Đến Vĩnh Long, nhớ thăm không gian văn hóa đầy ý nghĩa

05/02/2018 14225 0

Đến Vĩnh Long, ngoài tham quan, trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, đạp xe quanh đường làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân tại các cơ sở homestay và tận hưởng không khí trong lành do thiên nhiên ban tặng, du khách cũng đừng quên đến tham quan, tìm hiểu cụm công trình, một không gian văn hóa đầy ý nghĩa được xây dựng tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, nhằm ghi nhận những sự kiện lịch sử, những chiến công hiển hách của quân và dân Vĩnh Long trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Tượng đài lưu dấu hai anh hùng xả thân vì nước

Từ trung tâm TP Vĩnh Long, du khách đi xe mô tô hoặc ô tô theo Quốc lộ 53 khoảng 40km là đến thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm. Tại đây, du khách dễ dàng nhận ra cụm công trình văn hóa gồm: Bia Nam kỳ khởi nghĩa, tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao và Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao được xây năm 2004 tại ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm, có chiều cao 7,5m, chất liệu đồng, nặng 21,5 tấn. Tượng được xây dựng nhằm tưởng niệm 2 anh hùng dân tộc là Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao trong buổi đầu lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp.

 

 
Bên tượng đài Lê Cẩn - Nguyễn Giao

 

Ngày 20/6/1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ hai, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Vĩnh Long vùng lên tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Đầu tiên có nhóm Đàng cựu (là nhóm quan triều đoàn kết khởi binh), rồi đến hai con của Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm phất cờ phản kháng, nhưng lần lượt thất bại…Trước sự đàn áp của quân xâm lăng, lòng dân yêu nước càng sôi máu căm hờn, khoảng năm 1872 cuộc khởi nghĩa ở Vũng Liêm bừng dậy, lãnh đạo phong trào kháng Pháp này là Lê Cẩn và Nguyễn Giao.

Lê Cẩn và Nguyễn Giao đều xuất thân là nông dân, nhưng có ít nhiều học thức, lại có tấm lòng yêu nước nồng nàn, nên khi hai ông đứng lên kêu gọi nhân dân kháng Pháp đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nông dân và sĩ phu quanh vùng. Vào một đêm của năm Nhâm Thân (1872), thực hiện chiến lược của Lê Cẩn- Nguyễn Giao, Phó Mai kéo nhóm dân quân chừng vài ba mươi người đánh phá chợ quận Vũng Liêm, giết chủ quận tên Thực và 6 tên lính. Sau chiến thắng vang dội này, quân Pháp tiến hành đàn áp dữ dội và chúng đưa đốc phủ Tôn Thọ Tường đến trấn nhậm Vũng Liêm thay tên chủ quận đã bị nghĩa binh hạ sát, ngoài ra còn có tên tham biện Alix Salicetti nổi tiếng nham hiểm đi cùng, nhưng lực lượng kháng chiến không nao núng, tạm thời rút lui, ẩn náo chờ thời cơ phản kích.

Để tiêu diệt tên Salicetti, Lê Cẩn nghĩ ra kế trá hàng, dụ địch vào bẫy phục kích của nghĩa quân tại Cầu Vông. Ngày 15/2/1872, Salicetti dẫn đoàn tùy tùng đến Vũng Liêm gặp nghĩa quân. Khi đến Cầu Vông, Đốc binh Lê Cẩn vừa thấy Salicetti ngồi ngựa đến gần đầu cầu liền chống tầm vông nhảy vọt qua, ôm Salicetti vật ngã xuống đất. Vào lúc ấy, tiếng trống trận vang rền, Nguyễn Giao kéo nghĩa quân chặn đường rút lui của lính Pháp và giết trên 10 tên. Trong khi đó, Đốc binh Lê Cẩn và Salicetti ôm vật nhau rơi xuống sông và cùng chết dưới nước. Nguyễn Giao lấy thủ cấp Salicetti và cùng dân, quân chôn cất Đốc binh Lê Cẩn bên một mé rừng.

Sau đó, tên tổng đốc Trần Bá Lộc đem theo quân bắt và giết hết dân trong ấp. Thây người lấp cả “Vũng Linh” (nay đọc trại ra là Vũng Liêm), nhà cửa nhân dân cũng bị đốt sạch. Nguyễn Giao tiếp tục kháng Pháp, nhưng đại sự không thành, ông bị giặc bắn thác tại sông Cổ Chiên và thây người chí sĩ trẻ tuổi bị trôi mất tích. Tuy hai anh hùng, chí sĩ đã hy sinh, nhưng tên tuổi của Đốc binh Lê Cẩn- Nguyễn Giao vẫn sống mãi với sử xanh, được các thế hệ hôm nay lưu nhớ.

Bia Nam kỳ khởi nghĩa và Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Cạnh bên tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao là bia Nam kỳ khởi nghĩa, nơi ghi lại những sự kiện lịch sử hào hùng của nhân dân Vĩnh Long nói chung, huyện Vũng Liêm nói riêng trong quá trình kháng Pháp.

Theo kế hoạch, tại Vũng Liêm đúng 12 giờ đêm ngày 22/11/1940, lực lượng khởi nghĩa có 80 người do đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Quận ủy Vũng Liêm chỉ huy tiến công dinh quận, trại lính, bưu điện. Binh lính địch và quận trưởng Hải hoảng sợ chạy trốn. Lực lượng khởi nghĩa chiếm trại lính, thu vũ khí, thiêu hủy hồ sơ, sổ sách và đốt dinh quận. Trong 90 phút, lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ toàn bộ quận lỵ Vũng Liêm. Lần đầu tiên cờ cách mạng tung bay ở quận lỵ Vũng Liêm.

Ở cánh quân khác, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng đồng chí Hồ Chí Thiện chỉ huy đánh chiếm bến phà Nước Xoáy. Sau đó, vượt sông, chiếm đồn Nước Xoáy, diệt 5 tên địch, thu 3 súng, đục thủng 2 chiếc phà qua sông Măng Thít, cắt đường dây thép, cắt đứt giao thông từ Vĩnh Long xuống Vũng Liêm, bao vây tề xã, treo cờ cách mạng, họp mít tinh mừng thắng lợi.

Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1938, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên Vũng Liêm, là một trong những người tổ chức, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Vũng Liêm (1940) và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Rạch Giá từ 1941- 1945.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt được giao đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam bộ; Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang; Bí thư Khu ủy T.4 Sài Gòn- Gia Định; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Khu ủy Khu 9 (khu Tây Nam bộ); Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III; Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn; Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Ủy viên Bộ Chính trị; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Phó Chủ tịch Thường trực rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng; Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cùng nhiều chức vụ quan trọng khác.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992- 1997), đồng chí Võ Văn Kiệt được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Từ tháng 12/1997- 4/2001, đồng chí được Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Võ Văn Kiệt là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX. Đồng chí Võ Văn Kiệt mất ngày 11/6/2008.

Để ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt theo lối kiến trúc thân thiện, rộng mở, hài hòa, nhưng không kém phần trang trọng trong tổng thể không gian văn hóa của huyện Vũng Liêm gồm: Tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao, bia Nam kỳ khởi nghĩa, cùng nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày đã tái hiện một cách sống động quá trình hoạt động cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong công cuộc kiến quốc sau chiến tranh.

Từ khi khánh thành đưa vào sử dụng (23/11/2012) đến nay, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt trở thành “địa chỉ đỏ” cho các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống và là một trong những địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đến du lịch tại Vĩnh Long. Năm 2015, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã công nhận Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực. 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu