ĐÁM GIỖ NHÀ QUÊ TRONG KÝ ỨC TUỔI THƠ

14/10/2023 652 0

Cuộc sống chúng ta luôn thay đổi từng ngày, từng giờ. Điều đó đồng nghĩa với việc bản thân chúng ta cũng phải thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh của môi trường sống… thế nhưng trong ký ức của mỗi chúng ta, thì cái gì gắn liền với tuổi thơ thì chúng ta sẽ nhớ mãi. Những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, bọn trẻ con không có được những thứ vui chơi, giải trí như bây giờ, cho nên mỗi khi trong nhà mình, nhà bà con, hàng xóm có đám giỗ thì nôn nao lắm. Bởi đám giỗ là những ngày được hội tụ bà con, dòng họ bên nội, bên ngoại xa gần về sum họp lại với nhau vui không sao tả xiết ! Những việc rất bận rộn như: gói bánh, nấu những món ăn thật ngon… dâng lên cúng ông bà, tổ tiên người đã khuất và đãi dòng họ bà con.

Đám giỗ ngày trước diễn ra nhiều ngày lắm! Công việc chuẩn bị trước khoảng 5 ngày: hái dừa khô, chẽ dây chuối thành sợi nhỏ phơi khô, lá chuối, phơi nắng cho vừa “xào” “dẽo” và sắp thành từng sắp, cắt, sao cho đẹp dùng để gói bánh ít, bánh tét và món bì, nem…Nếp là phần quan trọng trong đám giỗ dùng để gói bánh tét và bánh ít.

Đám giỗ miền Tây thì món bánh tét và bánh ít là quang trọng không thể thiếu vì vậy để chuẩn bị cho hai món bánh này thì gia chủ phải chuẩn bị rất công phu và chu đáo, có như thế thì bánh làm ra mới ngon dâng lên cúng tổ tiên, ông bà và sau cùng là mời bà con thưởng thức.

Thông thường, đám giỗ sẽ diễn ra có 3 ngày chính .

Ngày đầu tiên bà con, hàng xóm xúm lại gói bánh tét từ sớm đến khoảng trưa thì được nấu từ từ đến khoảng 23g thì bánh mới chín. Bánh tét được gói rất nhiều, thường 1 đám giỗ của gia đình trung lưu, bà con đông thì bánh được gói khoảng  200 đến 300 đòn bánh. Bánh tét có nhiều loại nhân: nhân chuối, nhân đậu, nhân đậu mỡ, bánh tét chữ… Theo tập quán đám giỗ miền Tây, thì mỗi người đến dự đám giỗ khi về thì được biếu 1 đòn bánh và vài cái bánh ít để ăn cùng gia đình.

Ngày thứ hai (buổi chiều là cúng mâm tiên), sáng sớm thì chuẩn bị bột gói bánh ít. Nếp gói bánh ít được ngâm với lượng nước vừa đủ cùng với khóm xắc mỏng để ngâm cùng nếp cho thơm, nếp được ngâm từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau là đem xay bằng cái đá xay bột, bột được bồng cho đến khi vừa dẽo, để làm bột gói bánh ít. Bánh ít gồm có các loại nhân: nhân đậu xanh, nhân dừa (nhân ngọt), nhân mặn (thịt vịt bầm, nấm mèo, củ cải đỏ, tôm khô…). Nhưng phổ biến vẫn là nhân đậu xanh và nhân ngọt. Thường đám giỗ sẽ gói khoảng 400 đến 500 cái bánh ít. Trong ngày thứ 2 này thì các món ăn khác được chuẩn bị như: gói bì, nem, bánh bông lan hay bánh kẹp, bánh in… đây là dịp để mỗi chị em phụ nữ trổ tài làm những món ăn ngon để khẳng đính sự khéo tay và đảm đang nữ công gia chánh và cũng là dịp để nam, nữ đến tuổi cưới vợ gã chồng được các cô, dì… để ý mai mối cưới xin.

Ngày thứ 3 là ngày chính của đám giỗ, từ 2 hôm trước mọi thứ đã chuẩn bị xong nên từ sáng sớm bà con xa, gần đã đến đầy đủ, tầm khoảng 9g thì gia chủ dọn mâm cơm cúng trên bàn thờ gia tiên, con cháu thắp nén thang tưởng nhớ người đã khuất và sau đó các bàn tiệc được dọn lên và tất cả những người đến dự đám giỗ được mời vào bàn ăn, buổi tiệc diễn ra trong tiếng nói cười vui vẻ, bà con có dịp gặp nhau hỏi thăm công việc làm ăn, gia đình, con cái… Đám giỗ miền Tây quê tôi là thế, hồi ấy mỗi lần nhà có giỗ là mỗi lần những đứa trẻ như tôi mong chờ nhất là lúc bánh tét, bánh ít chín được vớt ra, thì trông cho có cái méo để được người lớn cho ăn, thì vui lắm. Cái tiếng động dao, thớt, cái mùi thơm đặc trưng của đám giỗ từ bếp bay ra ngửi sao mà thơm, mà hấp dẫn, mà thèm đến lạ… đó là mùi của “giao hòa âm- dương” và mùi của sự sum vầy, sum họp gia đình.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại, thời gian, không gian tổ chức đám giỗ không còn như ngày trước nữa, mọi thứ trở nên tiện lợi. Cứ đến ngày giỗ trong gia đình, đa phần bà con đặt dịch vụ nấu ăn sẵn và chỉ diễn ra 1 ngày chính là cúng mâm cơm và đãi tiệc là xong, không như trước đây diễn ra nhiều ngày nữa. Thế mới thấy cuộc sống làm thay đổi mọi thứ xung quanh ta, từ sinh hoạt thường ngày đến những nghi thức thờ cúng tổ tiên cũng dần mai một. Nhưng tôi tin chắc rằng trong mỗi ký ức của chúng ta  dù cuộc sống có thay đổi, nhưng khi nhớ về những phong tục tập quán tốt đẹp của ông bà để lại thì con, cháu cũng muốn giữ gìn để lưu lại, truyền lại cho thế hệ mai sau, đó là tài sản vô giá mà không gì so sánh đánh đổi được./

Bài ảnh: Huỳnh Duy

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu