Phát triển du lịch nông thôn

26/06/2024

Vĩnh Long là một trong 13 tỉnh, thành của đồng bằng sông Cửu Long, địa hình có nhiều sông rạch chằng chịt, trong đó có hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu chảy qua, mang phù sa vun đắp cho đất đai thêm màu mỡ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Long sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch theo hướng bền vững, toàn diện và đa giá trị.

Tiềm năng lợi thế phát triển du lịch nông thôn

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định ban hành kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh; xem đây là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM.

Là một trong 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, năm 2023 xã Bình Hòa Phước đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện. Với tiềm năng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn hiện có, ông Phạm Minh Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước cho biết, xã đang triển khai mô hình kết nối cho du khách trải nghiệm tham quan đời sống văn hóa sông nước miệt vườn, trải nghiệm sinh hoạt cùng ăn, cùng nghỉ, cùng làm với người dân địa phương. Không những vậy, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, CLB Đờn ca tài tử xã thường xuyên hợp đồng liên kết với cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái công viên Ven Sông tổ chức không gian giao lưu nghệ thuật phục vụ du khách vừa thưởng thức món ăn đặc trưng của địa phương, vừa thả hồn vào những điệu khúc của nghệ thuật đờn ca tài tử.

Cũng thuộc cù lao của huyện Long Hồ, xã An Bình từ lâu đã nổi tiếng với nhiều vườn chôm chôm thu hút đông khách du lịch đến đây vào mỗi dịp chôm chôm chín rộ. Đến với các vườn chôm chôm xã An Bình, du khách tự tay hái trái tại vườn và thưởng thức thỏa thích, người dân và du khách gọi loại hình du lịch này theo tiếng dân gian là “chôm chôm bụng”. Du lịch cù lao An Bình, du khách còn được trải nghiệm đạp xe hoặc đi bộ dạo quanh những con đường làng rợp bóng cây, hít thở không khí trong lành, quan sát những cảnh sinh hoạt, nhịp sống hàng ngày của bà con nông dân nơi đây. Mô hình “ăn chôm chôm bụng” và đạp xe quanh đường làng những năm qua đã tạo được dấu ấn đậm nét với du khách trong và ngoài nước khi đến xứ cù lao.

Xuôi dòng về sông Hậu, đến với xã Thuận An là xã đầu tiên xây dựng NTM kiểu mẫu của TX.Bình Minh, với định hướng quy hoạch 49ha trồng cải xà lách xoong tại ấp Thuận Thành để phát triển du lịch nông nghiệp, phục vụ du khách đến trải nghiệm quy trình sản xuất cải xà lách xoong, cũng là giải pháp tăng thêm thu nhập cho nông dân địa phương.

Phát triển du lịch nông thôn mang đặc trưng địa phương

Hình thành mô hình du lịch nông nghiệp đã khó, để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng địa phương, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách lại càng khó hơn.

Chính lẽ đó, năm 2021 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã ký với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, bảo quản và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó có phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) về du lịch cộng đồng; đưa các giá trị văn hóa, đặc thù địa phương vào sản phẩm OCOP để phát triển thành sản phẩm đặc trưng địa phương; đặc biệt xây dựng các sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ khách du lịch. Từ chương trình này, năm 2022 tỉnh Vĩnh Long có 41 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 5 sao. Trong đó, có 29 sản phẩm đạt 3 sao; 10 sản phẩm đạt 4 sao; 02 sản phẩm đạt 5 sao. Lũy kế đến nay có 107 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao (bao gồm: 34 sản phẩm sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao).

Theo thống kê của huyện Tam Bình, huyện có 21 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao (bún tươi Sáu Thạnh, hủ tiếu tươi Sáu Thạnh; hủ tiếu khô Sáu Thạnh; ống hút tre; gạo Tân Tiến; cơm sấy Nhật Quỳnh); 15 sản phẩm đạt 3 sao (cam sành Khánh Nhân; cam sành Thuận Loan; bánh xếp Thanh Thảo; lục bình mỹ nghệ CNC Minh Thắm). Các sản phẩm này được địa phương giới thiệu quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội, vừa tạo nên giá trị thương hiệu sản phẩm, cũng vừa góp phần tạo điểm nhấn trong quá trình phát triển du lịch của huyện Tam Bình.

Các địa phương khác trong tỉnh dựa vào tiềm năng, lợi thế của mình cũng thường xuyên, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hình ảnh du lịch, làng nghề truyền thống, di tích mang bản sắc văn hóa, lịch sử của địa phương lên trang thông tin điện tử của huyện, của xã, các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo…Điển hình, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình giới thiệu sản phẩm đặc trưng cam sành, làng nghề đan thảm lục bình lên trang “binhninh.vinhlong.gov.vn”; xã Tân An Hội, huyện Mang Thít đăng tải thông tin điểm du lịch sinh thái Bà Nhiên, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang lên trang thông tin “tananhoi.vinhlong.gov.vn”; xã Quới An, huyện Vũng Liêm mời gọi du khách tham quan chợ phiên thứ 3 và vườn cây ăn trái, chợ xã Quới An, di tích bia Trấn Thủy trên trang facebook “Thoi Levan”. Thông qua các trang thông tin này, du khách thuận tiện cập nhật và tiếp cận nhanh với những sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.

Tiềm năng lợi thế đã có, sản phẩm đặc trưng để phát triển du lịch của từng địa phương trong tỉnh cũng dần hình thành, nhưng để phát triển mạnh mẽ, bền vững tạo được điểm nhấn riêng biệt, không trùng lắp với sản phẩm của những địa phương khác, mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp có thể nghiên cứu triển khai ít nhất từ 01 đến 03 sản phẩm “Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” và 01 đến 03 vườn mẫu gắn với du lịch nông thôn; Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề,…. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc và có hiệu quả kinh tế hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch. Định hướng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP, mở rộng triển khai mô hình xây dựng kênh phân phối nông sản đạt chuẩn và sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gắn kết du lịch.

Xây dựng các công cụ, phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn phù hợp với các loại hình du lịch và các đối tượng du khách. Nâng cao năng lực quản lý phát triển du lịch của cán bộ cơ sở, năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn để hướng đến xây dựng văn hóa du lịch Vĩnh Long chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

 

Chú thích ảnh

1. Du khách quốc tế tản bộ trên đường làng xã ở cù lao An Bình

2. Những luống cải xà lách xoong xanh mướt được xã Thuận An, TX.Bình Minh định hướng phát triển du lịch miệt vườn

Bài, ảnh: Minh Triết

Food

Attractions