Con đường nghệ thuật gốm đỏ là kết tinh của món quà tự nhiên đã ban tặng cho Vĩnh Long. Nguồn: daidoanket.vn
Mua sắm chính là một trong những nhu cầu quan trọng nhất của du khách; đặc biệt có những đoàn chuyên về mua sắm.
Do đó, người làm du lịch, địa phương làm du lịch phải giải bài toán như thế nào để du khách có thể… vui vẻ “móc ví” ra tiêu xài. Những con số thống kê số lượng khách đến chưa nói lên thành công của du lịch, mà chi phí tiêu xài của mỗi du khách trong thời gian tham quan, lưu trú mới nói lên vấn đề, đẳng cấp của ngành du lịch.
TP Hồ Chí Minh từng là “thiên đường mua sắm”
Đó là giai đoạn thập niên 90 thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ XXI, hàng loạt chuỗi cửa hàng mua sắm ra đời chỉ để phục vụ các đoàn khách du lịch.
Riêng lượng khách Nhật tham gia các đoàn zakka (mua sắm) hàng tháng có đến vài chục ngàn lượt check-in TP Hồ Chí Minh, các con đường mua sắm nhộn nhịp mọc lên dày đặc các cửa hàng bán quà lưu niệm, cho đến các trung tâm mua sắm lớn. Những trường hợp chỉ một khách có thể chi hàng chục ngàn USD ở một cửa hàng là bình thường.
Những đoàn khách zakka của Nhật Bản đặc biệt thích thú với các loại hàng thủ công mỹ nghệ chế biến tinh xảo, hàng gốm sứ chiếm một tỷ lệ lớn trong các giỏ hàng du khách mang về nước.
Xu hướng du lịch này thành công đến nỗi, có hẳn một công ty chuyên vận chuyển phục vụ đưa quà lưu niệm của du khách về đến tận nhà ở Nhật Bản. Đó cũng là thời kỳ du lịch quốc tế bùng nổ tuy số lượt khách không thể so sánh với ngày nay, nhưng giá trị “tiêu xài” trên từng khách ở Việt Nam có thể xem là thành công rực rỡ.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm quà lưu niệm, giai đoạn đó đã có nhiều nghệ nhân làng gốm Bát Tràng làm cuộc “Nam Tiến”, trong khi ngay tại quê hương Bát Tràng làng nghề chưa thực sự sống lại thời hoàng kim, thì những người đem gốm Bát Tràng vào phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách ở phía Nam thì… hốt bạc.
Các sản phẩm gốm (tượng, thú, bình,…) trang trí sân vườn, hồ nước rất đẹp.
Một số lò gốm Bát Tràng mọc ngay trong nội ô TP Hồ Chí Minh; còn trên đường từ TP Hồ Chí Minh về TP Mỹ Tho (Tiền Giang) có đến 3-4 trạm dừng chân có lò gốm Bát Tràng. Thực ra đây chỉ là mô hình lò gốm thu gọn để tiện việc thuyết minh, giải thích cho du khách, còn chủ yếu là bán quà lưu niệm. Đây là tuyến đường hàng ngày có hàng ngàn lượt khách mua tour về ĐBSCL, mà chủ yếu lúc đó là về Tiền Giang và Vĩnh Long.
Sự thành công và nhu cầu mua sắm đặc biệt với gốm, sứ truyền thống Việt Nam, đã mở ra tuyến tour về Bình Dương, với chương trình tour trải nghiệm làm gốm, sứ và trực tiếp vẽ hình, viết tên du khách lên sản phẩm gốm, sau đó quà tặng sẽ được chuyển đến địa chỉ của du khách ở nước ngoài.
Đó là câu chuyện của nhiều năm trước; nhưng đó cũng là những gợi mở cho gốm đỏ Vĩnh Long một giấc mơ khác trong tương lai mà có lẽ câu chuyện đã bắt đầu từ ngày hôm nay.
