ĐẶC SẢN CÁ TAI TƯỢNG QUÊ MÌNH

19/11/2023 1201 0

Ẩm thực miền Tây nói chung, quê hương Vĩnh Long nói riêng luôn làm luyến lưu thực khách gần xa bởi sự đa dạng, độc đáo, thơm ngon của những món ăn đặc trưng nơi miệt vườn sông nước. Nếu có dịp đến Vĩnh Long, du khách đừng quên thưởng thức những món ăn ngon được chế biến từ con cá tai tượng - đặc sản nổi tiếng đã góp phần mang đến cái hương vị đầy thương, đầy nhớ cho những ai một lần thưởng thức.

Cá tai tượng là một trong những loại cá quý thường được người dân quê Vĩnh Long chọn nuôi ở ao mương vườn nhà. Điểm đặc biệt của loại cá này là lúc nhỏ thì ăn tạp gồm thực vật thủy sinh, cá, ếch nhái,... nhưng khi lớn thì chỉ ăn rau xanh, thực vật thủy sinh, phụ phẩm của nhà bếp. Cá ít xương, thịt chứa nhiều chất dinh dưỡng lại thơm ngọt tự nhiên nên được nhiều người ưa chuộng. 

Loại cá này rất dễ nuôi, cũng rất dễ bắt. Muốn bắt nhanh và nhiều thì người ta thường dùng chài. Ở quê mà, nhà nào cũng có cái chài để sẵn trong nhà. Chỉ cần “hốt” một nắm cám rãi nhử cá lại ăn, rồi quăng chài xuống mà bắt. Kéo chài lên, lựa con nào to thì giữ lại, con nào nhỏ thì thả nuôi tiếp. Còn những khi rảnh rỗi, vừa muốn bắt cá, vừa để thư giãn thì cứ xách cần câu ra vườn, tìm gốc cây nào mát mát rồi móc mồi, thả cần. Thong thả đợi cá cắn câu như đang được trở về tuổi thơ, tách khỏi cuộc sống xô bồ, mọi ưu phiền dần tan biến.

ảnh sưu tầm cá tai tượng chiên xù

Dù không thể chế biến đa dạng thành nhiều món ăn nhưng tất cả những món ăn được chế biến từ con cá tai tượng luôn mang đến sự say mê, thích thú cho những tín đồ ẩm thực. Cá không hợp đem đi nướng trui như con cá lóc, không um như con lươn đồng, không kho tiêu như con cá bống, cũng chẳng thể làm khô như con cá chạch,.... Cá tai tượng chỉ thích hợp làm món kho lạt, nấu canh chua ăn cùng với cơm trắng thanh đạm trong gia bữa cơm gia đình; hay đem đi hấp hành, chưng tương khi tiệc tùng, đãi khách.

Ảnh: Cá tai tượng được làm sạch chuẩn bị chế biến thành các món ăn

Còn ngon nhất, đúng bài và nổi tiếng nhất thì phải kể đến món cá tai tượng chiên xù. Đây là món ăn mang đậm nét đặc trưng dân dã, thể hiện sự bình dân, phóng khoáng của người con quê nơi miệt vườn sông nước. Bởi cách chế biến của món ăn này vô cùng đơn giản cũng giống như chính tính cách của con người nơi đây. Cá tai tượng được bắt từ ao mương vườn nhà lên, chỉ cần làm sạch ruột, giữ nguyên kỳ, vảy, đuôi rồi cho ít chanh, muối vào ngâm khoảng 15 phút, vớt ra, rửa sạch, để ráo. Sau đó, lấy một cái chảo to, loại sâu lòng bắc lên bếp rồi cho dầu vào đun sôi. Mà lượng dầu để làm món này thì phải thật nhiều, đảm bảo ngập được toàn bộ phần cá khi chiên. Và khi chiên cá, người đầu bếp phải chú ý canh lửa cho vừa để cá chín vàng đều, không bị “chín áp”. Nhìn con cá tai tượng thật to, nhìn chảo dầu cũng thật lớn, thật nhiều thì cũng đủ thấy được sự rộng rãi, phóng khoáng trong nét tính cách của người dân quê mình rồi đó. Cá chín vàng ươm, thịt cá thơm ngọt, giòn rụm, đem lên bày trí cùng với các loại rau ăn kèm như rau thơm, quế, diếp cá, xà lách, chuối sống, khế chua,... rồi ăn với cơm nóng hay gói bánh tráng chấm cùng nước mắm me sền sệt, cay cay, ngọt ngọt thì cũng đều no căng cái bụng dạ của người thưởng thức.

Cá tai tượng đã góp phần làm nên đặc trưng cho ẩm thực nơi miệt vườn sông nước nói chung, quê hương Vĩnh Long nói riêng. Các món ăn được chế biến từ loại cá này không chỉ xuất hiện trong bữa cơm quê, tiệc tùng, tiếp khách gia đình mà còn phổ biến trong thực đơn tại các quán ăn bình dân đến nhà hàng sang trọng. Cá tai tượng cứ thế mà vấn vương, quyện lòng những người con xa xứ cũng như du khách gần xa.

Bài, ảnh: Mỹ Xuân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu