THƯƠNG RẶNG DỪA NƯỚC QUÊ MÌNH

27/06/2024

Dù sống ở nơi đâu hay làm bất kỳ công việc gì thì trong tâm trí của mỗi người chúng ta vẫn len lỏi một nỗi nhớ đó chính là quê hương. Nhớ quê hương không chỉ là nhớ những ký ức bên người thân, bè bạn mà còn nhớ cả những điều bình dị, thân thương gắn liền với hàng cây, bến nước, con đò hay những món quà quê mà thiên nhiên ban tặng. Và đối với những người con lớn lên ở nơi miệt vườn sông nước thì rặng dừa nước quê nhà đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ khó quên trong ký ức của biết bao người.

Ảnh: Rặng dừa nước quê mình

Về miền Tây nói chung, quê hương Vĩnh Long nói riêng, du khách dễ dàng nhìn thấy những rặng dừa nước mọc ở ven bờ sông, kênh rạch hay mé ao, mương vườn nhà của người dân quê. Có lẽ do đặc tính sinh trưởng và phát triển trong môi trường đất ngập nước như vậy nên người ta mới gọi tên chúng là dừa nước - một loại cây đã góp phần làm nên hồn quê ở miệt vườn sông nước Cửu Long.

Riêng tôi không rõ dừa nước có tự hồi nào nhưng chỉ biết từ khi có mặt thì loài cây này đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân quê. Hầu hết bộ phận nào của loài cây này cũng đều mang lại những công dụng hữu ích. Dừa nước có nhiều rễ, bộ rễ lại ăn sâu trong đất nên thường được xem là bờ kè sinh thái tự nhiên giúp giữ đất, chống sạt lở vô cùng hiệu quả.

Bập dừa thì được người lớn đem chẻ phơi khô để làm dây cột lúa, buộc bao, bó củi, lợp nhà,... Riêng đối với lũ con nít nhà quê chúng tôi thì bập dừa còn là người bạn đồng hành thân thiết mỗi khi chúng tôi bập bẹ tập bơi. Bởi khi xuống nước, bập dừa sẽ nổi phều lên nên chúng tôi thường lấy bập dừa để làm phao vịn rồi tha hồ đập đùng không sợ đuối nước. Không chỉ vậy, bập dừa nước còn là nơi gắn liền với ký ức tuổi thơ của lũ trẻ con nơi ruộng vườn. Thuở ấy, mỗi khi đi học về, thú vui của lũ con nít tụi tui là rủ nhau đi đặt lợp cá bống. Ở miền quê sông nước mà, cái gì thiếu chứ cá tép là nhiều vô số kể. Bởi vậy, chỉ cần canh lúc nước bắt đầu lớn thì lũ trẻ chúng tôi vội xách dăm ba cái lợp rồi men theo các bập dừa nước mà đặt, đợi nước ròng đi thăm là sẽ tha hồ đổ cá đem về cho mẹ nấu những bữa cơm quê, đỡ tốn tiền chợ. Cá bống dừa mà đem kho tiêu ăn cùng cơm trắng tuy đơn giản nhưng lại hao cơm ngon lành.

Ảnh: Con cá bống dừa thường trú ngụ trong các bập dừa nước ven sông được bắt đem về cho mẹ nấu những bữa cơm quê

Đặc biệt, tàu lá dừa dường như là bộ phận góp mặt nhiều nhất trong đời sống thường nhật của người dân quê mình. Trước đây không xa, chúng là vật liệu chính để lợp nên những ngôi nhà che nắng, che mưa mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cư dân miệt vườn sông nước. Tôi nhớ rõ lắm, ngày trước ở quê, cứ mỗi lần vô vụ chằm lá là cô dì, chú bác ở xóm thường hẹn nhau xúm xít lại để phụ đốn lá, rồi chằm theo kiểu dàn công vui thiệt là vui vậy đó. Lá sau khi đốn xong, một phần cọng đem chẻ hom chằm lá lợp nhà, phần không sử dụng được thì sẽ phơi khô làm củi chụm. Riêng những chót lá nhỏ trên ngọn thì bà tôi thường đem chuốt lấy cọng bó thành những cây chổi bánh lái để quét trong nhà. Còn những khi rảnh rỗi, các dì, các mẹ thường ngâm gạo, xay bột làm bánh nắn lá cho lũ con nít nhà quê chúng tôi ăn vặt đỡ buồn. Ngộ lắm, món bánh quê bình dân, đơn giản ấy lại trở thành nỗi nhớ, niềm thương của những người con xa xứ mỗi khi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê.

Ảnh: Cảnh lợp nhà lá ở Vĩnh Long

Không chỉ vậy, tàu dừa nước nước còn là vật liệu phổ biến dùng để trang trí cổng trong các đám cưới, đám hỏi ở quê mình nữa đó. Đây là phần việc thường dành cho nam thanh, nữ tú khi đi dọn đám cưới quê. Qua bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo, tỉ mỉ của những "nghệ nhân cây nhà lá vườn" đã tạo nên những chiếc cổng cưới tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng lại vô cùng đẹp mắt, khiến ai nấy cũng thích thú, trầm trồ chụp ảnh.

Ảnh:  Cổng lễ đính hôn được trang trí bằng lá dừa nước

Nhắc đến dừa nước thì những người con quê Vĩnh Long làm sao quên được cái buồng hay quầy dừa nước với những trái nhỏ, màu nâu sạm mọc ép sát vào nhau trên cùng một cuống, tạo nên một cụm hình cầu với chi chít trái. Trái dừa nước chính là thức quà quê thơm thảo mà thiên nhiên ban tặng cho cư dân miệt vườn sông nước nơi đây.

Ảnh: Buồng dừa nước được đốn trên sông Vĩnh Long

Trái dừa nước được chẻ ra, những đứa trẻ con thì thích thú lấy ngón tay cái “khự” cái phần cơm trắng trong tự nhiên cho ngay vào miệng mà thuởng thức ngon lành. Còn người lớn thì dùng muỗng nhẹ nhàng lấy phần cơm dừa đem vô cho vào ít đường, sữa, nước đá tùy thích là đã có những ly nước thanh mát, ngọt lành. Hay những ngày nắng nóng, thì phần cơm dừa còn được các chị gái trong nhà đem đi nấu cùng với đậu xanh, đường phèn để cả nhà cùng ăn giải nhiệt. Còn những khi nấu chè, nấu kiểm thì dừa nước cũng là một trong những nguyên liệu phổ biến được các dì, các mẹ ở quê ưa chuộng. Đặc biệt, ở quê mình, cơm dừa nước còn được đem đi sên làm mứt nữa đó. Món mứt dừa nước từ lâu đã trở nên quen thuộc trong khay mứt của nhiều gia đình mỗi khi tết đến xuân về.

Ảnh: Cơm dừa nước thanh mát, ngọt lành

Rặng dừa nước, loại cây góp phần quan trọng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của cư dân miệt vườn sông nước nói chung, người dân quê Vĩnh Long nói riêng. Loài cây bình dị, thân thương ấy cứ thế mà len lỏi vào tâm thức và ký ức của biết bao người, bao thế hệ. Những rặng dừa nước cứ tự mọc rồi tự xanh, vươn lên tươi tốt, bạt ngàn vừa là biểu tượng của khung cảnh làng quê trù phú, thanh bình vừa là màu xanh hy vọng, phẩm chất và sức sống mãnh liệt của con người nơi đây.

Bài, ảnh: Mỹ Xuân

Food

Attractions