Phát triển du lịch Vĩnh Long trở thành ngành công nghiệp văn hóa

22/08/2018 13157 0

PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĨNH LONG

TRỞ THÀNH NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

Lữ Quang Ngời

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long

 

Cơ sở phát triển du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Du lịch vốn được mệnh danh là ngành "công nghiệp không khói". Đến tháng 9 năm 2016, khiChiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành du lịch văn hóa được chính thức ghi nhận là 1 trong số 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được lựa chọn tập trung phát triển trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Chiến lược nêu rõ, các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Có thể nói, công nghiệp văn hóa là sự tập hợp các ngành kinh tế khai thác và sử dụng hiệu quả tính sáng tạo, kỹ năng, sở hữu trí tuệ, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có ý nghĩa văn hóa xã hội; nhấn mạnh đến hai yếu tố công nghiệp và sáng tạo. Sự kết hợp giữa hai yếu tố công nghiệp và sáng tạo đã tạo nên đặc trưng của ngành công nghiệp này. Nói cách khác, năng lực sáng tạo của cá nhân thông qua các phương tiện công nghệ hiện đại tạo nên một ngành kinh doanh hùng mạnh, giàu tiềm năng, chứa đựng cả giá trị kinh tế lẫn văn hóa. 

Ở nước ta, chính sách kinh tế trong văn hóa đã được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa VIII (1998). Nhưng phải đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2014), lần đầu tiên khái niệm công nghiệp văn hóa mới được chính thức nêu trong văn kiện của Đảng, nhằm xác lập chủ trương nhất quán về phát triển công nghiệp văn hóa. 

Du lịch sông nước sinh thái Vĩnh Long (Ảnh: Vinh Hiển)

Tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 17/5/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (kèm theo Quyết định số 1038/QĐ-UBND); trong đó, du lịch văn hóa được chọn là 1 trong 5 ngành công nghiệp văn hóa thế mạnh của tỉnh được ưu tiêu tập trung phát triển đến năm 2020, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

 

Thực trạng du lịch Vĩnh Long với các yếu tố phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Thực trạng cho thấy, ngành du lịch của Vĩnh Long đang có những điều kiện cần để phát triển trở thành một ngành công nghiệp văn hóa hoàn chỉnh, cụ thể gồm các yếu tố sau:

- Yếu tố về tài năng sáng tạo, nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo ra những sản phẩm du lịch; yếu tố công nghệ để sáng tạo nên sản phẩm du lịch

Thời gian qua, các sản phẩm du lịch của tỉnh chủ yếu là du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch homestay, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch danh nhân,…; một số sản phẩm mới được đưa vào thử nghiệm như loại hình hát bội đã thu hút đông đảo du khách và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các công ty du lịch.

Tuy nhiên, nhiều năm qua du lịch Vĩnh Long chưa xác định được sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, còn trùng lắp với các địa phương lân cận có điều kiện tự nhiên mang tính tương đồng như: Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ….

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đang xây dựng Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng "Bảo tàng sinh thái" nhằm mục đích vừa tôn vinh nền văn minh nông nghiệp và người nông dân, vừa lưu giữ, trưng bày giới thiệu các nông cụ, phương tiện sản xuất nông nghiệp, phong tục, tạp quán, sinh hoạt, tạo không gian văn hóa để tái hiện và trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể gắn với đời sống cư dân nông nghiệp, mở ra nhiều triển vọng về sản phẩm du lịch của tỉnh Vĩnh Long trong tương lai.

Cùng với Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù đang dự thảo lấy ý kiến đóng góp, Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch và Đề án giới thiệu hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long đang được đẩy mạnh triển khai sẽ thúc đẩy du lịch Vĩnh Long trong thời gian tới.

- Yếu tố về tiềm năng hay vốn văn hóa, tài nguyên du lịch sẵn có

+ Về tài nguyên du lịch tự nhiên,

Vĩnh Long là vùng đất không rừng, không núi và không biển như một số tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, Vĩnh Long có ưu thế về vị trí địa lý là tỉnh trung tâm khu vực đồng bằng, cùng với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt và những vườn cây ăn trái trĩu quả, khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm, tạo điều kiện hình thành các điểm du lịch có tiềm năng khai thác ở các xã cù lao trên sông Tiền và sông Hậu.

Hiện nay, Vĩnh Long có 40 điểm tham quan du lịch, với 26 điểm du lịch Homestay (du lịch trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cộng đồng và văn hóa bản địa), khách du lịch có thể hòa mình vào thiên nhiên và trở thành thành viên trong gia đình để cùng khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương như: chèo xuồng, tát mương bắt cá, tham quan vườn trái cây, thưởng thức đờn ca tài tử, hát bội, cùng các món ăn dân dã; tiêu biểu là Cụm Homestay Út Trinh đạt danh hiệu "Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN" theo tiêu chuẩn ASEAN 2017 - 2019,…

+ Về tài nguyên du lịch văn hóa,

Vĩnh Long là vùng đất được mệnh danh địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng nên có hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa khá phong phú. Hiện nay, Vĩnh Long là một trong số ít tỉnh, thành phố còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng, đặc trưng cho truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Trong đó, có 44 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 11 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia… Đặc biệt, người dân thân thiện và giàu lòng mến khách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử và tâm linh như: di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, di tích lịch sử Văn Thánh Miếu, chùa Tiên Châu…

