Ngọt thanh mứt chùm ruột mẹ làm!

25/06/2024

Chùm ruột là loại cây thân gỗ xù xì theo từng mắc lá rụng, hoa màu hồng. Đọt có vị chua dùng ăn sống, lá được dùng gói nem chua. Trái chùm ruột mọc thành từng chùm, lúc nhỏ màu xanh, đến già trái có màu vàng nhạt và được sử dụng nhiều để làm nước uống, nấu canh chua, ngâm rượu hoặc làm mứt.

Do là cây thích hợp với nơi có khí hậu nóng, ẩm, nên hầu như ở quê tôi nhà nào cũng trồng từ một đến hai cây chùm ruột sau hè, vừa tạo bóng râm cho khu vườn, vừa để con cháu ăn giải nhiệt vào những ngày nắng hạn. Nhìn thấy đồ chua ai cũng them và tôi cũng vậy!

Khi cây chùm ruột sau nhà ra trái, bọn trẻ chúng tôi chơi đùa, mình ướt đẫm mồ hôi, cùng chạy ra cây chùm ruột lấy lồng tre hái một mớ trái đem xuống cho vô chén sành, lấy chày đâm tiêu giã nhuyễn. Sau đó, cho vô chén ít đường với nước mắm, trộn đều, mấy đứa tôi tranh nhau lấy muỗng múc đưa vào miệng, đứa thì nhăn mặt, hít hà vì chua, đứa thì chép chép miệng để tăng kích thích khẩu vị trộn lẫn với tiếng cười giòn tan của lũ trẻ thơ tạo nên không gian rộn rã, làm tan biến bao nỗi mệt nhọc của buổi trưa hè.

Thấy chúng tôi tranh nhau từng muỗng chùm ruột, Mẹ tôi cũng vui lây. Bà nói thêm “Chùm ruột có vị chua, ngoài ăn sống với mắm đường, thì Mẹ và người lớn còn hái chùm ruột để nấu canh chua với cá rô hay cá lóc đồng thay cho me hoặc chanh. Không những vậy, trái chùm ruột còn nhiều công dụng khác nữa như ngâm rượu và làm mứt tết nữa đó nghen!”.

Nói đến mứt chùm ruột, tôi vội ùa lên “Vậy Mẹ làm cho tụi con ăn thử nhe”. Bọn trẻ bạn tôi nghe tôi nhờ Mẹ làm ăn thử, cũng đồng thanh “Hoan hô, Bác làm cho tụi con ăn thử đi Bác”. Thế là Mẹ tôi hái vài kilogam chùm ruột vào làm mứt cho cả nhà cùng ăn.

Chùm ruột quê tôi

Chùm ruột được hái vào, Mẹ tôi chỉ lựa lấy những trái lớn, bởi theo bà, sử dụng chùm ruột nhỏ làm mứt trái sẽ bị teo lại, chỉ còn hột, ăn không ngon. Sau khi rửa sạch, Mẹ tôi để chùm ruột vào rổ cho ráo nước, sau đó bà lấy tấm thớt đè lên mặt chà nhẹ cho trái chùm ruột vừa giập để loại bỏ bớt chất chua. Chà xong, Mẹ tôi đem chùm ruột đi xả với nước, để ráo. Tiếp đến, Mẹ tôi cho chùm ruột vào chảo lớn cùng với đường cát theo một lượng vừa phải, nếu để nhiều đường chùm ruột sẽ bị ngọt, còn ít đường chùm ruột bị chua sẽ không ngon. Sau đó, bắt lên bếp củi để lửa nhỏ, dùng đũa bếp đảo đều để nước đường thấm vào trái chùm ruột tạo thành màu đỏ đặc trưng, đến khi nước trong chảo cạn sắp hết là nhắc xuống. Mẹ tôi cho mứt chùm ruột ra khai nhôm mang ra nắng phơi khoảng 30 phút cho khô nước, để ăn dần và bảo quản được lâu hơn.

Mứt chùm ruột Mẹ làm!

Thấy khai mứt chùm ruột đỏ au, chúng tôi ai cũng muốn thử trước. Còn mẹ tôi chậm rãi, dùng tăm tre vuốt nhọn ghim cho mỗi đứa một xâu. Đưa mứt chùm ruột vào miệng nhai chầm chậm, vị chua chua của chùm ruột hòa quyện với vị ngọt của đường, cùng với độ giòn vừa phải của chùm ruột làm cho bọn trẻ chúng tôi vô cùng thích thú. Ăn hết một xâu, chúng tôi chưa thấy đã thèm, liền ghim thêm một xâu nữa…như thế, khai mứt chùm ruột Mẹ tôi làm cứ vơi dần…cứ vơi dần.

Tuổi thơ qua nhanh, bẵng một thời gian, bọn trẻ chúng tôi giờ đã lớn, vì hoàn cảnh gia đình mỗi đứa mỗi việc. Tôi thì qua thị xã làm việc, bạn tôi đứa thì kinh doanh, đứa ở nhà phụ ba, mẹ chăm sóc vườn tược…Vậy là tụi tôi không còn quây quần bên cây chùm ruột như trước đây nữa, mà có chăng chỉ còn được thưởng thức món mứt chùm ruột do Mẹ làm vào dịp tết đến xuân về hoặc những lúc chùm ruột ra trái nghịch mùa mà thôi!

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

 

Food

Attractions