HOA LỤC BÌNH - MÓN NGON DÂN DÃ

25/06/2024

Cây Lục bình mọc đầy ao hồ, kênh rạch, tại khắp các vùng quê, hễ đâu có nước là cây Lục bình có thể sống và phát triển tươi tốt. Tên khoa học: Eichhornia crassipes solms.Tên khác (dân gian): Lục bình, hay lộc bình. Họ: Bèo tây (Pontederiaceae)

Ở Nhật Bản, lục bình được bán với giá tương đương gần 20.000 đồng cho một nhánh nhỏ. Người dân mua lục bình trong siêu thị về ăn, làm gỏi, chữa bệnh hoặc dùng để lọc nước. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì hoa lục bình có tác dụng lợi niệu, sơ phong, chữa sưng tấy, giải độc và viêm đau, viêm khớp ngón tay, giải độc da, giúp chữa ung nhọt và làm giảm sưng…

 Đặc điểm thực vật: Cây lục bình là loại thực vật thủy sinh, thân thảo, sống nổi ở nước hoặc những nơi ẩm ướt. Cây mọc cao khoảng 25 - 30 cm. Lá cây có màu xanh lục, hình tròn, bề mặt nhẵn. Gân lá có hình cung dài, hẹp. Lá thường cuốn vào nhau như những cánh hoa, cuốn lá nở phình như bong bóng xốp ruột. Thành phần hóa học của cây lục bình được tính theo % như: Nước 92,3%, Xenlulose: 1,4%, Lipid: 0,3%, Protein: 0,8%, Khoáng toàn phần 1,4, Dẫn xuất không protein: 5,08%.

Hoa lục bình thường có màu xanh tím, nhưng không đều màu. Cánh hoa trên thường có một đốm vàng 6 nhị, trong đó có 3 nhị dài và 3 nhị ngắn. Bầu thượng có 3 ô đựng nhiều noãn và quả nang. Rễ dài gần 1 m, buông rủ xuống nước vì bản thân cây lục bình không bám rễ mà dòng nước trôi đến đâu thì chúng di chuyển đến đó không cố định. Đời sống cây lục bình được miêu tả, như một đoạn trong bài thơ “Hương lục bình” của tác giả : Giọt Buồn Không Tên.  

“Em là vậy một loài hoa mộc mạc

Vẫn lặng thầm trôi dạt tháng ngày qua

Không kiêu sa không hương sắc mặn mà

Màu tim tím đậm đà trên quê ngoại…”

 

Bộ phận dùng chế biến làm thức ăn: Hoa lục bình thường thu hoạch rộ vào hè, còn lá và thân có thể thu hái quanh năm. Hoa lục bình có tính mát, vị lạt, thường dùng chế biến các món ăn trong dân gian như: Gỏi hoa lục bình với tép, hay trộn gỏi với các loại khô, mà ngon nhất là khô cá lóc, cá sặc rằn… hay ăn kèm chấm với các loại cá kho lạc, mà ngon  nhất dùng để nhúng vào nồi lẩu mắm. Đây là món nổi tiếng xa gần của bà con ở vùng miền Tây sông nước, về Vĩnh Long nói riêng và miền Tây sông nước nói chung khi du khách  thưởng thước món lẩu mắm thì phụ gia rau nhúng kèm theo phải có hoa lục bình thì mới ngon và hấp dẫn đúng chất nồi lẩu mắm miền Tây. Miền sông nước là thế, từ những món bình dị ngày xa xưa ấy, cái thuở  Ông cha đi khai hoang mở đất về vùng đất Phương Nam, những món ăn dân dã ngày nay đã trở thành một thứ đặc sản nổi tiếng xa gần mà khi nghe kể, hay được giới thiệu về các món ăn dân dã đó, thì ai cũng muốn một lần về miền quê sông nước, được bơi xuồng hái hoa lục bình về tận tay chế biến rồi thưởng thức món ăn này./.

 

Bài ảnh: Huỳnh Duy

Food

Attractions