DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG CÁI NGANG – ẤN TƯỢNG MỘT ĐIỂM ĐẾN

31/03/2022 13786 0

Nằm cách trung tâm thành phố Vĩnh Long khoảng 25km, Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang toạ lạc tại Ấp 4, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long hứa hẹn sẽ là điểm đến vô cùng thú vị cho những ai đang muốn tạm rời xa nhịp sống đô thị hối hả, ồn ào để hoà mình tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành và để được học tập, tìm hiểu, khám phá lịch sử.

Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang được khởi công xây dựng ngày 23/10/2002 và khánh thành vào ngày 09/08/2003. Di tích là nơi đặt cơ quan đầu não của Tỉnh uỷ Vĩnh Long từ năm 1966 – 1975. Chính tại nơi đây, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo quân dân trong tỉnh giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968; Tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975.

Di tích tái hiện gần như trọn vẹn đời sống sinh hoạt, làm việc, chiến đấu của Tỉnh uỷ và các bộ phận chuyên môn trong căn cứ dưới sự nuôi chứa và bảo vệ của nhân dân. Tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật, những khối nhà chức năng; được nghe những câu chuyện kể về điều kiện sinh hoạt, làm việc, chiến đấu chúng ta lại càng trân quý, cảm phục sự hy sinh, mưu trí, lòng dũng cảm của thế hệ cha ông đi trước để bảo vệ hoà bình, độc lập cho thế hệ hôm nay.

Chỉ với chiếc cầu chông, được bắt theo hình thức cầu khỉ ở miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại trở thành vũ khí lợi hại để ngăn cản bước tiến của quân thù. Trước khi bắt ngang qua con rạch nhỏ, các đồng chí đã khéo léo cắt phân nửa bên dưới thân cầu và bố trí sẵn các mũi chông sắt nhọn bên dưới lòng rạch. Khi kẻ địch đi ngang qua thì cầu sẽ gãy, chông sẽ đâm vào người, gây thương tích và kinh hoàng cho đồng đội.

Bên trong căn cứ được xây dựng và bố trí nhiều loại hầm khác nhau. Mỗi loại hầm có cách thức xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, mục đích sử dụng và yêu cầu chiến đấu trong căn cứ. Để trú ẩn thì có hầm bí mật; để vừa quan sát chiến đấu, vừa trú ẩn thì có công sự, trảng xê; Còn để gây thương tích, hạn chế sức càng quét của địch thì có hầm chông, hầm phảng.

Đặc biệt, các khối nhà chức năng bên trong căn cứ: Nhà thường trực, hội trường, nhà ăn, nhà thông tin, nhà bảo vệ đều được tận dụng xây dựng bằng cây lá, thiết kế nhỏ gọn, ẩn thấp bên trong vườn cây nhằm tránh sự phát hiện của địch và cơ động trong chiến đấu. Khám phá các ngôi nhà này, chúng ta nhận thấy được sự khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy và lại càng ngưỡng mộ với những sáng chế thông minh, linh hoạt của các các đồng chí trong các bộ phận chuyên môn trong căn cứ lúc bấy giờ. Nào là những bộ bàn ghế tiện dụng đa năng, khi họp thì kê lên làm bàn viết, buổi tối ráp lại làm giường ngủ. Những chiếc vĩ được đan bằng sậy đơn sơ nhưng lại có thể dùng để bày dọn thức ăn và để nghỉ ngơi sau những giờ làm việc, chiến đấu. Còn bếp nấu ăn thì được thiết kế vô cùng đơn giản, chỉ đào một lỗ nhỏ rồi kê ba viên gạch tiểu làm ông táo nấu ăn. Khi nấu ăn, để đề phòng địch phát hiện, các đồng chí phải nấu thật sớm hoặc khi tắt ánh nắng mặt trời. Buổi sáng khói còn đọng trên ngọn cây, các đồng chí trong nhà ăn phải leo lên rung cho tan hết khói.

Hội trường căn cứ Tỉnh ủy

Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang - nơi nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, ý chí vượt khó, hy sinh để các thế hệ vững vàng, tự tin tiếp bước truyền thống, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Góp phần vào đó, còn có công trình tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngọt – mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long được trang trọng đặt trong khuôn viên của di tích. Mẹ có chồng và sáu người con anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Công trình nhằm tôn vinh và tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngọt nói riêng, mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Vĩnh Long nói chung.

Công trình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt

Không chỉ thu hút khách tham quan bởi giá trị lịch sử, ý nghĩa giáo dục truyền thống mà Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang còn hấp dẫn du khách bởi không khí trong lành, mát mẻ, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, được bố trí cây xanh, hoa kiểng phù hợp không gian di tích. Mà có lẽ, ấn tượng nhất vẫn chính là sự phong phú, đa dạng của khu vườn nguyên sinh với những loại cây quen thuộc, đặc trưng, gắn liền với đời sống lịch sử, văn hoá miệt vườn sông nước Cửu Long. Bên trong di tích là những rặng trâm bầu sừng sững bám làng, bám đất, giữ gìn quê hương; Những cây gõ nước với những chùm hoa rực rỡ; Những bụi đủng đỉnh xanh mướt, oằn sai trổ quả đầy buồng; Những loài thực vật dây leo như dây choại, bòng bong, nhãn lồng quấn quanh, tua tủa trên những thân cây sắn, cây còng, cây u, cây méc,… rợp che bóng mát của cả khu vườn. Len lỏi dưới những tán cây xanh mát ấy, du khách còn có thể thưởng thức được âm thanh của những chú chim đang hót, tiếng kêu của những loài vật hoang dã như ễnh ương, ếch nhái, các loài bò sát,… Cộng với đó là các loài thực vật hoang sơ, tự sinh trưởng, phát triển nhưng lại vô cùng tươi tốt, tựa như những vườn rau nổi ở các mé rạch như rau muống, cù nèo, tai tượng, lục bình,… Thi thoảng, nhìn xuống bờ ao lại thấy vài đàn cá tự nhiên tung tăng bơi lội trông thật vui mắt.

Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang là chứng tích lịch sử tiểu biểu, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời là điểm vui chơi, trải nghiệm phù hợp với hầu hết các đối tượng khách tham quan. Chính vì thế, từ khi khánh thành đến nay, di tích đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, sinh hoạt. Năm 2016, Di tích vinh dự được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành một trong mười một di tích xếp hạng cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Mỹ Xuân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu