NÉT ĐẸP VĂN HÓA TẾT CỔ TRUYỀN CHÔL CHNĂM THMÂY CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHMER Ở VĨNH LONG

13/04/2023 1353 0

Nước Việt Nam ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống chan hòa, nghĩa tình và luôn đoàn kết trong xây dựng và phát triển kinh tế. Riêng ở Vĩnh Long, một vùng đất nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có 3 dân tộc cùng nhau sinh sống chủ yếu là: Dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Người Khmer Vĩnh Long có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú, bao gồm: Ngôn ngữ và chữ viết, văn hóa, nghệ thuật, lễ hội và tôn giáo. Những nét văn hóa, nghệ thuật, lễ hội thường diễn ra như Sen Đôlta, Óc Om Bok… Đặc biệt là Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây thu hút rất nhiều du khách đến với Vĩnh Long.

Đa số đồng bào dân tộc khmer đều theo Phật giáo Nam tông khmer, nên mỗi lần sinh hoạt Tết Chôl Chnăm Thmây đều diễn ra tại chùa. Vào mọi dịp này ở từng ngôi chùa các vị sư và tín đồ làm vệ sinh từ ngoài cổng cho đến sân chùa và vào trong các ngôi chánh điện, sala… Ở từng ngôi nhà, bà con đồng bào dân tộc khmer đều sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà và chuẩn bị sắm sửa trang phục truyền thống của dân tộc mình, ăn mặc gọn đẹp, chuẩn bị nhang, đèn, gạo, rượu, thịt, làm bánh… để phục cho việc ăn uống, tiếp khách và dâng cho nhà chùa.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp đón mừng năm mới và cầu chúc cho vạn sự tốt lành, người người mạnh khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chôl Chnăm Thmây (hoặc Chaul Chnam Thmay) là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmay” là “Năm Mới”. Hằng năm, lễ hội thường diễn ra vào khoảng giữa tháng Tư Dương lịch, bao gồm nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian. Lễ hội có nhiều nét tương đồng với nhiều quốc gia trong khu vực như: Tết Bunpimay của Lào, Tết Songkran của Thái Lan, hay Tết Thingyan của Myanmar.

Trong ngày Tết đầu tiên - Chôl sangkran Thmây, người Khmer sẽ chọn giờ tốt nhất trong ngày, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran,” đồng thời diễu hành 3 vòng chung quanh chính điện để đón chào Têvêđa. Tối đến sẽ tổ chức các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như hát, múa dukê, robăm, ramvông...

           Đồng bào dân tộc Khmer đi cúng chùa

Ngày Tết thứ hai - Wonbơf (năm nhuận tổ chức 2 ngày), mọi người bày tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang đồ ăn thức uống đến cho các sư sãi. Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no, đầy đủ. Buổi chiều theo sự hướng dẫn của vị Achar, mọi người làm lễ “Đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành. Tập tục này gắn với thuật cầu mưa của người xưa.

Ngày Tết thứ ba - Lơm săk, còn gọi là ngày Lễ tắm Phật. Các nhà sư dùng những cành hoa, vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật. Trong làn khói hương, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Trời Phật gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi và được mùa.

Xong nghi thức tại chùa, người ta mời sư sãi đến các ngôi tháp đựng cốt để làm lễ cầu siêu (Băng - Skôl) cho vong linh những người quá cố. Ở từng ngôi nhà đồng bào Khmer mời các vị sư sãi đến nhà Tụng kinh cầu siêu cho bàn thờ tổ tiên và những ngôi mộ của gia đình để thể hiện lòng thành kính đến tổ tiên, ông bà đã quá cối trong năm. Chùa Phật giáo Nam tông Khmer là nơi sinh hoạt văn hóa, là chỗ dựa tinh thần và cũng là nơi tín ngưỡng tôn nghiêm nhất dành cho cả cộng đồng. Nên bất kỳ ngày lễ hay Tết của đồng bào Khmer cũng đều được diễn ra và kết thúc tại chùa.

Tết Chôl Chăm Thmây không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kì chuyển vận của một năm mà còn nhằm giáo dục và thể hiển tấm lòng hiếu thảo của con người, đồng thời cũng thể hiển sự đoàn kết gắn bó tình đoàn kết tình yêu thương với nhau và cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau chia phúc, chúc mừng, hỏi thăm, bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm. Tết Chôl Chnăm Thmây ở Vĩnh Long còn là dịp để đồng bào Khmer gửi gắm ước mơ hạnh phúc, lòng hướng thiện và lòng báo ân, hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình trong năm.

Khi đến với Vĩnh Long vào dịp Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, du khách sẽ có cơ hội hiểu thêm về nét đẹp văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán độc đáo của người Khmer và có thêm trải nghiệm mới về mảnh đất và con người nơi đây nhé./.

                                                                                      Bích Trang

 

 

Related Post

Sample Plan