Đa dạng hóa sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long
Nhằm tạo điều kiện để người dân và khách du lịch thuận tiện mua sắm các sản phẩm gốm trang trí tiểu cảnh, gốm dành cho du lịch, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Gốm Cửu Long vừa khai trương Phòng trưng bày Gốm Cửu Long (tọa lạc tại số 297, đường 14 Tháng 9, Phường 5, TP Vĩnh Long).
Phòng trưng bày có trên 1.000 tác phẩm gốm đa dạng mẫu mã, chủng loại (hình thú, tượng, chậu, bình,…) được sản xuất từ nguyên liệu đất sét đỏ đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long, có giá dao động từ 30.000- 2.800.000đ tùy theo sản phẩm để phục vụ người dân và khách du lịch.
Đa dạng mẫu mã sản phẩm gốm được sản xuất từ nguyên liệu đất sét đỏ đặc trưng Vĩnh Long.
Các sản phẩm gốm có thể sử dụng làm quà tặng cho bạn bè, người thân, góp phần quảng bá thương hiệu làng nghề gốm của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước.
Với đặc tính bền, đẹp, thẩm mỹ cao, các sản phẩm dễ vận chuyển, các tác phẩm gốm trang trí tiểu cảnh hiện nay rất thu hút người tiêu dùng.
Anh Phạm Đức Hòa (ngụ tại Quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Phòng trưng bày Gốm Cửu Long bán nhiều sản phẩm đa dạng mẫu mã, đáp ứng sở thích của người tiêu dùng để trang trí sân vườn, bàn làm việc, phòng khách, giá cả phải chăng, hợp lý.
Theo bà Hồ Thị Liêm- Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Gốm Cửu Long: Trước đây công ty làm gốm xuất khẩu đi nước ngoài từ gốm chậu, bình, tượng, thú, gần đây sẵn sản phẩm của công ty đã mở phòng trưng bày để phục vụ người dân, khách du lịch mua về trưng bày ở sân vườn, hồ nước, trước nhà,… trong thời gian tới, công ty không ngừng đổi mới công nghệ, tìm kiếm mẫu mã mới, mở rộng thị trường phục vụ du khách, góp phần đưa làng nghề gạch gốm Vĩnh Long phát triển vươn xa.
Việc phát triển sản phẩm gốm trang trí tiểu cảnh, với kích thước nhỏ phục vụ nhu cầu khách du lịch cũng như khách hàng trong nước là hướng đi đúng đắn, cần thiết nhằm chủ động việc sản xuất tại cơ sở, đồng thời bảo tồn nghề gạch gốm của thế hệ đi trước cũng như tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng thị phần kinh doanh trong nước bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống.
Sản phẩm gốm đỏ được Gift Garden (Phường 4, TP Vĩnh Long) đưa vào giỏ quà tặng
Gốm đỏ Vĩnh Long là truyền thống, đã được chăm chút phả vào đó hồn cốt của mỹ thuật, nghệ thuật. Nhưng cùng với vẻ đẹp thô mộc của gốm đỏ truyền thống, những nghệ nhân Vĩnh Long cần bước thêm tầm mức nữa đó là cần phải học hỏi, nghiên cứu một cách bài bản, nghiêm túc, cần đầu tư công sức, trí tuệ và tình yêu với gốm đỏ, để “mặc lên chiếc áo sứ” cho gốm đỏ Vĩnh Long. Cần nghiên cứu, học tập kỹ thuật tạo men giúp gốm đỏ Vĩnh Long trở nên tinh tế hơn, sang trọng hơn và thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu mua sắm của du khách trong, ngoài nước.
Hơn thế nữa, khi Vĩnh Long đã từng có những họa sĩ tài năng đưa sản phẩm gốm đỏ lên thành những tác phẩm nghệ thuật, từ… cục đất sét vài trăm gam, trở thành những tác phẩm bán tận trời Tây có giá… vài chục USD đến hàng trăm USD.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG-HỮU THOẠI