Trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 109 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa

21/06/2024

Nhân kỷ niệm 109 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (13/9/1912-13/9/2022), sáng ngày 13/9/2022, đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện Tam Bình, lãnh đạo xã Tường Lộc đến dâng hoa, dâng hương tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Đến tham dự có ông Nguyễn Thành Thế - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Lê Quang Trung - Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND  tỉnh Vĩnh Long.

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có sự tham gia của Đồng chí Lê Xuân Định- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng- Phó Chính uỷ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng- Bộ Quốc phòng.

Trong không khí trang nghiêm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng  cùng đại diện các sở, ban, ngành đã thành kính dâng hoa, dâng hương và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của dân tộc Việt Nam - của quê hương Vĩnh Long. Đây là hoạt động tưởng nhớ, nhằm thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng thành kính tri ân đối với công lao và những cống hiến to lớn của  Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; qua đó cũng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ, cùng chung tay, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp.

Đoàn đại biểu dâng hoa và dâng hương nhân kỷ niệm 109 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang  Lễ, ông sinh  ngày 13 tháng 9 năm 1913 tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Ông được sinh ra trong một gia đình Nhà giáo nghèo mang đậm nét truyền thống của gia đình Việt Nam, là chiếc nôi nuôi dưỡng phẩm chất nhân cách, ý chí và tài năng của đồng chí Phạm Quang Lễ.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã đóng góp rất lớn cho cách mạng Việt Nam và đã để lại cho thế hệ trẻ nhiều bài học về sự say mê khoa học, sự sáng tạo của bản thân cũng như những đóng góp vô điều kiện cho quê hương đất nước. Trải qua hai cuộc chiến tranh cứu nước, tên tuổi của ông đã trở thành huyền thoại với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế và luôn được nhân dân kính trọng.

Với lòng yêu nước thiết tha, ông đã từ bỏ cuộc sống ở Pháp để theo Bác Hồ về nước. Năm 1946, chính phủ Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cử ông làm Cục trưởng cục quân giới và ông vinh dự được Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa, tên gọi ấy đã gắn bó với ông đến suốt cuộc đời . Được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ, trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới, Trần Đại Nghĩa đã cùng nhiều đồng chí xây dựng và phát triển ngành quân giới, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật tư thiết bị, trong đó nổi bật nhất là súng và đạn Bazoka, súng không giật SKZ góp phần quan trọng để quân đội ta chiến thắng trên chiến trường.

Từ những năm 1952 cho đến cuối đời, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Anh hùng Lao động, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng trường Đại học chuyên nghiệp Bách khoa, nay là Đại học Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Phó Chủ nhiệm Ủỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước; Ủỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 và Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã ngời sáng lên một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng - cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn yêu lao động, quý trọng thời gian, thể hiện phong cách làm việc khoa học, dân chủ, hiệu quả.

Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa một trong những công trình đầy tự hào của người dân Tam Bình, địa điểm sinh hoạt văn hoá, đón tiếp khách tham quan, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu niên cùng nhân dân cả nước nói chung và Vĩnh Long nói riêng học tập và noi theo.

 

Tin, ảnh: Thơ Nguyễn 

Food

Attractions