Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững của tỉnh Vĩnh Long: thực trạng và giải pháp

22/08/2018 13432 0

PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

CỦA TỈNH VĨNH LONG: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY VĨNH LONG

 

Loại hình du lịch gắn với nông nghiệp từ lâu đã được các nước trên thế giới áp dụng, các nước Châu âu đã quan tâm đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp từ thập niên 80 thế kỷ trước. Thực tiễn đã chứng minh việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp vừa đem lại hiệu quả tích cực về kinh tế, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường tự nhiên, ít xáo trộn đến đời sống xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Việt Nam đang phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng với xuất phát điểm là một nước nông nghiệp. Sản phẩm và dịch vụ từ hoạt động nông nghiệp đã in sâu vào cuộc sống của người dân. Từ xa xưa, hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa giữa du khách và người nông dân địa phương được xem là hoạt động thương mại đơn giản của cuộc sống thường nhật nhưng cũng có thể xem đó như là khởi điểm của du lịch nông nghiệp. Trong những năm gần đây, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái đang dần trở thành xu hướng phát triển chung đối với ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong đó có tỉnh Vĩnh Long,với đặc điểm là một tỉnh thuần nông hội tụ những đặc điểm tiềm năng và lợi thế "sông, nước" để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.

Phát triển du lịch canh nông vẫn còn nhiều khó khăn

Tỉnh Vĩnh Long nằm ở hạ lưu sông MêKông, giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 136 km về hướng Nam, cách thành phố Cần Thơ 33 km về hướng Bắc, tiếp giáp 06 tỉnh và thành phố Cần Thơ. Có 05 quốc lộ đi qua và nối liền hai bờ sông Tiền là cầu Mỹ Thuận và sông Hậu là cầu Cần Thơ, cùng với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, phân bố tương đối đồng đều đã tạo điều kiện cho Vĩnh Long trở thành đầu mối giao thông nối liền giữa các vùng trong khu vực và lưu thông quốc tế thông qua các cửa biển: Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Định An,... Hầu hết diện tích của tỉnh đều có nước ngọt quanh năm và hàng năm được bồi đắp một lượng phù sa của sông Tiền và sông Hậu, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, đã tạo nên những cánh đồng lúa vùng cây ăn trái đặc sản, như bưởi 5 roi, cam sành, quýt đường, nhãn, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm,... cùng những loài thủy sản nước ngọt như tôm càng xanh, cá tra, cá ngát, cá cóc, cá điêu hồng,...

Vĩnh Long có nhiều di tích văn hóa, lịch sử như: Nhà thờ Quốc Tổ Hùng Vương và các bậc tiền hiền thời vua Hùng, Văn Thánh Miếu, Văn Xương Các, chùa Tiên Châu, miếu Công Thần, đình Tân Giai, đình Tân Hoa, khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, khu lưu niệm cố giáo sư, viện sĩ, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa,... và với vẻ đẹp đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước, môi trường sinh thái còn khá tốt, Vĩnh Long rất hấp dẫn du khách bởi nét đặc trưng vốn có của tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.

Từ những năm 1990, tỉnh đã quan tâm tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, với hai tuyến du lịch chính theo dòng sông Tiền và sông Hậu. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển các điểm du lịch ở cù lao An Bình (huyện Long Hồ) phục vụ khách du lịch với mô hình "Tây ngủ nhà ta" với nhiều khẩu hiệu quảng bá như: Du lịch trong màu xanh đồng bằng sông Cửu Long, Du lịch sinh thái miệt vườn, Du lịch làng quê, Du lịch cộng đồng,...

Trong quá trình phát triển, hoạt động du lịch ở Vĩnh Long luôn gắn với nông nghiệp - lấy sản phẩm nông nghiệp làm nền tảng phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương. Người nông dân sản xuất với quy mô hộ gia đình, sản phẩm nông nghiệp gồm các vật nuôi, cây trồng, thực phẩm dinh dưỡng, cây dược liệu, sinh vật cảnh, nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm chế biến phục vụ nhu cầu ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gốm,... đều mang tính đơn lẻ, chưa liên kết chặt chẽ với nhau và chưa có khả năng tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm du lịch, các nông hộ chỉ thực hiện theo yêu cầu của các doanh nghiệp lữ hành, chưa có khả năng tạo sản phẩm mới chất lượng phục vụ du khách. Theo thời gian, việc trao đổi, mua bán hàng hóa dần trở nên chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ ngày càng được quan tâm theo hướng phục vụ du khách, hình thành nên những nông trang, vùng sản xuất chuyên canh gắn với du lịch như: vùng sản xuất cải xà lách xoong ở thị xã Bình Minh, khoai lang Bình Tân, các vườn chuyên canh cây ăn trái phục vụ du khách như vườn bưởi Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh), vườn cây trái bốn mùa ở cù lao An Bình (huyện Long Hồ), các điểm du lịch homestay (Út Trinh, Phương Thảo,....), khu du lịch Vinh Sang,… Nhìn chung, du lịch gắn với nông nghiệp đã từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến Vĩnh Long.

Thu hoạch chôm chôm ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ

Ngày nay, với cường độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, con người luôn bị áp lực với công việc, môi trường làm việc căng thẳng cùng với ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng ở các khu vực đô thị, du lịch để hưởng thụ không gian xanh, sạch, đẹp, an toàn và yên bình là nhu cầu lớn của cư dân đô thị. Nắm bắt được nhu cầu này, đối với những người làm du lịch, nhất là đối với các đơn vị kinh doanh lữ hành xem du lịch nông nghiệp không chỉ đơn thuần là việc sử dụng những sản phẩm được tạo ra từ hoạt động nông nghiệp, mà còn tạo cho khách có những trải nghiệm với những hoạt động thường nhật của người dân địa phương như tham gia một ngày làm nông dân trên đồng ruộng, tát mương bắt cá, trồng, chăm sóc cây trồng, một ngày làm địa chủ,... Thông qua các doanh nghiệp lữ hành, du lịch nông nghiệp được phát triển rộng hơn đó là du lịch nông nghiệp - nông thôn. Song song với việc sử dụng những sản phẩm nông nghiệp là việc tham quan cảnh quan vùng nông thôn với những vườn cây ăn trái, những cánh đồng lúa, những trang trại,.... cùng với đó du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm phong tục, tập quán canh tác và nét đẹp văn hóa của địa phương. Từ các hoạt động trên đã thu hút khách du lịch đến với du lịch nông nghiệp ngày càng đông. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 20 điểm vườn cây ăn trái tham gia phục vụ khách du lịch, thuộc cù lao An Bình (huyện Long Hồ), cù lao Lục Sỹ Thành (huyện Trà Ôn), cù lao Quới Thiện (huyện Vũng Liêm). Hiệu quả mang lại từ việc tham gia phục vụ khách du lịch khá lớn, làm gia tăng lợi nhuận cho các nhà vườn và tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Vào lúc cao điểm mùa trái cây, hàng ngày một số điểm vườn đón trên 100 du khách đến tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn.

Đặc biệt, khách du lịch quốc tế rất quan tâm và thích trải nghiệm loại hình du lịch homestay "Tây ngủ nhà ta", tập trung nhiều ở 04 xã cù lao An Bình, huyện Long Hồ, với 25 homestay với đủ loại hình từ dân dã đến hiện đại, mỗi năm thu hút 200.000 lượt khách nước ngoài, với nhiều hoạt động trải nghiệm tham gia sản xuất nông nghiệp cùng người dân, như nuôi thủy sản, thu hoạch trái cây, câu cá, chế biến món ăn, thức uống, thưởng thức hát bội, đàn ca tài tử và các loại hình giải trí dân gian khác…

Song, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp ở Vĩnh Long còn có một số khó khăn. Toàn tỉnh có trên 25 làng nghề và nghề truyền thống đã được công nhận như làng nghề gốm (huyện Mang Thít), làng nghề trồng lát (huyện Vũng Liêm), làng nghề đan thảm lục bình (huyện Tam Bình),.... với nhiều sản phẩm gia dụng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Song, chủ yếu là gia công sản xuất sản phẩm thô, chưa được chế tác hoàn chỉnh để có tính thẩm mỹ cao, chưa thể tạo ra sản phẩm lưu niệm phục vụ đại trà cho khách du lịch nên chưa gắn kết được nhiều với hoạt động du lịch, chủ yếu phục vụ tham quan trải nghiệm.