- Yếu tố về kỹ năng kinh doanh, những yếu tố giúp đưa sản phẩm du lịch đến với thị trường; yếu tố công nghệ để quảng bá, phân phối sản phẩm du lịch

Kênh đưa sản phẩm du lịch đến với thị trường, phân phối sản phẩm du lịch đến với công chúng là các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh hiện nay được thực hiện bằng nhiều hình thức như cổ động trực quan, tờ bướm, trang thông tin điện tử, tham gia các hội nghị xúc tiến du lịch, chương trình truyền hình. Thông tin quảng bá du lịch trên trang web Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch hàng năm thu hút trên 2,5 triệu lượt người truy cập, nâng tổng số lượt truy cập từ khi xây dựng trang web đến nay trên 15 triệu lượt. Đã in 12.000 ấn phẩm du lịch như bản đồ du lịch, tập gấp,… bằng tiếng Việt và tiếng Anh; quảng bá trên kênh truyền hình VTC10, Đài Truyền hình Vĩnh Long; tổ chức nhiều đoàn Famtrip quảng bá điểm đến của tỉnh, đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao trong nước và giải thi đấu thể thao quốc tế... góp phần thu hút khách du lịch đến Vĩnh Long.

Hiện tại, tỉnh đang ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện Cổng thông tin du lịch thông minh phục vụ cho công tác quảng bá điểm đến du lịch của tỉnh, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu dịch vụ của cơ sở đến với du khách.

Giải pháp thúc đẩy ngành du lịch Vĩnh Long trở thành một ngành công nghiệp văn hóa hoàn chỉnh

Trong thời gian tới, để thúc đẩy ngành du lịch Vĩnh Long trở thành một ngành công nghiệp văn hóa hoàn chỉnh, cần tiến hành các giải pháp sau:

a) Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch cần tuyên truyền sâu rộng để các ngành, các cấp nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có chính sách đột phá của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Vĩnh Long.

b) Tham mưu ban hành thể chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long; Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Quy hoạch phát triển văn hóa, du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030".

Tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích, thu hút và hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh theo quy định của Luật Du lịch 2017.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành Du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa.

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch.

c) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch, tập trung nguồn lực sáng tạo ra các sản phẩm du lịch có giá trị kinh tế cao.

Hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan đến các dự án phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch như dự án xây dựng bến tàu du lịch, dự án nâng cấp và mở rộng điểm du lịch quốc gia Văn Thánh Miếu, tiếp tục thực hiện giai đoạn II về phố đi bộ, tiếp tục xây dựng và cải tạo hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch (trước mắt là tập trung thực hiện trên địa bàn trung tâm phường 1, TP. Vĩnh Long);

Tiếp tục mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển văn hóa - du lịch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2202/QĐ-UBND ngày 16/10/2017. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.

Đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh để tạo ra những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn thu hút du khách đến Vĩnh Long. Tổ chức sưu tầm nghiên cứu các di sản văn hóa Vĩnh Long xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Tham mưu đề xuất tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp khu vực và toàn quốc, các sự kiện văn hóa, lễ hội làm điểm nhấn thu hút khách du lịch đến địa phương.

d) Phát triển nguồn nhân lực du lịch

Đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch.

e) Tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch

Đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Duy trì và phát triển cổng du lịch thông minh, tham gia quảng bá điểm đến du lịch của tỉnh tại các hội chợ, hội thảo chuyên ngành như Hội chợ lữ hành quốc tế (I.T.E) và Ngày hội du lịch được tổ chức định kỳ hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh, hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) tổ chức tại Hà Nội.

Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành Du lịch.

Tiếp tục tổ chức cuộc thi thiết kế logo và slogan du lịch Vĩnh Long, cuộc thi sáng tác mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của tỉnh. Sản phẩm du lịch Vĩnh Long phải thể hiện được "tính chủ đạo" để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao; tuy nhiên, các sản phẩm du lịch cũng cần phong phú, đa dạng để tạo liên kết với các sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL và của cả nước; trong đó, lưu ý đến việc khai thác các dịch vụ du lịch, tạo được nét văn hóa, văn minh, cảnh quan đô thị đẹp, thu hút cộng đồng dân cư tham gia để vừa thu hút khách du lịch, vừa tăng doanh thu.

Vĩnh Long có hệ thống sông ngòi, kênh rạch và nhiều loại trái cây đặc sản là điều kiện để phát triển du lịch (Ảnh: Vinh Hiển)

g) Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch

Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ngành liên quan để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến phát triển du lịch. Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật của các đơn vị kinh doanh du lịch, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch và tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả điện thoại đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển, gắn kết du lịch Vĩnh Long trong liên kết vùng và liên kết với cả nước.

Tóm lại, du lịch văn hóa được xem là nguồn lực nội sinh quan trọng trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Ngành du lịch văn hóa của Vĩnh Long đã được xác định là ngành có nhiều thế mạnh để phát triển trở thành ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương; do đó, cần nhận diện đầy đủ những vấn đề còn hạn chế, từ đó đề ra giải pháp để thúc đẩy ngành kinh tế đặc biệt này đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho người dân Vĩnh Long./.

Hát bội- một sản phẩm du lịch mới của Vĩnh Long (Ảnh: Minh Tâm)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu