KHÁM PHÁ DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG CÁI NGANG

21/04/2023 2543 0

Trở lại Vĩnh Long vào một chiều tháng tư lịch sử, tôi có dịp ghé thăm Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, tọa lạc tại Ấp 4, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình. Đây là căn cứ của Tỉnh ủy Vĩnh Long từ năm 1966 đến năm 1975. Chính tại nơi đây, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã lãnh đạo quân dân trong tỉnh giành thắng lợi trong Chiến dịch Xuân Mậu thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975.

Đến với di tích, chúng ta có dịp tìm hiểu về lịch sử với những trải nghiệm và cái nhìn đầy thú vị. Hành trình tham quan di tích gồm viếng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt, tham quan nhà trưng bày và khám phá bên trong khu căn cứ.

1. Viếng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt

Khi thắp nén hương tri ân tưởng nhớ mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt, tôi nghẹn lòng xúc động, cảm phục trước sự hy sinh to lớn của mẹ. Bằng tình yêu quê hương, đất nước, khát khao độc lập tự do dân tộc, mẹ đã không ngại hiểm nguy, bí mật làm công tác giao liên và nuôi chứa cán bộ cách mạng. Chấp nhận chia ly, tiễn chồng con lên đường tham gia kháng chiến là chấp nhận ôm nỗi đau hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho tổ quốc. Mẹ âm thầm lặng lẽ nuốt nước mắt vào tim khi chồng và sáu người con lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Với những đóng góp tích cực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mẹ đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiêu biểu cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh Vĩnh Long. Công trình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt được làm bằng đá granite xanh nguyên khối, đặt trang nghiêm trên nền gạch đỏ, xung quanh trồng nhiều hoa kiểng trang trí hài hòa, phù hợp không gian di tích. Thông qua hình tượng tiêu biểu của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt, công trình nhằm tôn vinh và tri ân những bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Vĩnh Long nói chung.

Công trình tượng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt

2. Tham quan nhà trưng bày và khám phá bên trong khu căn cứ

Theo chân cán bộ thuyết minh, chúng tôi tiếp tục tham quan nhà trưng bày và khám phá căn cứ phục dựng bên trong khu vườn nguyên sinh. Duyên dáng trong trang phục áo bà ba, thuyết minh viên tại điểm lần lượt dẫn dắt đưa chúng tôi ngược dòng thời gian tìm hiểu về sự ra đời, xây dựng, bảo vệ và hoạt động của căn cứ Cái Ngang.

 Được biết trước năm 1966, để hoạt động cách mạng, Tỉnh ủy Vĩnh Long phải thường xuyên di chuyển địa điểm hội họp, hoạt động.  Năm 1966, dựa trên cơ sở yếu tố vùng đất, địa hình và lòng dân, Tỉnh ủy đã quyết định chọn Cái Ngang làm căn cứ kháng chiến. Trong thời gian đầu xây dựng căn cứ, đồng chí Nguyễn Ký Ức giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí cùng với Ban thường vụ Tỉnh ủy tổ chức các hoạt động trong căn cứ bao gồm các bộ phận chuyên môn: Văn phòng, Ban căn cứ, điện đài, cơ yếu, giao liên bán khai, đội trinh sát kỹ thuật, đội phòng thủ.

Đường dẫn vào căn cứ khá xa, hai bên rợp bóng mát của những hàng cây cao vút, thỉnh thoảng có vài cơn gió nhẹ thổi xuyên qua cành lá giúp xua đi cái nóng oi bức của tháng tư hè và tạo nên cảm giác thanh mát, dễ chịu trong lòng du khách. Lần lượt khám phá các hạng mục bãi lửa, cầu chông, hệ thống hầm bí mật, trảng xê, công sự chiến đấu, hầm chông, hầm phảng, cùng các khối nhà chức năng như nhà thường trực, hội trường, nhà ăn, nhà thông tin, nhà bảo vệ,…chúng tôi trải nghiệm được những phút giây lịch sử đầy hiểm nguy, gian khó, nhưng lại rất đỗi hào hùng.

Do Căn cứ Cái Ngang đóng cách đồn Rạch Gỗ của địch chỉ có 400 mét nên yếu tố bí mật luôn được đặt lên hàng đầu. Các đồng chí trong căn cứ ngày cũng như đêm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật: “Đi không dấu, nấu không khói và nói không lớn tiếng”. Với bản năng sinh tồn, sự thích nghi, nhạy bén, sáng tạo, các đồng chí đã tận dụng nguyên vật liệu sẵn có tại chỗ, chủ yếu là cây lá để che cất các nhà chức năng, đóng bàn ghế hội họp, đan các vĩ sậy để bày dọn thức ăn và nghỉ ngơi, tự tay làm các ngư cụ truyền thống như chày, lọp, lưới, đăng để đánh bắt cá cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Trong cuộc chiến đấu đầy cam ro quyết liệt với kẻ thù, yếu tố quyết định để cách mạng Vĩnh Long thành công, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc đó là sự lãnh đạo tài của tình Tỉnh ủy và sự quyết tâm đoàn kết nhất trí một lòng của quân dân trong tỉnh. Căn cứ cách mạng Cái Ngang trở thành nơi đứng chân vững chắc của Tỉnh ủy Vĩnh Long. Dù địch ra sức càn quét, khủng bố nhưng dưới sự bảo vệ của nhân dân, căn cứ Cái Ngang vẫn luôn tuyệt đối an toàn để Tỉnh ủy Vĩnh Long lãnh đạo quân dân trong tỉnh giành thắng lợi trong Chiến dịch Xuân Mậu thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975.

 Tham quan di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang khơi dậy trong tôi niềm cảm phục, tự hào về lòng dũng cảm của quân và dân ta trong kháng chiến, càng biết ơn thế hệ cha ông đi trước đã sẵn sàng hy sinh để bảo vệ màu xanh độc lập cho quê hương và càng trân quý cuộc sống tự do hiện tại. Di tích Cái Ngang  là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng đã được bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trung bình hàng năm di tích đón gần 20.000 lượt khách tham quan, về nguồn.

Hình ảnh các đoàn khách tham quan, về nguồn tại di tích:

 

Bài, ảnh Mỹ Xuân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu