ĐỘC ĐÁO BÁNH DÂN GIAN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở VĨNH LONG

12/10/2022 2127 0

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc, Vĩnh Long là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Ngoài người Kinh chiếm đa số, còn có 19 dân tộc thiểu số khác như Khmer, Hoa, Chăm, Mường, Thái, Mông, Thổ,… Trong đó, người Khmer chiếm 2,21%; người Hoa chiếm 0,35%; các dân tộc khác chiếm 0,03 %.

Người Khmer ở Vĩnh Long sinh sống xen kẽ với người Kinh và người Hoa, hầu hết ở vùng nông thôn, tập trung tại 11 xã thuộc các huyện: Bình Minh, Vũng Liêm, Tam Bình, Long Hồ và đông nhất tại huyện Trà Ôn. Trong quá trình cộng cư, những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer đã đóng góp tích cực vào bản sắc văn hóa của địa phương, không chỉ thể hiện qua các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, các lễ hội truyền thống mà còn độc đáo với nền ẩm thực đặc trưng, phong phú và nổi bật trong số đó là các loại bánh dân gian. Một số loại bánh thường được thấy trong các dịp lễ hội, đám tiệc như bánh ống, bánh thốt nốt, bánh xếp, bánh dứa, bánh ăn trộm, bánh cần cù, cốm dẹp…

Bánh ống: Loại bánh được làm từ gạo,xay mịn, trộn với đường, nước cốt dừa, một ít lá dứa xay nhuyễnlấy nước. Nguyên liệu sau khi trộn xong sẽ cho vào ống tre và đặt vào nồi hấp cách thủy. Khi bánh chín được lấy ra và đặt lên mâm, dĩa. Bánh ống ăn kèm với nước cốt dừa, muối mè hoặc đậu phộng.

Bánh Thốt nốt: Bánh mang tên một loại cây đặc trưng trong phum sóc người Khmer, được làm từ bột gạo, đường, thốt nốt sau đó trộn lại đậy kín cho lên men. Tiếp theo là gói lá chuối hoặc để trong chén đưa vào vỉ hấp chín.

Bánh xếp: Bánh được làm từ bột gạo trộn với bơ, đường, sữa và nức cốt dừa. Nhân của bánh được làm bằng dừa khô nạo nhuyễn, xào với đường. Sau đó cho vào khuôn đặt trên bếp than nướng.

 

Bánh dứa – Ọm Chiếl: Đây là loại bánh cổ truyền được dùng vào các ngày lễ hội, ngày tết để cúng ông bà và cúng phật và mang vào chùa dâng cho các sư sãi. Bánh còn có tên là bánh rây vì người ta dùng một cái rổ bằng lưới mịn để rây bột xuống chảo. Còn gọi là bánh dứa vì loại bánh này muốn thom ngon, nếp phải xay chung với lá dứa.

Bánh ăn trộm – Num chô: Là loại bánh truyền thống dùng trong lễ cưới của người Khmer. Bánh được làm bằng gạo trắng vọt sạch, để ráo sau đó cho vào cối vọt nát, khi vọt dùng sàng rây nhiều lần và giã thật nhuyễn. Thắng nước đường, bỏ bột vào khuấy đều, sau đó nắn từng cái và bỏ vào chảo chiên.

Bánh cần cù – Num ram: Là loại bánh dân dã có từ lâu đời, được làm từ gạo rây nhuyễn, trộn với đường, để vài giờ rồi đưa vào chiên. Bánh này có thể để ăn được vài ngày.

Cốm dẹp “Ombok” là một món ăn cổ truyền mang tính đặc trưng dân tộc Khmer Nam Bộ. Đây là loại bánh không thể thiếu trong lễ hội “Okang bok”– một hội lễ gắn với chu trình trồng trọt các loại ngũ cốc và cầu mùa màng. Món cốm dẹp được làm từ những hạt lúa non mới gặt còn thơm ngát, đem rang lên có ngào thêm nước quả thốt nốt. Cốm dẹp vừa ngọt vừa béo, nếu ai dùng qua một lần sẽ nhớ mãi hương vị hiếm có từ món ăn đặc sản của đồng bào Khmer.

Ngày nay, bánh dân gian của người Khmer không chỉ sử dụng trong cộng đồng làng xã mà theo xu hướng phát triển của xã hội, nhu cầu và thị hiếu của người dân tăng lên nên có một số loại bánh được bày bán ở các chợ. Ngoài ra, bánh còn hiện diện trong các dịp lễ hội lớn của địa phương như lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương, lễ hội Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn,.. Để bảo tồn và tăng cường phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer nói riêng, thiết nghĩ ngành chức năng cần có nhiều giải pháp phù hợp, linh hoạt nhất là khai thác trong lĩnh vực du lịch. Cần giới thiệu các sản phẩm bánh dân gian và nghệ nhân đến các doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện tham gia các sự kiện quảng bá,trình diễn ẩm thực phục vụ khách du lịch./.

Kim Hường

 

Related Post

Sample Plan