Du khách quốc tế tham quan trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái Vĩnh Long

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đang xây dựng đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến Bảo tàng được thành lập với mục đích tôn vinh nền văn minh nông nghiệp và người nông dân, vừa lưu giữ, trưng bày giới thiệu các nông cụ, phương tiện sản xuất nông nghiệp, phong tục, tập quán, sinh hoạt, vừa tạo không gian văn hóa để tái hiện và trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể gắn với đời sống cư dân nông nghiệp. Tỉnh đã tổ chức sưu tầm 1.000 hiện vật nông, ngư cụ, phản ánh gần như toàn diện đặc trưng tập quán sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn của các địa phương, các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bộ sưu tập nông, ngư cụ nêu trên được đánh giá là bộ sưu tập độc đáo và có giá trị về phong tục, tập quán, sản xuất nông nghiệp. Bảo tàng được xây dựng là sự tổng hợp quá trình hình thành, phát triển các sản phẩm nông nghiệp của vùng, là cơ sở trải nghiệm và là điểm đến hấp dẫn để phát triển sản phẩm nông nghiệp phục vụ khách du lịch cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, tỉnh Vĩnh Long cần triển khai, đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:

- Các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp tạo ra là rất phong phú và đa dạng, luôn gắn liền với văn hóa ẩm thực du lịch và các hoạt động du lịch nông nghiệp trải nghiệm từ lạc hậu đến hiện đại, vấn đề là phải nâng cao nhận thức và đào tạo để nông dân biết thiết kế sản phẩm, quy trình trải nghiệm đảm bảo sự hài lòng và lòng tin về tính tiện ích, an toàn của sản phẩm, đáp ứng được sự mong đợi của du khách.

- Sản phẩm nông nghiệp tham gia phục vụ du khách quốc tế, là một hình thức xuất khẩu tại chỗ có hiệu quả cao. Vì vậy, người nông dân cần hỗ trợ nâng cao kiến thức chuyên môn, quy trình công nghệ sản xuất, sản xuất ra sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, chuyên môn và kỹ năng phục vụ du khách,... để người dân có khả năng sáng tạo các sản phẩm từ nông nghiệp, tạo được niềm tin về an toàn vệ sinh thực phẩm để giới hiệu, quảng bá sản phẩm trực tiếp đến với khách hàng.

- Du lịch nông nghiệp tham gia trải nghiệm hoạt động sản xuất của người nông dân địa phương; du lịch nông thôn tham quan cảnh quan vùng quê và những hoạt động của người dân như chèo thuyền thưởng ngoạn phong cảnh ven sông, ngắm đom đóm về đêm, chạy xe đạp trên đường làng, tham gia sản xuất và các hoạt động văn hóa địa phương .... Có thể hiểu, du lịch nông thôn là sự tổng hợp, liên kết nhiều loại hình du lịch ở địa phương. Khi xây dựng nông thôn mới cần quan tâm đến việc kết hợp với phát triển du lịch như nông thôn xanh, sạch, đẹp, mỗi làng, ấp có sản phẩm đặc trưng như làng nghề, trồng một loại hoa, sinh vật cảnh, trang trí hàng rào, cổng nhà tạo ấn tượng và mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch để thu hút du khách đến tham quan. Để du lịch nông nghiệp phát triển bền vững cần phải có sự gắn kết với du lịch nông thôn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp làm du lịch và cộng đồng dân cư tham gia vào chuỗi giá trị của chương trình.

Đặc sản bưởi Năm Roi Vĩnh Long

- Có quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp theo một quy chuẩn cụ thể, kiểm soát được đầu vào và đầu ra của sản phẩm; nhà nước hỗ trợ xây dựng chương trình quảng bá cho loại hình du lịch này, đảm bảo du lịch nông nghiệp được thực hiện quanh năm theo mùa vụ. Có giải pháp hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên và tập huấn cho những người tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn có trình độ lý luận và thực tiễn, năng động, ấn tượng nhằm giúp cho du khách hiểu biết thêm về nguồn gốc hình thành sản vật, hiểu biết về lịch sử văn hóa canh tác, nuôi trồng, sơ chế và quá trình thương mại hóa sản phẩm nhằm kích thích sự tò mò của du khách, đồng thời cũng thông qua thuyết minh sẽ giới thiệu được nét đẹp phong phú về văn hóa của địa phương.

- Kiến nghị Nhà nước có chính sách cụ thể để tạo kênh phân phối sản phẩm nông thôn bằng cách hỗ trợ thành lập các hợp tác xã để tập hợp xã viên tạo nhiều sản phẩm; tạo điều kiện đào tạo kỹ năng nghề, thiết kế sản phẩm, nghiên cứu thị trường và có khả năng  tạo chuỗi sản phẩm có chất lượng cao phục vụ khách du lịch.

- Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động du lịch mở nhiều phòng trưng bày bán sản phẩm làng nghề, sản vật địa phương đã được chọn lọc, sáng tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách nội địa và quốc tế.

Tóm lại, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa cao, vì vậy để cho các loại hình du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp được phát triển bền vững thì rất cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và những quyết sách mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông thôn mới, tạo cho du lịch nông nghiệp có không gian hoạt động và phát triển bền vững.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu