xưa đến nay có nhiều tài tử giai nhân đến viếng cảnh, ngâm vịnh. Nhà thơ Nguyễn Hữu đức có bài thơ vịnh Bãi Tiên:

 

                                    Tiên Châu giăng trước Vĩnh Long Thành

                                    Đây rộn rịp nhiều đó vắng tanh.

                                    Khuất nữa cỏ cây nhà trắng trắng,

                                    Chia hai trời nước liễu xanh xanh

                                    Cảnh người ngày tháng ba thằng mục,

                                    Chùa Phật hôm mai một tiếng kình.

                                    Danh lợi vì đây long chẳng tưởng,

                                    Bốn mùa phong cảnh có ai tranh.

Vườn cây ăn trái tại Cù lao An Bình

            Vĩnh Long có rất nhiều điểm tham quan du lịch, nhưng đến và nghỉ chân tại Trung tâm thành phố Vĩnh Long thì những điểm du lịch được nói trên là những điểm tiêu biểu, nổi bật mà du khách có thể tìm hiểu và đi đến. Trong số những “ Điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long, ” Vĩnh Long có các di tích đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là những điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực như: Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa. Đây không chỉ là niềm vinh dự của riêng ngành du lịch mà còn là niềm tự hào của các cấp, các ngành và của người dân Vĩnh Long./.

Bài, ảnh: Tuyết Lam

Food

Attractions