Bình dị con hến sông quê, đậm đà bánh xèo hến xứ cù lao Dài

16/08/2023 1166 0

Nằm giữa hai dòng sông, nước ngọt quanh năm không chỉ mang phù sa vun bồi qua bao thế hệ con người của miền đất Vĩnh Long, mà mỗi lần nước lên rồi lại xuống cũng là lúc “chở” về cho nơi đây bao nhiêu là sản vật, mùa nước nổi thì có cá linh, khi nước rút thì người dân cùng nhau đi cào hến, nét lao động bình dị và hiền hòa, hệt như con nước bao năm nay vẫn vậy.

Hến có mặt ở hầu hết các nhánh sông lớn nhỏ. Ở những lưu vực sông lớn hến được đánh bắt bằng những ghe cào, chạy dọc theo con sông dài cùng với lưới và các dụng cụ đánh bắt, còn ở những nhánh sông nhỏ, người dân vẫn giữ nguyên cách đánh bắt truyền thống, bằng việc mò hoặc cào hến bằng các dụng cụ thô sơ như rổ tre. Cứ mỗi lần nước rút, đoạn sông quê cũng sẽ trở nên nhộn nhịp bởi tiếng cười nói của các bà, các chị cùng nhau đi cào hến, tay chân lấm tấm bùn đất, đôi khi có những khúc sông sâu phải ngâm mình trong làn nước đục để bắt được những con hến to và mập mạp, nhưng mọi người vẫn đon đả nụ cười chất phát trên môi.

Những con hến sau khi được làm sạch bùn, đất

Những con hến sông thường không lớn, chỉ độ bằng ngón tay, nhưng vị ngọt của nó thì thật khó mà “nhỏ” được, bởi cái “ngọt” được chắt lọc qua bao mùa nước nổi rồi lại vơi, thăng trầm cùng con nước.

Không biết hến đã xuất hiện từ bao giờ, nhưng từ xưa cho đến ngày nay hến vẫn là một món ăn hấp dẫn, từ những nhà hàng sang trọng đến những món ăn bình dị trong mâm cơm của bao người dân Vĩnh Long và là món ăn mà du khách không nên bỏ qua khi đặt chân đến miền đất này.

Quá trình làm nên những món ăn từ hến phải trải qua nhiều công đoạn, tuy không quá phức tạp nhưng lại tốn nhiều thời gian từ lúc bắt về cho đến khi cho ra những mẻ ruột hến trắng phao, mập mạp.

Hến “ra chợ”

Hến sau khi bắt về được người nông dân lựa chọn tỉ mỉ những con to, có thể ăn được, bỏ đi những con đã chết và rong rêu bám theo, thả lại sông những con nhỏ “nuôi” cho lần bắt sau. Những rổ hến sau khi lựa xong được rửa đi rửa lại nhiều lần cho sạch bùn rồi tiến hành ngâm trong một cái thao lớn cho hến nhả sạch bùn, cát trong ruột sau đó mới tiến hành luột và vớt lấy thịt. Nước luột dùng nấu canh, nấu cháo cùng với phần thịt hến hòa cùng các loại rau có sẵn ngoài vườn thì quả là không thể chê vào đâu được bởi sự ngọt ngào của nước luột, và sự mềm mại của thịt hến.

Ngày nay, khi sản lượng hến ngày càng giảm, những người dân làm nghề cào hến trên các con sông cũng ít hơn xưa, một số người cũng bỏ nghề để tìm kế sinh nhai, những buổi nước nong cũng không còn nghe tiếng ghe cào nổ máy, thỉnh thoảng dạo bước trên các phiên chợ quê mới bắt gặp một hàng hến. Những con hến tươi được đổ dài trên một tấm nhựa, còn những mẻ thịt hến nuột nà được cho vào túi cùng với nước luột vẫn còn nóng hổi được bày trên kệ, chen chúc những người thi nhau mua những mẻ hến ngon.

Hến vào bếp

Với tính dễ ăn và mang trong mình nhiều dinh dưỡng, hến xuất hiện trong hầu hết các món ăn từ đơn giản đến phức tạp, tiêu biểu ở Vĩnh Long được biết đến như các món nào là hến kho xả ớt, cháo hến, hến nấu canh bầu …và bánh xèo hến cù lao Dài là món ăn mà du khách không nên bỏ qua nếu có dịp ghé thăm nơi này.

Hến sống ở khu vực cù lao to và chắc thịt hơn nhiều so với ở các nhánh sông nhỏ, vì vậy bánh xèo hến ở cù lao Dài là mang nhiều nét đặc trưng của một món ăn chỉ có ở xứ cù lao, bởi vị ngọt lành của hến hòa cùng lớp bột được pha trộn công phu và các loại rau tạo nên hòa nguyện hoàn hảo đặc biệt mà ai đến đây cũng nên thử một lần./.

Bài, ảnh: Thanh Thanh

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu