24h khám phá Vĩnh Long với 500 nghìn đồng

04/04/2023 1989 0

"Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng 'Đến Vĩnh Long có gì mà chơi?', riêng mình cảm thấy nơi đây có nhiều chỗ xịn xò để thỏa mãn đam mê sống ảo nhưng ngại đi xa" - Henry Dương, chàng trai trẻ từ Sài Gòn du lịch Vĩnh Long chia sẻ.

Dịp cuối tuần, Henry Dương cùng một người bạn tham gia hành trình 24h khám phá Vĩnh Long bằng xe máy.

Thành phố Vĩnh Long cách Sài Gòn khoảng 160km. Từ trung tâm thành phố, đôi bạn đi xe lên đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, chạy đến cầu bắc qua sông Vàm Cỏ thì rẽ vào lối hướng về Quốc lộ 62. 

24h khám phá Vĩnh Long chỉ với 500.000 đồng.

24h khám phá Vĩnh Long chỉ với 500.000 đồng.

Đi thẳng đường Quốc lộ 62 đến ngã 3 giao với Quốc lộ N2, xe rẽ trái rồi đi thẳng đến đường TL868 qua cầu Tứ Kiệt, đến địa phận huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Từ đây, đôi bạn chạy thẳng vào Quốc lộ 1A qua cầu Mỹ Thuận, tiến vào thành phố Vĩnh Long.

Toàn bộ chặng đường đi hết khoảng hơn 3 giờ lái xe máy. Đến nơi, đôi bạn dừng chân nghỉ ngơi rồi bắt đầu hành trình khám phá các điểm đến của thành phố xinh đẹp này.

Điểm dừng chân đầu tiên của Henry Dương là chùa Ông, nằm ở số 22, đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Vĩnh Long. Ngôi chùa được xây từ năm 1892-1909, còn được gọi là Hội quán Phúc Kiến, Vĩnh An Cung hay Thất Phủ Miếu. Đây là công trình kiến trúc của nhóm thợ tài hoa từ Phúc Kiến sang.

Chùa Ông.

Chùa Ông.

Các tượng thờ ở đây đa số bằng gỗ, có một số bằng đồng, gốm sứ. Các cột, kèo, bộ bao lam, câu đối, hoành phi chạm lộng tinh tế, công phu. Những năm gần đây, ngôi chùa cổ trở thành điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ gần xa với mong muốn vừa được cầu bình an, vừa có thể tậu về nhiều tấm ảnh đẹp.

Henry chia sẻ: "Các bạn nên đến đây vào buổi sáng sớm để có được ánh sáng đẹp nhất cho bức hình. Hơn nữa, buổi sáng sẽ vắng người, phía trước sân có ít xe đậu, dễ lấy được toàn cảnh chùa mà không phải làm hậu kì, xóa bỏ những hình không liên quan".

Rời khỏi chùa Ông, đôi bạn tiếp tục lái xe hướng tới chùa Thiên Hậu ở số 64, đường 30/4, thành phố Vĩnh Long. Lúc đến đây, ngôi chùa đang trong quá trình trùng tu, sửa chữa nên cả hai chỉ nhìn ngắm cảnh quan bên ngoài. Henry cho biết kiến trúc ngôi chùa khá giống với những chùa Bà khác mà anh đã từng đến.

Điểm dừng tiếp theo là Nhà cổ Cai Cường. Ngôi nhà nằm xã Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ, đưa du khách đến với nếp sống của một đại địa chủ miệt vườn ở Vĩnh Long.

Nhà cổ Cai Cường.

Nhà cổ Cai Cường.

Nhà cổ được xây dựng từ năm 1885, tính đến nay đã 135 năm tuổi. Chủ nhân của ngôi nhà là ông Phạm Văn Bổn, tên thường gọi là Cường, khi xưa làm chức cai tổng nên người ta gọi là Cai Cường.

Nhà cổ Cai Cường, có cấu tạo theo hình chữ Đinh ba gian. Nét độc đáo của ngôi nhà chính là sự pha trộn “vỏ Tây ruột Ta” trong kiến trúc nội thất và ngoại thất, mặc dù có tuổi đời gần 135 năm, nhưng mọi thứ trong ngôi nhà đều chưa có dấu hiệu của sự xuống cấp.

Khung cảnh bên trong nhà cổ

Khung cảnh bên trong nhà cổ.

 

Henry Dương cho biết: "Khi đến đây, phía bên trong nhà đóng cửa im lìm, mình phải đi sang bên trái nhờ người trông giữ nhà mở của hộ để check-in. Nếu đến nhà cổ, bạn hãy gửi họ ít tiền cà phê để được tiếp đón niềm nở, hỗ trợ nhiệt tình hơn".

Từ nhà cổ Cai Cường, đôi bạn lên xe hướng đến Nhà Bá hộ Tể, chỉ cách đó một con rạch. Nơi đây cũng là điểm check-in nổi tiếng, từng xuất hiện trong phim Bắc Kim Thang và series Challenge Me.

"Hôm mình đến không có ai ở nhà, nên không tiện vào tham quan. Các bạn đến sau nếu may mắn vào được thì đừng bỏ qua nơi này nhé" - Henry Dương chia sẻ.

Trên đường đến Phật Ngọc Xá Lợi, đôi bạn dừng chân tại cầu Mỹ Thuận. Đây là cây cầu văng đầu tiên ở Việt Nam, nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, cách TP HCM khoảng 125km. 

Hoàng hôn trên cầu Mỹ Thuận.

Hoàng hôn trên cầu Mỹ Thuận.

Theo Henry Dương, buổi chiều hoàng hôn là thời điểm đẹp nhất để chụp hình. Đặc biệt, anh chàng bật mí du khách nên đến bờ kè Mỹ Thuận để có thể lấy hết khung cảnh cây cầu vào bức hình của mình.

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi.

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi.

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi tọa lạc tại ấp Vĩnh Hoà, xã Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long. Chùa được xây dựng từ năm 1970 với diện tích 1,7 ha do cố hoà thượng Thích Thiện Hoa trụ trì. Do hoàn cảnh khách quan, việc thi công phải tạm dừng nhiều lần.

Mãi đến năm 2015, công trình chùa Phật Ngọc Xá Lợi được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hạng mục: chánh điện, bảo tháp, đài Đức Quán Thế Âm lộ thiên, cổng tam quan, giảng đường, trai đường, bảo tàng, thư viện... trở thành trung tâm văn hoá lớn, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và Phật giáo của miền Tây.

Một số góc sống ảo tuyệt đẹp trong chùa.

Một số góc sống ảo tuyệt đẹp trong chùa.

Một số góc sống ảo tuyệt đẹp trong chùa.

Công trình nổi bật giữa chùa là tượng đài Đức Quán Thế Âm với chiều cao 32m và Bảo tháp cao 45m. Giữa không gian Phật giáo uy nghiêm, cùng những công trình kiến trúc độc đáo như thế này, sẽ khiến du khách không khỏi trầm trồ khi tại miền Tây có những công trình to lớn và đồ sộ không thua kém bất kì quốc gia nào trên thế giới.

Tượng phật bà Quan Âm khổng lồ.

Tượng phật bà Quan Âm khổng lồ.

Kết thúc 24h khám phá Vĩnh Long, chi phí mà đôi bạn bỏ ra cho hành trình chưa đến 500.000 đồng/người. Trong đó, chi phí xăng xe là 150.000 đồng/2 người, khách sạn 300.000 đồng/2 người/đêm, ăn uống 250.000 đồng/người.

Henry Dương chia sẻ: "Ngoài những địa điểm mình ghé qua, còn một số nơi mình chưa đến được như: Lò gạch, nhà bá hộ Tể, chùa Phù Ly... mong là khi có thời gian mình sẽ được quay trở lại khám phá hết những địa điểm còn xót".

Tin sưu tầm, nguồn: https://dulich.laodong.vn/kham-pha/24h-kham-pha-vinh-long-voi-500-nghin-dong-1149146.html?gidzl=sTLaHZwDacJRms98CPEMQzBAOqSkdvDbpymm6ogPo63FpsfEAyoPC9gVRXuiciuspSji7MJIOC4QEOMTQ0

Related Post

Sample Plan